Hộ chiếu vaccine: Lối thoát của ngành du lịch trong đại dịch

Du lịch, Du lịch đất việt | 15:11:00 24/06/2021

Nhiều quốc gia đã và đang triển khai "hộ chiếu vaccine", qua đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được tự do đi lại để kích cầu ngành du lịch sau đại dịch.

Ngày 11/6 vừa qua, Bộ Chính trị đã có ý kiến kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, với lĩnh vực du lịch, Bộ Chính trị chỉ đạo “Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc - Kiên Giang”. Có thể nói, đây là một tin vui đối với ngành du lịch sau hơn 1 năm rưỡi Việt Nam tạm dừng đón khách quốc tế để phòng chống dịch bệnh.

Bãi biển Phú Quốc.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang triển khai rộng rãi việc tiêm vaccine phòng dịch để tiến tới miễn dịch cộng đồng. Thậm chí một số quốc gia đã áp dụng các loại hình chứng nhận số về sức khỏe, hộ chiếu vaccine… để tạo thuận lợi cho việc đi lại trong khu vực, từng bước mở lại hoạt động du lịch, giao thương, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng cục Du lịch cũng đang bàn việc mở cửa cho khách quốc tế với việc xây dựng kế hoạch chi tiết cùng những tiêu chí rõ ràng, trên tinh thần không mở ồ ạt. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc mở cửa đón khách quốc tế nhưng vẫn phải tính đến các giải pháp phòng dịch, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh an toàn.

Vấn đề hộ chiếu vaccine hiện đã được một số nước châu Âu như Hy Lạp, Đan Mạch, Pháp… triển khai. Các nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang bắt đầu tiến hành thử nghiệm. Từ ngày 01/7 tới, Thái Lan sẽ mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm vaccine đến Phuket theo mô hình “Phuket Sandbox”. Theo đó, du khách đến Phuket phải ở lại đây ít nhất 14 ngày trước khi có thể tiếp tục hành trình tới các điểm đến khác ở Thái Lan.

Còn tại Việt Nam, các chuyên gia du lịch đánh giá, nếu thí điểm thành công và an toàn thì sẽ nhanh chóng mở rộng ra các điểm du lịch khác. Đó cũng là cơ hội để du lịch Việt đón khách trở lại cũng như giúp ngành du lịch phục hồi sau khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện tỉ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu triển khai ồ ạt hộ chiếu vaccine với người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không quản lý chặt thì có thể làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Travelogy cho rằng, phương án triển khai hộ chiếu vaccine nên được xem xét áp dụng một cách thận trọng: với thị trường khách nào, với các nước có quan hệ đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các quốc gia, áp dụng với vaccine nào và cách đi lại ra sao... cũng như lựa chọn các điểm đến, sản phẩm phù hợp, các doanh nghiệp dịch vụ đủ năng lực... để đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch. Đây là tiền đề để từng bước phục hồi hoạt động du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Việc triển khai hộ chiếu vaccine để tạo điều kiện cho những người đã tiêm phòng Covid-19 đi du lịch nước ngoài được nhiều quốc gia thúc đẩy và được coi là một trong những biện pháp giúp mở cửa ngành “công nghiệp không khói” trong bối cảnh đại dịch. Vì vậy, ông Vũ Văn Tuyên đề xuất: "Trước mắt nước ta có thể áp dụng mô hình du lịch ít tiếp xúc, với các sản phẩm như golf, nghỉ dưỡng do loại hình du lịch này có tính chất ít di chuyển, địa điểm thoáng, ít tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm ít hơn. Tất cả các hoạt động này phải được giám sát chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành liên quan".

Các doanh nghiệp cho biết, mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón khách trở lại, nhưng vẫn cần có định hướng cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, lúc này, rất cần vai trò “nhạc trưởng” của cơ quan quản lý nhà nước với việc đưa ra lộ trình rõ ràng, thông tin cập nhật, các tiêu chí về du lịch an toàn… để các doanh nghiệp thực hiện.

“Nếu không có những chính sách phù hợp, kế hoạch cụ thể cho cả thị trường nội địa và quốc tế, thì chắc chắn, du lịch Việt Nam sẽ bị bỏ lại xa so với các nước trong khu vực”, ông Phạm Hà nhấn mạnh.

Cùng với lữ hành, ngành khách sạn cũng đang phải trải qua giai đoạn “đen tối” trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch, gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa, hàng nghìn đơn vị lữ hành trên cả nước buộc phải ngừng hoạt động khiến cho hoạt động lưu trú gần như tê liệt. Chính vì vậy, ngành khách sạn đã chủ động trình phương án lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Bộ trình Chính phủ nhằm chuẩn bị phương án thí điểm hộ chiếu vaccine trong thời gian sớm nhất.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn cho biết, qua những lần phải căng mình ứng phó với sự bùng phát của dịch Covid-19, thời điểm này, ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng đã sẵn sàng đảm bảo an toàn cho du khách theo chỉ đạo của Bộ Y tế… Bà Xoan hy vọng, hộ chiếu vaccine sẽ là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, giúp những địa điểm du lịch hay các hoạt động cộng đồng trở nên an toàn hơn.

Và để làm được điều này, cần phải có lộ trình, giải pháp và những bước đi thận trọng. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho du khách và phải xây dựng được các điểm đến an toàn.

Thực tế là để chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại trong thời gian tới, nhiều đơn vị lữ hành, du lịch đã kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài; nghiên cứu rất kỹ thị trường, nhu cầu phù hợp với thực tiễn... Giữa ngành du lịch và y tế phải có sự thống nhất, bàn thảo rất kỹ để cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ khi mở cửa trở lại cho du khách quốc tế./.

Thanh Huyền/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam