Lớp học của trẻ mồ côi ngày giáp Tết

Giáo dục | 14:10:00 25/01/2020

Ngày giáp Tết, những bà mẹ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội vẫn cặm cụi trên bục giảng lo từng con chữ cho các con "đặc biệt" của mình.

"Những người mẹ bất đắc dĩ như tôi và các chị em khác luôn dành hết tình thương của mình cho các cháu", bà Trần Thị Út, Trưởng phòng Nuôi dưỡng trẻ và Giáo dục định hướng, tươi cười nói khi vừa xong bài giảng về ý nghĩa câu tục ngữ "công cha nghĩa mẹ ơn thầy" cho các con. "Mẹ - con", đó là xưng hô tạo sự gần gũi, thân mật tại trung tâm này.

Lớp học đặc biệt rộng vài chục mét vuông, cũng là nơi ăn ngủ của 56 trẻ mồ côi, trong đó gần 30 em bị khuyết tật. Những ngày cuối năm, ngoài chăm lo cái Tết cho gia đình, bà Út và các đồng nghiệp còn phải thay phiên nhau rèn luyện chữ viết, hay ôn lại bài cũ... cho hàng chục trẻ mới vào tiểu học. Họ cũng chuẩn bị bao lì xì cho các em có niềm vui như các trẻ cùng trang lứa trong ngày Tết.

Trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các con từ nhỏ nên mỗi người mẹ ở đây đều có những kỷ niệm vui buồn. Bà Út nhớ lại ngày 29 Tết năm ngoái, khi vừa xin phép đơn vị về thăm gia đình ở huyện Cái Nước khoảng một giờ thì bà nhận được tin, một bé trai 9 tuổi là trẻ lang thang vừa được đưa vào trung tâm vài ngày đã bỏ trốn. Bà phải chạy xe máy hơn 40 km để tìm kiếm

Gần suốt đêm băng qua bao ngả đường vắng, bà Út và các nhân viên trung tâm vỡ òa trong niềm vui khi thấy cháu ngồi co ro ở góc đường, cách trung tâm hơn 10 km. "Động lực khiến tôi quyết tâm tìm cho bằng được đứa con này là vì lo sợ cháu lang thang bên ngoài, phải chịu đói khát những ngày Tết", bà Út chia sẻ.

Trong các trẻ ở trung tâm, có 29 bé bỏ rơi được trung tâm khai sinh họ Nhân - với mong muốn khi các bé lớn lên sẽ có tấm lòng bao dung, nhân ái giúp người, giúp đời. Trong đó Nhân Quốc Việt được xem như là người bất hạnh nhất, vì từ nhỏ đã bị đa khuyết tật.

Một buổi trưa năm 2000, bà Nguyễn Thị Hồng (44 tuổi) nghe tiếng khóc thét của trẻ nhỏ trong túi nylon. Khi mở ra xem, bà phát hiện một bé trai còn nguyên dây rốn, người tím tái, đôi mắt trợn trắng.

5 ngày sau khi được trung tâm chăm sóc, Việt bị sốt cao phải nhập viện. Từ đó, bà Hồng luôn túc trực bên đứa con bất hạnh suốt 20 năm qua. "Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của mình lúc này, khi đứa con ngày nào tôi lo sợ không sống được, nay là nam sinh lớp 10", người phụ nữ 26 gắn bó với trung tâm nói.

Bằng giọng ngọng nghịu như đứa trẻ lên ba, Nhân Quốc Việt nói rất biết ơn những người mẹ như bà Út, bà Hồng. "Em sinh ra đã bất hạnh, nhưng bù lại em may mắn được sống trong tình thương bao la của các mẹ", Nhân nói và cho biết, em cố gắng học tốt để sau này có thể thay mẹ dạy chữ cho những trẻ khác.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Cà Mau cho biết, ngoài các trẻ mồ côi, khuyết tật, trung tâm còn đang nuôi dưỡng 62 người cao tuổi không nhà cửa, người thân. Riêng các bé sẽ được trung tâm nuôi ăn học, dạy nghề đến 21 tuổi.

Hoàng Hạnh/vnexpress

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam