Bình ổn giá cả thị trường: Giải pháp hợp lòng dân

Doanh nhân, Doanh nhân, Hội nhập | 08:36:00 09/07/2020

TNV - Từ bài học “cơn sốt gạo” năm 2008, Thành ủy - UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực, hiệu quả để thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm.

Sự phản ứng nhanh của lãnh đạo TPHCM sau “cơn sốt gạo”

Hẳn không ít người vẫn còn nhớ hình ảnh nhiều người dân, đặc biệt là những người lao động nghèo của thành phố và các tỉnh phía Nam, phải rồng rắn xếp hàng để mua gạo về dự trữ bởi tin đồn “Việt Nam sắp thiếu gạo” vào giữa tháng 4-2008. Thời điểm đó lòng dân bất an, nhất là lúc giá gạo càng cao thêm sau khi nhiều vựa gạo, đại lý gạo đóng cửa ngừng bán, các nhà phân phối lớn phải điều tiết bằng cách quy định mỗi khách hàng mỗi lần mua chỉ được tối đa 10 kg gạo. Ngay sau đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã khẩn trương báo cáo Bộ Công thương và Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ điều tiết về mặt vĩ mô. Song song đó, UBND thành phố đã chỉ đạo khẩn các cơ quan, đơn vị, sở ngành cùng vào cuộc để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ nước ta không lo thiếu gạo. Đồng thời, ra quân kiểm tra và xử lý mạnh những cá nhân, tổ chức tung tin thất thiệt và những đối tượng có hành vi ghim mặt hàng gạo để đầu cơ.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Saigon Co.op 
(người thứ 3, hàng đầu, bên trái qua) tiếp đoàn kiểm tra của lãnh đạo
Tp. Hồ Chí Minh về công tác bình ổn giá.

Về mặt chiến lược dài hơi, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo khẩn các nhà phân phối lớn làm việc với Tổng Công ty Lương thực miền Nam và các vựa gạo lớn khu vực đồng bằng sông Cửu Long để dự trữ hàng, đưa gạo kịp thời đến các điểm bán, bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu của người dân. 

Saigon Co.op đi đầu trong công tác bình ổn giá

Đề phòng các tình huống tương tự xảy ra với các mặt hàng thiết yếu khác, thành phố còn chi ra mỗi năm hàng chục ngàn tỉ đồng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất rất thấp để làm nguồn lực thực hiện chương trình bình ổn giá. Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối như Saigon Co.op, SATRA, BigC, Aeon, Lotte cùng một số nhà sản xuất thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả đã tiến hành dự trữ với tổng nguồn hàng hóa hằng năm tăng bình quân khoảng 30%.

Trong số này, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) có thể kể đến là một trong những đơn vị điển hình trong việc thực hiện tốt chương trình bình ổn giá trong thời gian qua. Điểm mạnh của Saigon Co.op là có hệ thống cánh tay nối dài với gần 1.000 điểm bán để mang hàng bình ổn không chỉ đến với người dân ở Tp. Hồ Chí Minh mà còn vươn ra ở các tỉnh thành trong cả nước, nơi có siêu thị Co.opmart trú đóng. Toàn bộ các điểm bán này đã cam kết luôn đảm bảo đủ các hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng với giá ổn định.

Để công tác bình ổn giá được thực hiện một cách căn cơ và xuyên suốt, trong nhiều năm qua, Đảng bộ Saigon Co.op đã đưa công tác này thành một nhiệm vụ có tính chiến lược. Chẳng hạn, Đại hội đại biểu Đảng bộ Saigon Co.op khóa X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác lập công tác bình ổn giá là 1 trong 5 chương trình trọng điểm trong Nghị quyết Đại hội với nội dung “Giữ vững vai trò là hạt nhân nòng cốt tham gia bình ổn thị trường và thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, Ban Thường vụ Đảng ủy cũng ban hành Kế hoạch số 57-KH/ĐULH ngày 26-12-2017 về việc tổ chức thực hiện chương trình này trong toàn nhiệm kỳ. Để thực hiện tốt nội dung này, Saigon Co.op đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực:

Một là, Đảng ủy đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị của Saigon Co.op tiếp tục phát huy thế mạnh là một trong những hệ thống phân phối chủ lực, là doanh nghiệp nòng cốt trong các dịp lễ, tết tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có siêu thị Co.opmart hoạt động, luôn được lãnh đạo địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp liên quan đến khai thác hàng hóa và logistics như: tổ chức khai thác nguồn hàng tận gốc; đầu tư ứng vốn cho nông dân và các hợp tác xã; liên kết liên doanh với các nhà sản xuất, đặc biệt với những doanh nghiệp trong nước, các đơn vị cung cấp; đầu tư mở rộng hệ thống tổng kho; đổi mới công tác cung ứng vận chuyển điều phối hàng hóa… đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng với giá ổn định.

Ba là, tập trung đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng mang thương hiệu Co.opmart với nhiều sản phẩm mới, góp phần tích cực vào quỹ hàng hóa bình ổn giá của Saigon Co.op, với giá bán thấp hơn các mặt hàng cùng loại từ 5 - 20% để phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là người dân khó khăn.

Bốn là, các phòng ban chuyên môn đẩy mạnh chiến lược tạo nguồn hàng và giá cả ổn định thông qua các hoạt động đầu tư liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước.

Năm là, tiếp tục phát huy thế mạnh là một trong những nhà phân phối tham gia vào quá trình sản xuất và bao tiêu những mặt hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP. Từ chương trình hợp tác thương mại giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Nam, tiếp tục chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường tiêu thụ thành phố, mang đến lợi ích kép, đảm bảo đầu ra cho nông sản và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng. 

Sáu là, tiếp tục thực hiện liên kết và có các giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh và các địa phương, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã địa phương đối với các sản phẩm nông sản sạch.

Bảy là, thực hiện cải tiến các quy trình quản lý, vận chuyển, lưu kho... nhằm tiết giảm tối đa chi phí đầu vào bên cạnh việc khuyến khích các nhà cung cấp chấp nhận cùng siêu thị cắt giảm lợi nhuận để thực hiện các chương trình khuyến mãi, chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.

Tám là,trong công tác phát triển mạng lưới, tăng cường xây dựng các điểm bán ở vùng ngoại thành để hàng bình ổn được đến tay bà con nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.

Chín là, chỉ đạo Ban Chấp hành hai đoàn thể thực hiện mỗi năm ít nhất 1.000 chuyến bán hàng lưu động “Đưa hàng Việt về nông thôn” để mang hàng Việt, hàng bình ổn đến bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, liên tịch với Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố về việc mở rộng điểm bán hàng bình ổn trong đội ngũ hội viên, đoàn viên nhằm góp thực hiện thành công chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố. 

Giải pháp hợp lòng dân

Từ những giải pháp đồng bộ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op, trong suốt thời gian qua, tập thể gần 20.000 cán bộ nhân viên toàn đơn vị luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của xã đối với cộng đồng xã hội, đặc biệt là công tác bình ổn giá cả thị trường, góp phần mang lại an sinh xã hội cao tại địa phương trú đóng. Điều đó được ngấm vào “máu” của từng cán bộ nhân viên và từ lâu, đã trở thành một nét văn hóa riêng có của đơn vị kinh tế hợp tác xã.

Hằng năm, tại hệ thống các điểm bán hàng bình ổn giá trực thuộc Saigon Co.op luôn có hơn 50 mặt hàng thuộc 9 nhóm hàng thiết yếu gồm có: gạo, nếp; đường; đầu ăn; thực phẩm chế biến; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản tươi sống. Trung bình mỗi năm, Saigon Co.op dự trữ trung bình từ khoảng 80.000 đến 100.000 tấn hàng bình ổn giá, tương đương với trị giá hơn 5.000 tỉ đồng với giá bán ra cam kết thấp hơn thị trường từ 5% trở lên. Trong đó, giá rau củ quả luôn thấp hơn thị trường từ 15 - 20%, vừa cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng đã được giảm giá đến 50% để đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đối với toàn thành phố, có thể thấy số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia, cùng số lượng điểm bán hàng bình ổn giá ngày càng tăng mạnh với tâm thế và tinh thần trách nhiệm cao. Doanh thu hàng bình ổn thị trường tăng bình quân hơn 10% qua mỗi năm. Chương trình bình ổn giá đã mang đến những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với giá bán thấp hơn 5% - 10% thị trường, không những trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán mà còn duy trì xuyên suốt cả năm. Chính vì vậy, bà con nhân dân ngày càng an tâm lao động, sản xuất, nhất là những người lao động nghèo có thể chờ đến những ngày sát Tết, cũng có thể mua được các mặt hàng thiết yếu mà không sợ tăng giá hay hết hàng.

Có thể nói, nhờ sự quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, trong hơn 12 năm qua, chương trình bình ổn giá cả không những luôn khẳng định là công cụ điều tiết, dẵn dắt thị trường có hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế - xã hội cho các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn chiếm lĩnh được niềm tin mạnh mẽ trong lòng đông đảo bà con nhân dân. Và chính nhờ hiệu quả của công tác bình ổn giá cả thị trường, mà Tp. Hồ Chí Minh đã góp phần trong việc triển khai thực hiện thành công các chỉ đạo của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian qua. 

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Để chương trình bình ổn giá cả thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu được thực hiện tốt hơn, các cơ quan chức năng cần quan tâm xem xét, để triển khai thực hiện các nội dung sau:

Một là,cầntăng cường và chủ động trong việc tuyên truyền thông tin về sự chuẩn bị, dự trữ và giải pháp dự trữ các mặt hàng thiết yếu để đón đầu trước các mùa cao điểm trong năm hoặc chủ động trước các rủi ro về dịch bệnh, thiên tai… để người dân được an tâm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các thương lái có hành vi tung dư luận khan hiếm giả tạo đối với các mặt hàng thiết yếu trong những mùa cao điểm, để tăng giá, đầu cơ, trục lợi.

Hai là,các cơ quan chức năng thành phố cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc xã hội hóa mạnh mẽ nguồn vốn để các doanh nghiệp đủ nguồn lực thực hiện tốt chương trình bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt là trong các mùa cao điểm lễ tết, với sức mua có xu hướng tăng mạnh qua mỗi năm.

Ba là, cần tập trung giám sát chiều sâu và sự tuân thủ các quy định về chương trình bình ổn giá. Đảm bảo các điểm bán đều kinh doanh những thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, HACCP… luôn đảm bảo đủ lượng hàng, với giá đúng theo cam kết ban đầu, để không làm giảm sút uy tín của chương trình bình ổn.

Bốn là, cần quan tâm hỗ trợ các nhà sản xuất, nuôi trồng các mặt hàng thiết yếu đang hoạt động nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, để đưa vào các kênh phân phối hiện đại, đơn cử như Saigon Co.op và định hướng tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố, nhằm không ngừng tăng cường chất lượng, chủng loại và số lượng các nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo luôn đủ để phục vụ người dân quanh năm.

Năm là, thành phố cần tăng cường thế mạnh của các hệ thống phân phối lớn, có tầm ảnh hưởng cao đối với thị trường để làm công cụ trọng yếu trong việc triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá cả thị trường, cũng như các chương trình liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời chỉ đạo các đoàn thể phối hợp để mở rộng nhanh các điểm bán hàng bình ổn rộng khắp đến người tiêu dùng, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư trong và ngoài thành phố.

Người dân đang chọn mua hàng bình ổn giá tại hệ thống Co.opmart.

 Mậu dịch viên Co.opmart Phú Thọ, quận 11 đang tư vấn về hàng bình ổn giá cho người tiêu dùng.

Phương Thanh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam