Cúm A tăng bất thường, nhiều bệnh nhận chuyển nặng khi đến viện muộn

Sức khỏe, Truyền thông - Y tế | 09:03:00 27/07/2022

Theo chuyên gia y tế, theo chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch của bệnh cúm là khoảng tháng 10 đến tháng 12. Nhưng thời điểm này, số bệnh nhân mắc cúm lại tăng, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng.

Ba ngày trước khi vào viện, cụ bà 78 tuổi, ở Hưng Yên xuất hiện ho nhiều, đờm trắng, sốt 39 độ C, nôn nhiều, khó thở nhẹ, người mệt mỏi. Bệnh nhân được đưa lên tuyến huyện trong tình trạng suy hô hấp, thở oxy kính, viêm phổi nặng. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân khó thở tăng, thở gắng sức, thở oxy mask phải đặt ống nội khí quản và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân cúm điều trị tại viện tăng rất nhanh. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 100-200 trường hợp bệnh nhân đến khám, trong đó nhập viện điều trị khoảng 50 ca/ngày. So với cùng kỳ của các năm trước, đây là số bệnh nhân gia tăng rất nhanh và rất nhiều, có diễn biến bất thường tại khu vực miền Bắc.

Cụ bà 78 tuổi mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

TS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thông thường các năm trước, bệnh cúm sẽ xảy ra nhiều vào khoảng thời gian mùa thu đông, trong khoảng thời gian tháng 9-10, đỉnh dịch là khoảng tháng 10, 11, 12. Tuy nhiên, tại thời điểm năm nay, thời điểm mùa hè, số bệnh nhân mắc cúm lại tăng, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, dẫn đến bất thường.

Tại khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) hiện đang điều trị 35 trường hợp mắc cúm A trên khoảng 47 bệnh nhân của khoa, chủ yếu là bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên, trong đó gặp nhiều nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai. Nhiều trường hợp có diễn biến nặng cần phải nhập viện điều trị. Ngoài ra, còn có đối tượng người trên 60 tuổi, trên nền các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

“Bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân là công nhân trong các khu công nghiệp, một phần do đặc thù không gian làm việc hẹp và ít thông thoáng như nhà xưởng thì nguy cơ lây bệnh qua đường hô hấp sẽ cao hơn”- BS Ninh cho biết.

Đến thời điểm này, tại Khoa Nội tổng hợp không có bệnh nhân tiến triển nặng, phải đặt ống thở máy. Tuy nhiên, tại khoa Cấp cứu, nhiều bệnh nhân đến muộn, tiến triển nặng có cơn ho dồn dập, xuất hiện co thắt, khó thở, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Theo BS Trần Thị Hải Ninh, thông thường bệnh cúm A sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và có thể trở nặng sau 3-5 ngày. Cá biệt có những ca bệnh đến ngày thứ 2 đã phải đặt ống thở máy. Vì vậy, mỗi một người bệnh cần cá thể hóa, quan tâm đến sức khỏe của mình, theo dõi sát sức khỏe để kịp thời có xử trí phù hợp, tránh nguy cơ dẫn tới tiến triển nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

BS Ninh cho biết, bệnh cúm có tổn thương nhiều hơn ở đường hô hấp, bệnh nhân sẽ kèm theo các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi hoặc ho nên người dân rất dễ nhầm lẫn với bệnh Covid-19, dẫn đến chủ quan, thờ ơ với bệnh. Vì vậy, cần có các xét nghiệm đặc hiệu mới giúp chúng ta phân biệt được chính xác bệnh nhân nhiễm cúm hay Covid-19.

"Trong bối cảnh số ca mắc cúm tăng nhanh, người dân không nên chủ quan. Nếu có biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp trên, nghi ngờ cúm, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xét nghiệm khẳng định, qua đó điều trị đặc hiệu"- BS Ninh cho biết.

Hiện đã có vaccine phòng cúm, tuy nhiên đây là vaccine cần phải tiêm nhắc lại hàng năm. Trước mùa dịch cúm từ 2-3 tháng, người dân nên đi tiêm vaccine phòng cúm và mỗi năm sẽ tiêm 1 lần thì hoàn toàn có thể phòng chống được bệnh.

TS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

“Chúng ta cần có các biện pháp phòng bệnh thông thường như hạn chế tụ tập đông người trong các không gian hẹp, không khí kém. Bên cạnh đó, có thể tiêm vaccine để có thể giúp phòng ngừa nhiễm bệnh, hoặc trong trường hợp nhiễm bệnh cũng không bị tiến triển nặng, điều quan trọng là không nên chủ quan. Nhiều trường hợp nghĩ rằng hắt hơi sổ mũi nhưng khi đến viện chụp phổi đã bị tổn thương rất nhiều, thậm chí nhiều bệnh nhân đã phải đặt nội khí quản, thở máy”- BS Ninh khuyến cáo.

Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 6/2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận gần 900 trường hợp mắc bệnh cúm mùa. Trước tình trạng này, Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm mùa. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội là đơn vị thường trực, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch cúm mùa trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác khám, thu dung, điều trị, chuyển tuyến đối với bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh cúm mùa nói riêng. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển nặng, tử vong; thực hiện tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh; thường xuyên cập nhật, tập huấn, hướng dẫn công tác phòng bệnh, chẩn đoán, điều trị bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm trong cơ sở y tế./.

Minh Khánh/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam