Mù Cang Chải thu hút nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng

Du lịch, Du lịch đất việt | 10:14:00 28/05/2020

TNV - Năm 2020, huyện Mù Cang Chải xây dựng kế hoạch đầu tư công theo hướng trọng điểm, hiệu quả; ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp, công trình hoàn thành trong năm 2020. Huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn vốn của doanh nghiệp và các nguồn lực trong nhân dân để tập trung phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, phục vụ xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị; các công trình quan trọng, thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Sản xuất phát triển, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt

Theo số liệu của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng, từ năm 2015 – 2019, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng 224 công trình; trong đó: 85 công trình thủy lợi, 26 công trình giao thông, 66 công trình giáo dục, 3 công trình cấp nước, 24 công trình dân dụng, 01 công trình y tế, 18 công trình hạ tầng kỹ thuật, 01 dự án quy hoạch; với tổng vốn đầu tư là 563,6 tỷ đồng. Riêng năm 2020, huyện khởi công mới 18 công trình, tổng vốn đầu tư 55,7 tỷ đồng; gồm: 08 công trình giáo dục, 08 công trình thủy lợi, 02 công trình giao thông.

Tuyến đường được đầu tư khang trang, sạch đẹp dẫn vào bản Nậm Kim – bản du lịch
cộng đồng của đồng bào Thái. Ảnh: P. Quỳnh

Về hạ tầng cung cấp điện, đến đầu năm 2020, có 100% số xã với 75/98 thôn bản, tổ dân phố được sử dụng điện lưới quốc gia, 80% hộ dân trong huyện được sử dụng điện lưới Quốc gia (tăng 14% so với năm 2015); từ đó, đời sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn 23 bản với 2.673 hộ chưa được sử dụng điện lưới.

Có điện sử dụng, Nhân dân có điều kiện sử dụng máy móc, thiết bị điện để sinh hoạt, nâng cao năng suất lao động; con cháu có điều kiện ánh sáng học hành. Trình độ văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, cuộc sống thay đổi rõ rệt.

Đặc biệt, bản Tà Dông (xã Chế Tạo) với 90 hộ dân sinh sống biệt lập, đời sống nhân dân vật chất và tinh thần hết sức khó khăn. Nhưng từ ngày có điện, cả bản được thay đổi, sôi động hẳn lên, bà con không phải dùng đèn dầu thắp sáng, nhiều hộ có điều kiện đã mua ti vi, tủ lạnh, máy xay xát… phục vụ đời sống tinh thần và phát triển kinh tế - ông Sùng A Chua (Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng) cho biết.

Đầu tư kè suối Kim Nọi kiên cố, đảm bảo giao thông an toàn mùa mưa lũ. Ảnh: P. Quỳnh

Trong 5 năm qua (2015 – 2020) với ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn các xã, huyện Mù Cang Chải đãhuy động xã hội hóa trên 5 tỷ đồng, hơn 200 nghìn ngày công lao động kết hợp với nguồn vốn Nhà nước 200 tỷ đồng thực hiện kiên cố hóa ít nhất 90 km đường giao thông nông thôn; trong đó 30 km đường tiêu chuẩn (rộng 3-3,5m), 60 km đường đặc thù (rộng 1 - 1,5 m), mở mới 140 km đường đất nền rộng 3,5m và ít nhất 1.000 hộ dân có đường bê tông từ đường bản vào ngõ nhà mình.

Với cách làm cụ thể và quyết liệt, mỗi cơ quan, đơn vị trong huyện đều tích cực tham gia vận động xã hội hóa ủng hộ ít nhất 10 tấn xi măng, mỗi xã, thị trấn vận động ủng hộ ít nhất 20 tấn/xã, bà con nhân dân thì phấn khởi hiến đất, nhân công, vật liệu tại chỗ. Đến nay, 100% các xã đều có đường ô tô được bê tông hóa, 20% đường từ xã về bản kiên cố, 100% các bản có đường xe máy; các mô hình đường hoa, thắp sáng đường quê tưng bừng khởi sắc. Nhờ vậy, diện mạo giao thông nông thôn trong toàn huyện thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo đà cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững; năm 2020, thu nhập bình quân đạt 20,44 triệu đồng/người/năm, tăng 7,4 triệu đồng/người/năm (> 56%) so với năm 2015.

Giai đoạn 2015 – 2020 có 97 công trình thủy lợi được đầu tư kiên cố với tổng chiều dài 150 km, cùng với 698 công trình thủy lợi hiện có (trong đó 164 công trình đã kiên cố hóa, chiều dài 310 km, đạt tỷ lệ 29,6%) phát huy hiệu quả, cung cấp nước tưới tiêu cho 1.830 ha diện tích đất lúa 2 vụ (tăng 480 ha so với năm 2015), đưa sản lượng lương thực qui thóc từ 32.500 tấn năm 2015 lên 42.750 tấn vào năm 2019 (tăng 10.250 tấn).

Homestay của bạn trẻ Thào A Su nằm trên ngọn núi cao bản Mông xã La Pán Tẩn. Ảnh: P. Quỳnh

Hệ thống cấp nước chủ yếu do ngân sách Nhà nước đầu tư đã đưa tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2020 đạt 96%, tăng 11% so với năm 2015. Thị trấn Mù Cang Chải có 01 công trình cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho 653 hộ/743 hộ gia đình, với tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch năm 2020 ước đạt 88%.

Mạng viễn thông và Internet được phủ sóng đến 14/14 xã, thị trấn trên toàn huyện, tạo thuận lợi cho Nhân dân cập nhật tin tức giải trí, khai thác thông tin, tra cứu các văn bản pháp luật, kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học - kỹ thuật... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Cũng trong giai đoạn này, hệ thống cơ sở vật chất giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư với tổng vốn đạt 194,96 tỷ đồng. Theo đó, xây mới 51/39 phòng học đạt 130,8%, di dời 66/66 phòng đạt 100%; phòng ở bán trú xây mới 100 /104 phòng, đạt 96,2%; nhà bếp/phòng ăn xây mới 15/10 nhà, đạt 150%; nhà vệ sinh xây mới 22/10 nhà, đạt 220%; nhà tắm xây mới 11 nhà; công trình nước sạch 25/7 công trình, đạt 357% so với mục tiêu Đề án. Nâng tỷ lệ lớp học được kiên cố hóa và bán kiên cố đạt 75%, cảnh quan trường học ngày một “xanh - sạch - đẹp, an toàn - thân thiện”; đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục dân tộc và giáo dục mũi nhọn, nhất là tại các trường dân tộc nội trú, bán trú.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị ngành y tế được đầu tư đồng bộ với gần 26,890 tỷ đồng; trong đó, xây mới 03 trạm y tế, nâng cấp, sửa chữa 11 trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân. Kết thúc năm 2019, toàn huyện có 9/14 xã, thị trấn đạt các tiêu chí quốc gia về y tế bằng 140% mục tiêu Nghị quyết. Các cơ sở y tế khác tiếp tục được đầu tư để đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình. Từ đây, chất lượng tuyến y tế cơ sở được nâng lên, chủ động kịp thời xử lý các dịch bệnh phát sinh trên địa bàn; tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định đạt 98%; giảm tỷ lệ sinh 0,6‰; giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên xuống còn 1,49%.

Thu hút, tạo đà cho du lịch phát triển

Năm 2020, huyện Mù Cang Chải xây dựng kế hoạch đầu tư công theo hướng trọng điểm, hiệu quả; ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp, công trình hoàn thành trong năm 2020. Huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn vốn của doanh nghiệp và các nguồn lực trong nhân dân để tập trung phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, phục vụ xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị; các công trình quan trọng, thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Dự án chỉnh trang đô thị, đầu tư hệ thống thoát nước do Công ty TNHH Mạnh Trường Sơn
thi công mang lại diện mạo mới cho thị trấn. Ảnh: H. Hạnh

Đồng thời, tiến hành lập danh mục các dự án, công trình trọng điểm đề nghị đưa vào danh mục trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Gồm: Đường tránh thị trấn, kè suối Kim Nọi và phát triển quỹ đất thương mại, du lịch gắn với phát triển đô thị du lịch thị trấn; Dự án phát triển khu thương mại, du lịch, thể thao gắn với quy hoạch mở rộng thị trấn Mù Cang Chải về phía Tây; Dự án phát triển hạ tầng khu vực Ngã Ba Kim, Khao Mang; Dự án phát triển du lịch khu IV (xã Khao Mang và xã Lao Chải); Đề án phát triển đường giao thông nông thôn giai đoạn 2020-2025, trong đó, tập trung kiên cố hóa các tuyến đường giao thông từ xã đến các thôn bản và kiên cố hóa các tuyến đường kết nối chính giữa các vùng trên địa bàn huyện.

Kết hợp với các Dự án thu hút đầu tư như: Dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng kết hợp với trồng cây dược liệu và phát triển du lịch khu vực Tà Cua Y (giáp ranh xã Chế Cu Nha và xã Nậm Có); Dự án phát triển khu đô thị sinh thái du lịch xã Púng Luông; Dự án Chợ, Trung tâm thương mại gắn với phát triển du lịch Ngã Ba Kim, xã Púng Luông; Dự án đầu tư Chợ, Trung tâm thương mại Khao Mang; Dự án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng (tại một số xã); Dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Cao Phạ; Dự án phát triển du lịch, thung lũng hoa tại xã Dế Xu Phình.

Hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang. Ảnh: P. Quỳnh

Nhằm tận dụng tốt các nguồn lực, tích cực mời gọi, thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng đô thị, du lịch; huyện phối hợp với Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan lập quy hoạch vùng huyện Mù Cang Chải theo hướng phát triển thành huyện du lịch. Tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ du lịch;thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn.

Theo đó, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển du lịch. Phát triển mạnh các sản phẩm nông lâm nghiệp hàng hóa chủ lực và sản phẩm đặc sản theo chuỗi giá trị, theo phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phục vụ khách du lịch. Đề xuất với tỉnh có cơ chế chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển kinh tế hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác về phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch, thu hút lao động, đẩy mạnh chuyển đổi lao động nông thôn sang phi nông nghiệp.

Xây mới Trạm y tế xã Chế Tạo. Ảnh: V. Thuận

Thành lập ít nhất 10 mô hình tổ hợp tác, tổ tự quản về du lịch. Xây dựng 02 mô hình du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn, thân thiện. Thành lập Ban quản lý Danh thắng ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải. Phối hợp với Sở, ngành của tỉnh xây dựng 01 sản phẩm du lịch (Du lịch cộng đồng) đạt tiêu chuẩn OCCOP cấp tỉnh.

Lập danh mục mời gọi, thu hút đầu tư đối với các dự án có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, phát triển kinh tế rừng của huyện gắn với phát triển xanh, giữ gìn môi trường sinh thái bền vững. Mặt khác, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vai trò của trường học du lịch; thí điểm xây dựng 03 mô hình trường học du lịch (Trường PTDTBT TH Cao Phạ, PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha, PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn) để hình thành tư duy gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ.

Nhờ các nguồn lực được đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng, diện mạo thôn bản đổi mới đi lên, đã tạo đà cho du lịch Mù Cang Chải phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 89 nhà nghỉ, homestay (tăng 30 nhà so với 2015) và 71 nhà hàng, quán ăn đáp ứng nhu cầu phục vụ trên 2.500 lượt khách/ngày. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 355 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 21,9%/năm.

5 năm qua, ngày càng nhiều người dân biết làm du lịch cộng đồng, tạo ra thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế từ dịch vụ du lịch của địa phương. Lượng khách đến với huyện tăng mạnh qua các năm, trung bình đạt 100.000 lượt người/năm. Năm 2019, khách du lịch đến với huyện đạt trên 250.000 lượt người (khách quốc tế 30.000 lượt). Doanh thu từ du lịch đạt 95 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015. Các hoạt động du lịch thường niên: Tuần Văn hóa du lịch Ruộng bậc thang, Fetival dù lượn "Bay trên mùa vàng", "Bay trên mùa nước đổ"… đã làm nên thương hiệu thúc đẩy du lịch địa phương phát triển./.

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam