Lần đầu tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp công nghệ "Make in Vietnam"

Số hóa | 08:51:00 10/05/2019

Sáng ngày 9/5, Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức, đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo. 

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội; Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT’; Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và đại diện các cơ quan Chính phủ, các Bộ ngành, các Sở TT&TT, các Hiệp hội CNTT, các chuyên gia hàng đầu và doanh nghiệp tiêu biểu về CNTTcủa Việt Nam. 


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu Khai mạc Diễn đàn quốc gia
phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” lần đầu tiên được tổ chức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng,"Make in Vietnam"là một cách gọi sáng tạo, muốn nói đến sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam. Người Việt Nam chủ động, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ.

Hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, tốc độ cao, góp phần giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Song tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm qua phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, chất lượng tăng trưởng thấp, hiệu quả của tăng trưởng hạn chế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa còn thấp, năng suất lao động còn thấp...

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng. Do vậy ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Phát triển doanh nghiệp công nghệ “Make in VietNam” trên cơ sở huy động mọi tiềm năng và sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng mới, nhanh và bền vững. 

Diễn đàn sẽ tập trung vào chia sẻ tầm nhìn, định hướng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ Việt giải quyết bài toán Việt; kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình bằng phát triển doanh nghiệp công nghệ; chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ; chia sẻ giải pháp, kết nối doanh nghiệp công nghệ.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến hết năm 2018, lĩnh vực công nghiệp ICT của Việt Nam có khoảng 50.000 doanh nghiệp đạt tổng doanh thu 98,8 tỷ USD.

Hà Phùng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam