"Chuyển đổi số của ngành giáo dục đáng ra cần làm sớm hơn"

Giáo dục | 08:34:00 26/11/2021

Ý kiến chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số của ngành Giáo dục cần làm sớm hơn vì tác động rất nhiều đến chất lượng đầu ra của giáo dục, đào tạo, đó chính là nguồn lực cho doanh nghiệp, cũng như nguồn lực chính để chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực, thuộc Hội đồng quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” do Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng.

Trình bày dự thảo Đề án, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Sơn Hải cho biết, mục tiêu chung của Đề án là thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh hội nghị.

Trong giai đoạn 2021-2025 Đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học; phát triển nhân lực số. Trong đó, sẽ triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học; triển khai các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số.

Đồng thời, phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, bải giảng điện tử, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử; triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp, nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học đảm bảo quản lý và làm việc hiệu quả trên môi trường số…

Cho ý kiến về dự thảo Đề án, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng: "Chuyển đổi số của ngành Giáo dục cần làm sớm hơn vì nó tác động rất nhiều đến chất lượng đầu ra của giáo dục, đào tạo. Đầu ra đó chính là nguồn lực cho doanh nghiệp, cũng như nguồn lực chính để chuyển đổi số quốc gia".

Nhận định chuyển đổi số trong giáo dục không khó về công nghệ mà vấn đề ở nhận thức, thay đổi thói quen, cùng với đó là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho chuyển đổi số giáo dục…, ông Lê Đăng Dũng đưa ra 3 việc lớn cần làm. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó để xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành. Cuối cùng là xây dựng các nhà trường thông minh.

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng lại cho rằng, có 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết khi triển khai chuyển đổi số trong giáo dục. Nhóm vấn đề đầu tiên là công nghệ. Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến con người, học liệu, phương pháp học tập. Cuối cùng là quản trị và chính sách. Cụ thể, quản trị từ Bộ đến các nhà trường phải thay đổi, kèm theo đó là chính sách kịp thời để công nhận kết quả ứng dụng được từ công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, các nhà trường đã hết sức chủ động, linh hoạt chuyển sang dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, chuyển đổi số là việc hết sức cần thiết, trong trước mắt cũng như lâu dài. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Vũ đặc biệt nhấn mạnh ngay từ đầu cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, có tổng chỉ huy, có phân cấp, phân quyền. Có như vậy mới thuận lợi trong triển khai đồng bộ và kết nối thuận lợi.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân lưu ý tới việc cần làm rõ nội hàm của việc dạy học trực tuyến để đưa ra các mục tiêu phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, cần hình thành các kho học liệu trực tuyến, trong đó quan tâm tới các kho học liệu mở của thế giới và có chính sách thúc đẩy sử dụng các kho học liệu này. Bên cạnh đó, cần hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến phù hợp, tiết kiệm chi phí.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết, ngành Giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục và đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên, với hy vọng 5-10 năm sau công cuộc chuyển đổi số của ngành sẽ đạt kết quả.

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, mà phạm vi vô cùng rộng lớn, ở đó tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác đang thực hiện sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành. Chuyển đổi số cũng không phải để thay cho yếu tố thực tại, trực tiếp, sinh động mà các yếu tố thực tại được đặt vào chuyển đổi số, qua đó vận hành tốt hơn, kết nối hơn, rộng mở hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn, làm cho công cuộc vận hành giáo dục trong thực tại hiệu quả và chất lượng hơn.

Để có được hành động quyết liệt trong chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cần phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có hướng cho những tiện ích, lợi thế được thể hiện. Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. “Nếu thực hiện tốt đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học. Hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Đề cập đến một số vấn đề được cho là khó hi triển khai chuyển đổi số giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, là nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số, sự chuẩn bị của thể chế, hệ thống văn bản quản lý điều hành, vấn đề tài chính. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là đột phá, vì vậy, sẽ phải từng bước khả thi hóa từng nội dung, mục tiêu đặt ra./.

Nguyễn Trang/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam