Miền quê của “cốm nếp thơm Tú Lệ” hân hoan đón mừng đạt chuẩn nông thôn mới

Du lịch, Hồn việt | 09:10:00 13/11/2021

TNV - Là xã vùng cao nằm ở vùng thượng của huyện Văn Chấn – tỉnh Yên Bái, xã Tú Lệ có diện tích đất tự nhiên là 2.867 ha, với 6.377 nhân khẩu và 1.320 hộ, gồm 9 thôn bản và 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 93%. Từ nhiều năm trước đây, xã Tú Lệ còn là địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đời sống của nhân dân rất khó khăn, nhưng ở chiều ngược lại, xã Tú Lệ luôn được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách gần xa yêu mến, bởi đây là vùng đất nổi tiếng với suối khoáng nóng, “cốm nếp thơm”, đặc sản gạo nếp Tan và nằm ở chân một trong tứ đại đỉnh đèo hùng vĩ nhất cả nước – đèo Khau Phạ.

Diện mạo xã chuyển biến căn bản, khởi sắc đi lên rõ rệt

Năm 2011, xã Tú Lệ bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất hạ tầng, đường xá nhỏ hẹp, xuống cấp và lầy lội; đời sống của nhân dân đói nghèo, lạc hậu; nhận thức về chương trình xây dựng nông thôn mới của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thật sự đầy đủ, còn thờ ơ, ỷ lại vào Nhà nước… Song vượt lên trên tất cả những khó khăn, thách thức đó, hòa chung vào dòng chảy sôi nổi và mạnh mẽ của “Phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, diện mạo xã Tú Lệ đã có những chuyển biến căn bản, khởi sắc đi lên rõ rệt.

Hội thi giã cốm ở xã Tú Lệ được tổ chức vào dịp tháng 9, tháng 10 hàng năm

Đến nay, 22 tuyến đường trên địa bàn xã đều được bê tông hóa với tổng chiều dài 28,7 km và đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đạt tỷ lệ 97%, trong đó 40% các tuyến đường được trồng hoa. Tất cả các tuyến đường trục xã, trục thôn đều được duy tu, bảo dưỡng định kỳ hàng năm và thường xuyên được bà con chăm lo vệ sinh sạch đẹp. Phong trào góp tiền, góp ngày công và hiến đất làm đường giao thông nông thôn cũng như các công trình phúc lợi khác của thôn, của xã diễn ra sôi nổi trong Nhân dân, với hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công và 132 hộ tham gia hiến 16.136 m2 đất.  

Hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu thuận lợi cho 278/278 ha đất lúa hàng năm, với 11 công trình thủy lợi dài 28,9 km kênh mương, hiện đã kiên cố hóa được 20,7 km đạt 71,6%.

Bà con nhân dân ở 9/9 thôn, bản với khoảng 1.288 hộ được kết nối lưới điện quốc gia, sử dụng an toàn, ổn định, đạt tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện thường xuyên là 97,57%. Bên cạnh đó, ở cả 9 thôn, bản của xã đều đã có nhà văn hóa khang trang đạt chuẩn theo quy định nhà xây cấp 4 với sức chứa 120 chỗ ngồi và khu thể thao đảm bảo diện tích từ 300m2 trở lên.

Vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lúa nếp Tan đặc sản diện tích 100 ha

Từ năm 2011 đến nay, bằng các nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ của Nhà nước, xã Tú Lệ đã xóa được 192 nhà tạm, hiện toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Đưa tổng số hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định "3 cứng " trên địa bàn xã là 1.217/1.320 hộ, đạt 92,2%.

Ý thức tự giác gìn giữ môi trường trong Nhân dân chuyển biến tích cực. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 950 hộ sử dụng lò đốt rác đạt tỷ lệ trên 72%,  số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ luôn đảm bảo vệ sinh môi trường đạt tỷ lệ trên 86% và các tiêu chí về vệ sinh môi trường được thực hiện có tính bền vững hơn, 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã đã thực hiện tốt cam kết bảo vệ môi trường.

Nông nghiệp và du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương

Đặc biệt, nhờ xác định nông nghiệp và du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương, trong 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tú Lệ đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canhlúa Nếp tan đặc sản (diện tích 100ha), sản phẩm Cốm nếp và phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ du lịch, qua đó phát huy vai trò của các hợp tác xã và các tổ hợp tác trong liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản chủ lực địa phương.

 Diện mạo khang trang, khởi sắc của xã Tú Lệ nhìn từ Khu nghỉ dưỡng LeChamp

Từ đây, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống còn 60%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng lên chiếm 40%; số hộ kinh doanh cá thể năm 2011 chỉ có 40 hộ, nay đã lên 154 hộ. Đáng chú ý, trên địa bàn xã đã xuất hiện Khu nghỉ dưỡng LeChamp Tú Lệ rộng 50 ha mang đẳng cấp khu vực, cùng 10 điểm du lịch cộng đồng, nhiều cơ sở lưu trú…mỗi năm thu hút hơn 10 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm, góp phần tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân – trở thành điểm sáng trong thu hút và phát triển du lịch của vùng Tây Bắc.

Do vậy, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã Tú Lệ đạt trên 37,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2012 là 8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,59% so với 35% năm 2011, tỷ lệ hộ khá hộ giàu ngày càng tăng. Y tế, Giáo dục được quan tâm, chăm lo phát triển: trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trạm y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương được gìn giữ và phát triển.

Hệ thống trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1

An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được ổn định, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” được duy trì hiệu quả. Chính quyền xã đã thực hiện công khai minh bạch, đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định và đang hướng đến tiếp cận chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ công chức xã được quan tâm đào tạo, dần hoàn thiện về chuyên môn và trẻ hóa, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đảng bộ, chính quyền nhiều năm đạt Đảng bộ, chính quyền trong sạch vững mạnh: năm 2019, 2020 là Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và Chính quyền được nhận cờ dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của UBND tỉnh trao tặng.

Sau hơn 10 năm cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ với quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, vận động và nhiều cách làm mới hiệu quả. Xã Tú Lệ hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới của Quốc gia và được Ủy ban nhân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và là xã đặc biệt khó khăn 135 đầu tiên của huyện Văn Chấn về đích nông thôn mới.

Bà con nhân dân hăng hái phát triển sản xuất chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của hộ Lò Văn Phúc (bản Nà Lóng)

Phấn khởi và tự hào trước những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Doan (Bí thư Đảng ủy xã) khẳng định: Từ kết quả hôm nay, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến đạt xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Đường lên bản Mông - Khau Thán - khó khăn của xã được thảm bê tông và duy tu vệ sinh thường xuyên

Trong những ngày đầu tháng 11/2021 này, nếu có dịp về với miền quê của “cốm nếp thơm Tú Lệ” đi tới đâu cũng bắt gặp không khí tưng bừng, phấn khởi của mọi người dân trong toàn xã, trẻ cũng như già cùng hân hoan mừng rỡ chuẩn bị đón chào ngày tổ chức Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới. Được biết, ngày mừng đón danh hiệu xã nông thôn mới được tổ chức công bố vào ngày 14/11/2021 gắn với tổ chức ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương, sẽ làm cho niềm vui của đồng bào các dân tộc trong xã Tú Lệ như thêm được cộng hưởng và lan tỏa nhân lên nhiều lần./.

Bộ phận hành chính công được kết nối liên thông, tạo thuận lợi cho nhân dân

 Điểm dừng chân du lịch của gia đình ông Sầm Văn Mới ở bản Nà Lóng

Bà con địa phương tắm suối khoáng nóng sau mỗi buổi đi làm

Một góc Khu nghỉ dưỡng LeChamp Tú Lệ rộng 50 ha mang đẳng cấp khu vực

                                                                 Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam