Hải Phòng: Khánh thành tuyến đường vào và Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ - tôn vinh chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng hơn 700 năm trước

TNV - Chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 13/10/2020, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tổ chức Khánh thành công trình Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và cắt băng khánh thành. Đây là sự kiện quan trọng, nhằm tôn vinh chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng của quân và dân nhà Trần cách đây hơn 700 năm về trước.

Theo đó, Công trình Tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,488 km, nối Quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng nền đường từ 18-22m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc rộng 5m lát đá, bãi đỗ xe rộng 1 ha. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát là xà cừ, đa, bồ đề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cắt băng Khánh thành Công trình Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích 30.680m², bao gồm các hạng mục: Cổng chính rộng 22m kết cấu bằng bốn trụ bê tông cốt thép tượng trưng cho cọc Bạch Đằng; hệ thống tường bao tổng chiều dài 472m, khung thép, sơn màu xanh hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m² được kiến trúc 01 tầng theo lối giả cổ; nhà mái che khu bảo tồn tại chỗ rộng 2.040m2, kết cấu thép, khung giàn không gian, mái lợp bạt PVDF.

Mặt bằng khu bảo tồn tại chỗ có diện tích 225m2, gồm 18 cọc gỗ được mở, xây kè bằng sỏi cuội, chống thấm, ngâm nước bảo vệ cọc gỗ; các cọc còn lại được bảo tồn theo cách lấp đất và phỏng dựng cọc gỗ thay thế lộ thiên phục vụ khách tham quan. Ngoài ra còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ, cây xanh, vườn lim, vườn na, hệ thống chiếu sáng cùng nhiều tiện ích khác.

Sau 05 tháng thi công với tinh thần khẩn trương, đặc biệt được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên và ủng hộ của Nhân dân trong công tác bàn giao mặt bằng, các cán bộ công nhân thi công đã vượt qua khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, mặt bằng chật hẹp, không có đường giao thông để thi công, địa hình, địa chất phức tạp, điều kiện thời tiết mưa nhiều... hoàn thành toàn bộ khối lượng hạng mục thi công, xây lắp theo đúng tiến độ, chất lượng, mỹ thuật và hồ sơ thiết kế được phê duyệt; quá trình thi công đã đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Được biết, ngay sau khi phát lộ bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên vào cuối năm 2019, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường vào Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ; đồng thời, tổ chức Lễ khởi công công trình nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (03/5/2020). Đây là công trình giao thông cấp II do UBND huyện Thủy Nguyên làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư là 362,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Các đại biểu thăm quan Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Trước đó, Viện Khảo cổ học đã báo cáo kết quả khai quật và nhận định: Di tích bãi cọc Cao Quỳ là trận địa cọc liên quan tới chiến thắng chống quân Nguyên – Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần trên dòng sông Bạch Đằng. Các nhà sử học, khoa học chuyên ngành hàng đầu đất nước đều thống nhất đánh giá đây là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất trong nhiều năm gần đây, góp phần làm sáng tỏ và chứng minh nhiều vấn đề về trận chiến.

Phát biểu tại Lễ Khánh thành Công trình tuyến đường vào và Khu Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, ông Lê Văn Thành (Bí thư Thành ủy Hải Phòng) nêu rõ: Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ cùng với Khu di tích Bạch Đằng giang mãi mãi là khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống, trường tồn cùng dân tộc; trở thành địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, sức mạnh đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn thịnh.

Khu vực đang nghiên cứu khai quật khảo cổ.

Báo cáo về kết quả thực hiện dự án, ông Nguyễn Huy Hoàng (Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên) cho biết, việc đưa tuyến đường vào sử dụng giúp kết nối giao thông giữa các khu di tích dọc theo bờ hữu sông Bạch Đằng, Quốc lộ 10 với khu di tích bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, từng bước hoàn thiện công tác bảo tồn và khai thác các khu di tích lịch sử Bạch Đằng trên địa bàn từ thị trấn Minh Đức đến xã Lại Xuân huyện Thuỷ Nguyên. Đồng thời, từng bước hoàn thiện đường vành đai phía Bắc huyện Thủy Nguyên, tăng khả năng khai thác hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường; thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và các dịch vụ khác trên địa bàn; phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng./.

 Tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,488 km được đầu tư khang trang hiện đại

 Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam