Giải phóng mặt bằng: Nhiệm vụ tiên quyết quyết định tiến độ cao tốc Bắc-Nam

Thời sự, Chính trị | 11:54:00 26/09/2020

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/9 tới đây, Bộ GTVT sẽ chính thức khởi công 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức đầu tư công. Có thể nói, để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực không mệt mỏi của Bộ GTVT, các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng “thần tốc” cũng như bàn giao mặt bằng “sạch” trước ngày khởi công.

Nhiệm vụ khó khăn nhất

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về quyết tâm của Bộ GTVT khi nhận nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao phó, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là chính sách ưu tiên của tất cả các quốc gia, đặc biệt là với Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14 đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Giai đoạn này sẽ đầu tư khoảng 654 km chia thành 11 dự án thành phần với 3 dự án thành phần theo phương thức đầu tư công và 8 dự án thành phần theo phương thức đối tác công-tư PPP (Nghị quyết 52/2017/QH14).

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, một trong
những đoạn tuyến đầu tiên được khởi công của cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Ảnh: Báo Giao thông

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 14, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam từ phương thức PPP sang phương thức đầu tư công và được Quốc hội đồng thuận (Nghị quyết 117/2020/QH14).

“Ngay sau khi nhận nhiệm vụ từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT được giao làm chủ đầu tư dự án, Bộ GTVT đã tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết với mốc thời gian cụ thể từng hạng mục công việc. Bộ GTVT huy động các đơn vị chuyên môn của Bộ, các Ban Quản lý dự án thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như: Lựa chọn tư vấn thiết kế, lập thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, tư vấn giám sát… Đồng thời phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, với tinh thần khẩn trương trong thời gian nhanh nhất”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Trong quá trình thực hiện, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định, nhiệm vụ khó khăn nhất quyết định tiến độ, chất lượng của dự án là công tác giải phóng mặt bằng.

“Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ và chất lượng của các công trình giao thông. Trong quá trình thực hiện dự án, vướng mặt bằng dẫn đến việc tổ chức thi công khó khăn, không liên tục, thậm chí nảy sinh các vấn đề bất ổn về an ninh trật tự khu vực nơi các dự án đi qua”, Thứ trưởng chia sẻ.

Để phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo về giải phóng mặt bằng, phân công các đồng chí lãnh đạo Bộ cùng với Ban quản lý dự án phối hợp với địa phương, xử lý các vấn đề xảy ra trong thời gian sớm nhất.

“Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, các địa phương cũng khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo tại địa phương, đồng chí Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh trực tiếp làm Trưởng, Phó ban. Tổ công tác liên ngành về giải phóng mặt bằng được lập ra để xử lý các vấn đề phát sinh. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đã đạt 92%”, ông Lê Đình Thọ nói.

Thông tin thêm, Thứ trưởng cho biết, ngoài 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông gồm Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây chuyển đổi từ phương thức đầu tư PPP sang phương thức đầu tư công sẽ được khởi công ngày 30/9 tới đây, Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam còn laị (Q45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) để có thể khởi công trong quý I/2021.

“Đây là nỗ lực của Bộ GTVT thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 vào năm 2022 như chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh minh hoạ.

Quyết tâm của Chính phủ

Có thể nói, Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông là dự án giao thông đặc biệt quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới.

Ngay sau khi Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam từ phương thức PPP sang đầu tư công (Nghị quyết 117/2020/QH14), ngày 28/8, Văn phòng Chính phủ phát đi kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông.

Thông báo số 311 nêu rõ, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được chuẩn bị kỹ, Hội đồng thẩm định nhà nước đã thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh; Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương; Quốc hội có Nghị quyết chuyển đổi phương án đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với các dự án thành phần là Mai Sơn- QL45, Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây.

Do đó, cần quyết định lựa chọn phương án có lợi nhất cho phát triển kinh tế đất nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bảo đảm tiến độ khởi công vào cuối tháng 8/2020.

Trên tinh thần đó, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ GTVT dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư được quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công quyết định phê duyệt điều chỉnh 3 dự án thành phần. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ; rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của 3 dự án thành phần chuyển đổi.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GTVT huy động đội ngũ tham mưu trực thuộc để quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình, tiến độ khởi công trong tháng 9/2020.

Trước đó, vào ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020.

Chính phủ thông qua một số đề xuất của Bộ GTVT để triển khai 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội khóa XIV quyết nghị tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư được quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công quyết định phê duyệt điều chỉnh 3 dự án thành phần. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ; rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của 3 dự án thành phần chuyển đổi.

Cũng tại Nghị quyết số 112, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính tham mưu việc bố trí vốn để thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ Dự án.

Bộ GTVT có nhiệm vụ khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp theo để khởi công xây dựng các dự án thành phần từ tháng 9/2020, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng.


Phan Trang/Chinhphu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam