Đào Nhật Tân ế rụng đỏ vườn sau Tết: Giọt mồ hôi hoà nước mắt của nông dân!

Giải trí, Văn hóa | 07:50:00 17/02/2021

Hoa đào rụng sau Tết như thảm đỏ trải dài, nhiều người vào tham quan, chụp ảnh nhưng trong vẻ đẹp của hoa, còn có cả những giọt mồ hôi hoà nước mắt của người nông dân….

1. Ngày tôi học lớp 3, mẹ nghỉ chế độ nên tất cả đồ đạc trong nhà phải gom bán hết mới có tiền mua nhà về quê bố. Từ con bé đang được bố mẹ cưng chiều, cho ăn sung mặc sướng nơi phố thị, tôi phải nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống như những đứa trẻ ở quê thực thụ. Mẹ về hưu, lương chỉ vỏn vẹn 23 đồng, lại cùng bố nuôi 4 đứa con, trong đó hai chị em tôi đang tuổi ăn tuổi lớn và 2 người anh đang học Đại học nên gia đình khó khăn lắm. Vào thời điểm đó, gia đình tôi thường xuyên cơm không đủ no, bữa nào mẹ cũng ăn khoai độn sắn nhiều hơn cơm.

Mẹ nhận làm đủ nghề, từ cấy lúa thuê, trồng rau, nuôi lợn, lên rừng hái củi để bán chỉ mong có đủ tiền đong gạo để dành cho 3 tháng hè khi hai anh tôi về nghỉ không bị đói. Tôi lúc đó mới học lớp 3 nhưng đã phụ mẹ được hầu hết công việc trong nhà, từ thái rau, băm chuối nuôi lợn đến trồng rau, đi chợ, mò cua bắt ốc… Thường những hôm tôi được nghỉ học, mẹ hái rau cho tôi tự đem đến chợ bán. Nếu may mắn bán hết, bữa cơm của mẹ con tôi ngày hôm đó sẽ được cải thiện vì có thêm ít tép đồng hay mấy con cá khô.

Nhưng không phải hôm nào cũng may mắn như vậy. Hồi đó, ai cũng nghèo, việc mua bán không dễ dàng như bây giờ, nhất lại là rau cỏ, nhà nào cũng trồng được. Tôi nhớ có lần trời mưa tầm tã, tôi đi bộ 3-4 cây số đem rau lên chợ bán. Ngồi cả buổi sáng không có ai hỏi mua, tôi mệt mỏi bê nguyên rổ rau nặng trĩu ra về. May mắn đi đến giữa đường, một bác thấy thương quá nên mua cho tôi hết rổ rau. Tôi mừng như bắt được vàng, không còn biết mệt nhọc nữa, quay ngược trở lại chợ để mua cho em gái bò táo (táo quê tôi thường được đong vào ống sữa bò-PV) và mấy con cá khô.

Về nhà, tôi háo hức kể chuyện cho mẹ, những tưởng mẹ sẽ rất vui nhưng chỉ thấy bà lặng lẽ quay đi giấu giọt nước mắt lăn dài. Sau này lớn hơn, tôi mới hiểu vì sao hôm đó mẹ lại khóc.

2. Sau Tết, tôi có dịp ghé qua vườn đào Nhật Tân - vựa hoa đào lớn nhất Hà Nội. Cả cánh đồng rộng mênh mông nhuộm một màu đỏ của hoa đào đến độ bung nở và đang rụng tàn. Nhiều luống đào gần như còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu của việc chặt bán trong dịp trước Tết.


Các nhà vườn đã bắt đầu công việc hái lá, tỉa cành để chuẩn bị cho vụ mùa sau. Tiếp xúc với bà con trồng đào, mới thấy nhiều nhà gần như mất trắng trong vụ đào này. Đúng vào dịp gần Tết thu hoạch đào, dịch Covid-19 lại bùng phát nên việc tiêu thụ đào giảm sút thê thảm. Không những thế, giá đào còn chưa bằng một nửa so với năm ngoái. Nhiều nhà vườn lớn, phần lớn các gốc đào mà mọi năm có giá cả chục triệu vẫn còn nguyên, nhiều luống đào bung nở, hoa rụng đỏ gốc. Bình thường các năm trước, nhiều khách hàng từ TPHCM, miền Trung mua cả vườn từ giữa năm, nhưng năm nay khó khăn do dịch, lượng khách này gần như rất ít. Nhiều nhà vườn than rằng, cả năm vun trồng, chăm sóc, phân tro, vốn liếng… gần như mất trắng, có nhà thất thu đến cả trăm triệu đồng.

Chuyện trò với bà con trồng đào, tự dưng tôi thấy mắt cay xè. Tôi lại nhớ về những ngày xưa thơ bé khó khăn của mình, của những người dân quê tôi, mà đến giờ nhiều người vẫn khốn khó như vậy. Cuộc sống của họ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn nghèo khổ. Nhiều khi, họ không từ quyết được cuộc sống của bản thân và cả gia đình mà phụ thuộc vào đủ các yếu tố bên ngoài tác động, từ thời tiết, dịch bệnh đến việc tiêu thụ sản phẩm…

Và bà con trồng đào Nhật Tân cũng thế, cây đào trồng cả năm đến vụ thu hoạch không bán được, nhiều nhà rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí nợ nần chồng chất. Hoa đào sau Tết rụng như thảm đỏ trải dài, nhiều người vào tham quan trầm trồ, chụp ảnh nhưng trong vẻ đẹp của hoa, còn có cả những giọt nước mắt nhuốm máu của người nông dân.

Tự dưng tôi thầm ước ao và hy vọng rằng, có một ngày, bà con trồng đào không phải rơi vào cảnh thấp thỏm lo âu như vậy nữa, nếu như có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ tốt hơn giống đào quý Nhật Tân này. Khi đó người nông dân có thị trường tiêu thụ, yên tâm sản xuất mà không phải mạnh ai nấy làm và chịu nhiều rủi ro như bây giờ. Hoặc ít ra, khi có những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng có sự chia sẻ của đơn vị đầu tư liên kết.

Tết Việt luôn ăn sâu trong tâm trí mỗi con người. Hoa đào đã trở thành biểu tượng cho ngày Tết, cho mùa Xuân. Mong lắm những cái Tết vẫn có hoa đào, nhất là đào Nhật Tân- nét văn hóa cổ truyền hàng trăm năm của người Hà Nội./.

An An/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam