Gian lận ở Hòa Bình, Sơn La là bài học với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Giáo dục, Tuyển sinh | 07:45:00 29/05/2020

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được giao cho các địa phương tổ chức khiến nhiều người lo ngại khả năng xảy ra các bê bối gian lận như ở Hòa Bình, Sơn La...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông báo điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019 -2020, theo đó kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ lùi từ 8/8 đến 11/08/2020.

Học sinh THPT sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp để lấy điểm xét tuyển vào Đại học, trừ những trường Đại học tổ chức thi tuyển sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được giao cho các địa phương tự chủ, tuy nhiên, điều này cũng khiến người người lo ngại về khả năng xảy ra các vụ gian lận như tại Sơn La và Hòa Bình, đang được xét xử trong những ngày qua. Trao đổi với phóng viên VOV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, bê bối gian lận thi cử đang được xét xử là bài học nhãn tiền để các địa phương tiến hành tổ chức thi một cách công bằng và minh bạch. Hơn hết, kỳ thi vẫn được giám sát bởi Bộ GD-ĐT.

PV: Thưa ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 theo dự thảo của Bộ GD-ĐT sẽ do các địa phương tự tổ chức, vậy trách nhiệm của địa phương như thế nào để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và kết quả đủ tin cậy cho các trường đại học xét tuyển?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có cải tiến hơn là giao các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức. Nói như vậy nhưng Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục giám sát việc tổ chức kỳ thi. Nhưng khi giao cho địa phương, thì trách nhiệm của địa phương rất lớn, cho nên địa phương phải hoàn toàn tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn và đảm bảo được các kết quả tốt. Trong đó, bao gồm cả vấn đề bảo mật đề thi, thanh ta phải giám sát các kỳ thi để không xảy ra những gian dối. Tôi tin chắc rằng, trong thời gian qua, tất cả các địa phương đều theo dõi các vụ án ở Hòa Bình, Sơn La đã được xét xử một cách nghiêm túc. Cho nên, tôi cho rằng kỳ thi năm nay, chắc chắn các địa phương sẽ tổ chức một cách nghiêm túc và không để xảy ra sai sót.

PV: Tuy nhiên, dư luận xã hội từ trước đến nay vẫn luôn cho rằng, nếu địa phương tổ chức thì sẽ có sự “du di”. Vậy theo ông liệu có xảy ra tâm lý tìm cách để gian lận hay không?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, bài học nhãn tiền vẫn còn đó. Gian lận thi cử như ở Hòa Bình, Sơn La cuối cùng đã bị phát hiện và tất cả đều phải trả giá bằng án tù. Do vậy, tôi tin tưởng rằng, năm nay, các địa phương chắc chắn sẽ không để sai sót xảy ra.
Dù giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn có sự giám sát của Bộ GD-ĐT. Đây chính là sự tăng cường giám sát chất lượng, công bằng và minh bạch cho kỳ thi.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PV: Xin ông đánh giá những lợi ích của việc giao các địa phương chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Việc công bố công khai các phổ điểm trong học bạ của các thí sinh, cũng như phổ điểm thi cử sẽ tạo cơ sở để đối chiếu. Nếu một phổ điểm ở học bạ so với phổ điểm thi cử chênh lệch nhau quá thì, thì chúng ta có cơ sở để giám sát và chắc chắn sẽ phát hiện ra những người sai sót mang tính khách quan và cả chủ quan. Đây là điều công bằng.

Theo tôi, ai có ý định “sai phạm” phải ngừng ngay tức khắc từ bây giờ và các địa phương cũng cần chuẩn bị các biện pháp quyết liệt từ bây giờ để sai sót không xảy ra trong kỳ thi năm nay. Nếu chúng ta tổ chức tốt kỳ thi, đảm bảo công bằng và minh bạch để các trường đại học căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp THPT tuyển sinh, thì điều này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho xã hội, nhất là cho phụ huynh và cho các em học sinh.

Xin cảm ơn ông!.

Thiên Bình/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam