Có những người phụ nữ lặng lẽ dệt thêu thổ cẩm làm đẹp cho đời

Du lịch, Du lịch, Hồn việt | 16:48:00 06/02/2021

TNV - Những ai đã từng có dịp rong ruổi, điền dã vào các bản Mông ở miền núi Tây Bắc đều dễ thấy hình ảnh những người phụ nữ, em gái nhỏ người Mông lặng lẽ, chăm chỉ thêu thùa, se lanh, dệt vải… Nhưng đấy là câu chuyện của dăm, mươi năm về trước. Còn giờ đây hình ảnh ấy đã trở thành “của hiếm”, bởi sự tràn ngập của các loại vải công nghiệp có giá vô cùng rẻ và bởi sự cạnh tranh của công nghệ thêu máy.

Bảo tồn lưu giữ bản sắc, trang phục truyền thống và phục vụ khách du lịch

Nhưng ngay từ năm 2009, ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã hình thành một nhóm, rồi năm 2012 thành Câu lạc bộ thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông Dề Thàng do các bà, các chị người Mông vẫn hàng ngày dành thời gian rảnh rỗi lặng lẽ ngồi se lanh, dệt vải, thêu thùa, may vá thổ cẩm, với tâm niệm vừa bảo tồn lưu giữ bản sắc, trang phục truyền thống, phục vụ khách du lịch, vừa có thêm thu nhập cải thiện đời sống và quan trọng hơn các chị đã làm nên hình ảnh đẹp cho đời. 

Chị Ninh giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác

Đúng vào những ngày đầu tiên năm mới 2021, tôi được Chủ tịch xã Chế Cu Nha Sùng A Công đưa tới thăm Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông Dề Thàng do chị Lý Thị Ninh làm tổ trưởng (năm 2020, Câu lạc bộ được Hội Phụ nữ huyện tổ chức lại và đổi tên là Tổ hợp tác). Như tươi tắn hơn trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, chị Ninh cho biết vừa ở Lễ hội giã bánh giày trở về.

Nguyên do nào gợi mở để các chị thành lập Tổ hợp tác vậy?

Chỉ tay vào dòng chữ tiếng Anh in trên tấm pa-nô dán tường, chị nói: “Nhờ CRAFT LINK đấy”. Theo diễn tả bằng tiếng phổ thông còn vụng về của chị thì năm 2009, Trung tâm CRAFT LINK trong một dịp đi qua Mù Cang Chải thấy ấn tượng về mảnh đất xa xôi, khó khăn nhưng mang đậm bản sắc người Mông đã đặt vấn đề với Hội Phụ nữ huyện rồi xã để hỗ trợ chị em người bản địa hình thành Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông phục vụ khách du lịch, các sản phẩm làm ra sẽ được Trung tâm giới thiệu tiêu thụ.

“Ban đầu chỉ có 8 người ở bản Dề Thàng và Trống Tông tham gia thôi, nhiều chị em không muốn tham gia vì sợ không biết làm thế có được thu nhập hay không, nhưng sau 3 lần Trung tâm về bản hướng dẫn vẽ mẫu hoa văn mới, thiết kế làm ra một số sản phẩm từ chất liệu thổ cẩm mà khách nước ngoài ưu thích như túi, gối, ví, ba lô, con vật cùng dây móc treo chìa khóa…, thấy những người tham gia có thu nhập, dần dà nhiều chị em trong bản, cũng như các bản còn lại trong xã và một số xã trong huyện như Cao Phạ, Mồ Dề, Lao Chải, La Pán Tẩn cũng xin được tham gia” – chị Ninh nhớ lại.

Trung tâm CRAFT LINK đặt hàng tiêu thụ sản phẩm 

Đến nay, theo chị Ninh có 23 chị thường xuyên tham gia các đơn hàng của Tổ hợp tác, còn khoảng 22 các bà, các chị làm công việc sau khi đã xong mùa vụ gieo cấy, gặt hái. “Thu nhập bình quân của các chị thường xuyên làm theo đơn đặt hàng từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng, so với trước đây chỉ quanh quẩn ở nhà, không có thu nhập gì thêm thì đây cũng là khoản thu đáng kể lắm rồi”, chị Ninh giãi bày.

Được biết, nhờ có việc làm và thu nhập tuy ít ỏi nhưng thường xuyên này mà các bà, các chị tự tin hẳn lên trong cuộc sống thường ngày, cuộc sống gia đình cũng thêm phần cải thiện, gia đình một số chị như Lý Thị Lỳ (bản Háng Chua Xay) đã thoát được nghèo năm 2017, Hảng Thị Dê (bản Dì Thàng) và cả hộ chị Lý Thị Ninh (Tổ trưởng) cũng được thoát nghèo từ năm 2013, năm 2014.

Lanh được phơi khô, tước vỏ, nối thành từng cuộn tròn vo

Chị Ninh nói tiếp như để phân trần, do tôi tham gia ngay từ những ngày đầu và là người duy nhất có trình độ hết lớp 12, biết chữ, biết tính toán sổ sách nên được Hội Phụ nữ huyện, Trung tâm CRAFT LINK và các chị em liên tục chọn cử làm trưởng nhóm, chủ nhiệm CLB rồi tổ trưởng từ năm 2009 đến nay.

Được quan tâm đầu tư máy móc, nhà xưởng

Nhìn cơ ngơi của Tổ hợp tác nằm ven đường gần trung tâm xã, ở vị trí đẹp, được xây dựng kiên cố, sáng sủa, tôi trầm trồ khen và tò mò hỏi: Tổ hợp tác của các chị có cơ ngơi đẹp thế? Thấy vậy, chị Ninh mừng rỡ kể: Trước đây Tổ hợp tác tự hoạt động tại bản, năm 2012 được Ủy ban xã bố trí cho mượn 01 gian tại Trụ sở xã để Tổ hợp tác lấy chỗ hoạt động chung cho thuận lợi, năm 2013 Tổ hợp tác chuyển sang tiếp quản căn nhà gỗ cộng đồng của bản ở chính vị trí này để làm điểm giao dịch. Đến năm 2016, được huyện và xã quan tâm cho mở rộng diện tích và sử dụng kinh phí ủng hộ của TP Yên Bái đầu tư xây cất nơi làm việc cho Tổ hợp tác khang trang như hiện nay.

Sau khi giới thiệu các mẫu sản phẩm thổ cẩm ở gia hàng trưng bày phía ngoài, chị Ninh đưa vào thăm xưởng nằm kề bên ở phía sau. Xưởng được xây dựng cùng dịp và liên hoàn với gian trưng bày, cũng khang trang và rộng chừng 50 m2 . Chỉ tay vào 5 máy khâu công nghiệp và 01 máy dập chân váy có trị giá trên 300 triệu đồng, chị Ninh khoe: Đây là những tài sản do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mới hỗ trợ sau khi chị tham gia thuyết minh về mô hình hoạt động của Tổ hợp tác tại Hà Nội dịp tháng 5/2020. 

 Nhà xưởng được xây dựng khang trang rộng rãi và máy dập chân váy mới được hỗ trợ đầu tư

Theo chị Ninh, xưởng là nơi để chị em làm các công đoạn cuối cùng của sản phẩm như: may, cắt và tập huấn kiến thức mới… còn các công việc trước đó như trồng lanh, tước vỏ, se sợi, dệt vải, vẽ mẫu, thêu hoa văn trên thổ cẩm … đều thực hiện tại các hộ gia đình cho thuận tiện. 

Đi qua chiếc sân rộng được xã giao cho quản lý làm nơi phơi phóng, tập kết nguyên vật liệu và 8 gian hàng mới mở ven đường được tạm giao cho các chị em mở cửa hàng bán các trang phục, đồ dùng do các chị em tự cắt may, thêu dệt cho khách du lịch, chị Ninh chia sẻ dự định một ngày nào đó sẽ mở thêm các gian hàng giới thiệu thổ cẩm tại khoảng sân rộng để phục vụ nhu cầu của du khách đang mỗi năm đổ về Mù Cang Chải thêm đông.

Hễ rảnh rỗi là lại thêu thùa, se lanh, dệt vải  

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được tận mắt thấy sợi lanh, khung dệt…, do hôm nay là ngày đầu năm mới lại đúng dịp cuối tuần mọi người trong Tổ hợp tác đi Hội giã bánh giày lần đầu tiên do huyện tổ chức hết cả nên vợ chồng chị Ninh cùng với Chủ tịch Sùng A Công đích thân lái xe máy vượt con đường núi dựng ngược ngoằn nghèo, cheo veo đưa chúng tôi về nhà mình nằm trên đỉnh quả núi ở bản Trống Tông.

 Công đoạn in sáp ong lên vải 

Tại đây, trong ngôi nhà gỗ đơn sơ truyền thống của người Mông, một khung dệt vải khá to với những sợi lanh đã căng ngay ngắn thẳng hàng được đặt ngay cạnh cửa ra vào. Ở gian bên phải hàng chục cuộn lanh tròn vo đã phơi khô, tước vỏ đang chuẩn bị vào công đoạn se sợi.

Bà Giàng Thị Dà (mẹ chồng chị Ninh) năm nay gần 70 tuổi lặng lẽ ngồi vào khung cửi làm công việc thường ngày của mình. Là người của thế hệ trước chưa có điều kiện học tiếng phổ thông nên mọi giao tiếp của cụ với khách đều thông qua “thông dịch” của con trai. Qua đó chúng tôi được biết suốt từ hồi 9, 10 tuổi cho đến nay, ngày nào cũng vậy hễ rảnh rỗi là bà lại căm cụi tước sợi, se lanh, dệt vải như một phần không thể thiếu được trong cuộc sống. Về chiếc khung dệt làm bằng gỗ pơ-mu cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian có từ đời trước để lại, còn nhiều hơn tuổi của bà nữa đấy!.

Bà Giàng Thị Dà gần 70 tuổi bên khung dệt cũ kỹ nhuốm màu thời gian có từ đời trước để lại.

Vì sao người phụ nữ Mông đi đâu, lúc nào cũng thấy cặm cụi, lặng lẽ thêu thùa, se lanh, dệt vải… như vậy? Tôi thắc mắc. 

Chị Ninh giải thích, hàng năm mỗi người phụ nữ Mông trưởng thành đều phải tự làm ra được vài bộ quần áo cho mình và người thân trong nhà, nên phải tận dụng mọi thời gian và chăm chỉ mới hoàn thành công việc. Để sản xuất ra một tấm vải thổ cẩm mất rất nhiều thời gian, công sức, từ trồng lanh, cắt lanh, phơi khô, tước vỏ, se sợi, dệt vải, lăn đá, vẽ sáp ong, nhuộm chàm rồi may cắt mới có được bộ trang phục. 

Trong đó, các công đoạn khó như nối sợi, se lanh, dệt vải, vẽ sáp, thêu thùa, may cắt đòi hỏi người phụ nữ phải rất khéo léo và tập trung. Riêng công đoạn cắt cây, ngâm nước, hòa vôi, lấy cặn rồi lại hòa nước để có nước chàm đã mất mấy ngày; se sợi xong phải luộc 3 lần cho sợi trắng ra, đem phơi khô, lấy quả đá nặng mấy chục cân lăn qua lại nhiều lần cho sợi mềm dai rồi mới đưa vào dệt; dệt cả tuần, cả tháng mới được tấm vải xong lại hì hục nấu sáp ong và cặm cụi vẽ hoa văn, tiếp đến là đem nhấn nước chàm xong lại phơi khô khoảng 30 lần thì mới được tấm vải ưng ý. Thật là gian nan và kỳ công, nên quanh năm suốt tháng người phụ nữ Mông nào cũng phải chú tâm để làm việc – chị Tổ trưởng giãi bày. 

Tôi chợt hiểu ra rằng, có lẽ đây chính là lý do mà các bé gái người Mông ngay từ nhỏ đã được mẹ dạy thêu thùa, may vá, se lanh, dệt vải và các bé cũng siêng năng lam làm như mẹ, như bà của mình vậy. 

Chất xúc tác kết dính để du khách đến và ở lại lâu hơn 

Khề khà bên chén rượu thóc bản địa của người Mông trong ngày nghỉ lễ đầu năm mới, Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha Giàng A Của cho biết, nghề thêu dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông nơi đây và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Mông. Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm hay bộ trang phục độc đáo thì phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Mông như trồng lanh, se sợi, in sáp, nhuộm chàm và thêu thùa.   

 Những người phụ nữ Mông luôn cặm cụi, lặng lẽ thêu thùa, may vá, se lanh, dệt vải.

Trong những năm gần đây, do sự cạnh tranh của các sản phẩm may công nghiệp với nhiều mẫu và giá cả thấp đã phần nào làm lu mờ đi các sản phẩn dệt thêu truyền thống. Nhưng theo ông Của, nghề thêu dệt thổ cẩm của người Mông sẽ không bị mất đi, bởi lẽ hiện nay người Mông khi còn sống có thể không (hoặc ít) mặc trang phục truyền thống, nhưng khi mất đi nhất định phải có trên người một bộ trang phục thổ cẩm truyền thống được dệt thêu thủ công do chính chị em người Mông sản xuất. Do vậy, những người già luôn được con cháu chuẩn bị sẵn bộ quần áo thổ cẩm truyền thống phòng khi đi xa.

Tâm huyết với việc giữ gìn trang phục truyền thống gắn với việc phát triển của Tổ hợp tác, ông Của dặn dò chị Ninh, chị Dê (thành viên Tổ hợp tác) cần đa dạng chất lượng các trang phục truyền thống phục vụ các tầng lớp khách hàng, không vì cạnh tranh mà chỉ tập trung sản xuất các sản phẩm có chất lượng thấp, đời sống bà con mình càng cải thiện thì dần dà thổ cẩm chính hiệu của người Mông mình với các hoa văn rực rỡ làm từ màu cây rừng tự nhiên sẽ được giới trẻ nâng niu trân trọng trở lại.

 Đi cắt cây chàm về nhuộm vải.

Trao đổi qua điện thoại với tác giả, chị Sùng Thị Mỷ (Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện) cho hay, vài năm nay số lượng đơn hàng của Tổ hợp tác bị giảm sút, hàng không xuất được nhiều, chủ yếu bán nhỏ lẻ tại chỗ. Để ổn định sản xuất cho Tổ hợp tác trong năm 2021, Hội Phụ nữ huyện sẽ triển khai đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác, đồng thời xúc tiến các hoạt đồng quảng bá, mời gọi tìm kiếm đối tác bao tiêu sản phẩm giúp chị em duy trì sản xuất, cải thiện đời sống.

Nhưng dù thế nào đi nữa, trong tâm tưởng của những vị khách phương xa, chỉ cần nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ Mông lặng lẽ, chăm chỉ ngồi se lanh, dệt vải, thêu thùa thổ cẩm… đã làm nên biết bao cảm xúc xốn xang, sắc màu văn hóa bản địa riêng biệt, hấp dẫn được thêm nhiều khách du lịch đến với Mù Cang Chải để tiêu dùng các dịch vụ kèm theo; khi ấy, giá trị của Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống Dề Thàng không đơn thuần chỉ xét về hiệu quả kinh tế mà còn là chất xúc tác kết dính để du khách đến và ở lại lâu hơn với mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải./.  

Các bé gái ngay từ nhỏ đã được làm quen với cây lanh, thêu thùa, may vá…

Bút ký: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam