Mù Cang Chải: Tự hào chặng đường 60 năm mang cái chữ về cho đồng bào vùng cao

Chưa được phân loại | 08:00:00 17/11/2019

TNV - Cái chữ đã giúp bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phá cây thuốc phiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, định canh định cư, ổn định sản xuất, xây dựng bản làng văn hóa, phát triển du lịch, trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn,… mang lại đời sống ấm no.

Gần 100% nhân dân không biết chữ

Tháng 10/1957, huyện Mù Cang Chải được tách và thành lập từ châu Nghĩa Lộ và Than Uyên thuộc khu tự trị Tây bắc, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ gần như 100% nhân dân trong huyện không biết chữ và mới chỉ có 3 đ/c cán bộ chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm được cử làm công tác bổ túc văn hoá chủ yếu là thanh toán nạn mù chữ cho cán bộ chủ chốt ở các cơ sở mới được hình thành.

Niềm vui đến trường.

Ngày 15/8/1959, Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều động giáo viên miền xuôi lên miền núi công tác, nhằm thanh toán nạn mù chữ cho cán bộ, đồng bào miền núi. Huyện Mù Cang Chải được đón nhận 14 thầy giáo từ các vùng quê hiếu học của miền xuôi lên với núi rừng Tây Bắc. Tháng 9/1959, Phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải được thành lập, do đồng chí Lê Tiên phụ trách và 2 đồng chí giáo viên tình nguyện làm cán bộ phòng.   

Tháng 11/1959 toàn huyện mở được 13 lớp vỡ lòng với 300 học sinh, 14 lớp BTVH với 350 học viên, về mạng lưới trường, lớp được chia làm 4 khu của 13 xã mỗi xã có 1 đ/c làm hiệu trưởng kiêm giáo viên dạy phổ thông và bổ túc. Có thể nói ngay từ những ngày đầu ngành Giáo dục non trẻ của huyện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Trong nghị quyết đại hội lần thứ nhất vào tháng 5/1960 của Đảng bộ châu Mù Cang Chải có ghi “ Phấn đấu mở 21 lớp vỡ lòng 423 học sinh, 14 lớp 1 với 365 học sinh. Bổ túc văn hoá tại chức và tập trung 18 lớp với 761 học viên cho các đồng chí cán bộ, chính quyền đoàn thể và nhân dân các xã trong huyện”.

 Trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên, và chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều lớp học đã phải sơ tán vào các cánh rừng để bảo đảm an toàn cho thầy và trò, song vượt lên tất cả đội ngũ thầy cô giáo vẫn tranh thủ ban ngày giúp dân làm nương rẫy, cắt tranh tre, nứa lá về dựng lớp, làm nhà ở, ban đêm đốt đuốc đi đến từng nhà dân để tuyên truyền vận động nhân dân, đưa con em đến lớp học và đưa các em về nhà sau giờ học. Nhờ có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân bất chấp chiến tranh và bom đạn của giặc Mỹ, các em học sinh vẫn cắp sách đến trường, tiếng đọc bài, tiếng hát của các em, tiếng thầy cô giáo giảng bài vẫn cất lên âm vang rừng núi Mù Cang Chải.

Xuất hiện điển hình, điểm sáng và hoàn chỉnh hệ thống giáo dục

Tháng 10/1964 trường Thiếu nhi vùng cao được thành lập với 3 giáo viên, 3 lớp và 44 học sinh. Đến năm 1966, sau 7 năm thành lập và phát triển, qui mô mạng lưới trường lớp, học sinh của ngành Giáo dục & Đào tạo huyện đã tăng đáng kể. Toàn ngành có 76 lớp phổ thông bằng 725 học sinh, 60 lớp vỡ lòng với 487 học sinh và đã thanh toán nạn mù chữ cho 1.287 người. Số lượng học sinh, học viên tăng gấp 4 lần, số giáo viên (97 người) tăng 5,7 lần so với năm 1959. Đặc biệt ở 4 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề đã hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân trong độ tuổi và là những điểm sáng phong trào giáo dục của huyện lúc bấy giờ.

Bên cạnh việc sơ tán lớp học để tránh máy bay Mỹ đánh phá, khó khăn gian khổ của các thầy cô giáo lên Mù Cang Chải phải kể đến giao thông đi lại. Đi bộ là phương tiên di chuyển chủ yếu để đến các xã, bản còn giao thông từ các xã về huyện bằng ngựa thồ. Tuy vậy, học sinh ra học vẫn đạt tỷ lệ cao, năm sau tăng hơn năm trước.

Mạng lưới giáo dục phát triển với phương châm: Trường gần dân, thầy gần trò, quy mô nhỏ, Nhà nước và nhân dân phối hợp để thực hiện có hiệu quả. Công tác giáo dục không chỉ quan tâm đến phát triển số lượng, chất lượng mà còn quan tâm đến việc đầu tư mũi nhọn. Trong giai đoạn này, thật tự hào Trường phổ thông cấp I xã La Pán Tẩn -  là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục được nhận bằng khen của Chính phủ và Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước.

Cơ sở vật chất (nhà ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, tường rào, thư viện..), trường lớp
khang trang. Đây là hình ảnh Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải. (Ảnh: Công Nguyên)

Sau ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thực hiện khẩu hiệu “ Tất cả vì học sinh thân yêu”, các thầy cô giáo đã tạo được sức cuốn hút kỳ lạ để các em đến trường học tập ngày càng đông. Năm 1978, toàn huyện đã có 15 trường tiểu học 126 lớp với 1835 học sinh, học viên tăng 3 lần so với năm 1975, về qui mô trường lớp các ngành học, bậc học tăng 9 lần (so với năm 1959).

Năm 1983, Trường phổ thông liên cấp 2 - 3 đầu tiên ở huyện được thành lập với tổng số 19 giáo viên, 7 lớp và 165 học sinh. Đến thời điểm này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa VIII đã trở thành hiện thực - hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mầm non đến trung học phổ thông, tạo tiền đề cho việc bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa cán bộ trong huyện cũng như bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho huyện trong thời gian tới.

Khắc phục thoái trào, trưởng thành mạnh mẽ

Tuy nhiên, những năm đầu thập kỷ 80, tình trạng mất mùa, đói kém diễn ra phổ biến trong toàn quốc đã tác động mạnh mẽ tới ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải, làm cho tư tưởng cán bộ, giáo viên chưa thật sự yên tâm, đời sống vô cùng khó khăn, mỗi năm có khoảng 35 - 45% giáo viên làm đơn xin chuyển vùng công tác, hàng loạt giáo viên bỏ việc,.. Đây là thời kỳ thoái trào, gian nan, vất vả không kém thời kỳ đầu mới thành lập; năm học 1980 - 1981 số lớp giảm 15%, số học sinh bỏ học trung bình 28,5% có những điểm trường trắng không có lớp học.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến dâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI năm 1988 đã xác định: “Phải tiếp tục củng cố phát triển một cách toàn diện đồng bộ về cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện về chế độ chính sách cho cán bộ giáo viên ....”. Từ đây, sự nghiệp giáo dục Mù Cang Chải tiếp tục nỗ lực, bền bỉ vượt qua vô vàn khó khăn, từng bước ổn định và phát triển vững chắc.

Năm học 1990 - 1991, tình trạng bỏ việc, xin chuyển công tác được khắc phục; cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, số lượng, chất lượng lớp học dần được củng cố. Toàn ngành có: 18 trường với 98 lớp và 1.506 học sinh; tỷ lệ giáo viên xin chuyển vùng giảm xuống 5%; đội ngũ giáo viên tăng 64% so với năm 1966; hội giảng cấp huyện lần đầu tiên được tổ chức thi, có 4 giáo viên đạt giỏi cấp huyện.

Mô hình trường học nông trại ở Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt. (Ảnh: Đ. Nghĩa)

Nghị quyết TW2 khóa VIII đã mở đường cho ngành giáo dục Mù Cang Chải chuyển mình đổi mới; phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” ngày càng sôi nổi, mỗi năm có từ 40-50 em đạt học sinh giỏi cấp huyện và dự thi cấp tỉnh, 150 cán bộ, giáo viên là chiến sỹ thi đua, giáo viên giỏi các cấp. Từ 1999 đến 2004 có 12 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 18 giáo viên giỏi cấp tỉnh; trong đó, có 01 giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi Quốc gia bậc tiểu học.

Đặc biệt, giai đoạn từ 2010 đến nay, sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển mạnh mẽ, mạng lưới trường lớp được mở rộng với 38 trường học từ mầm non đến THPT và 1 trung tâm GDDN – GDTX, hệ thống các trường mầm non phát triển đến các xã, thôn bản; tỷ lệ thu hút học sinh ra lớp tăng cao. Đến nay, sự nghiệp giáo dục huyện đã trưởng thành lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng với 1.330 cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn (chiếm 100%); tất cả các bản làng của 14 xã, thị trấn huyện Mù Cang Chải đều có cơ sở giáo dục.

Phòng ở cho học sinh bán trú tại Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha. (Ảnh: H. Dũng)

Với những cố gắng và nỗ lực vượt bậc, 60 năm qua các thế hệ thầy cô giáo huyện Mù Cang Chải đã mang cái chữ của Đảng, Bác Hồ đến với hàng chục ngàn lượt học sinh các cấp; trong đó, nhiều học sinh đã trưởng thành và trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện, của tỉnh, rất nhiều học sinh trở thành tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất. Cái chữ đã giúp bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phá cây thuốc phiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, định canh định cư, ổn định sản xuất, xây dựng bản làng văn hóa, phát triển du lịch, trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn,… mang lại đời sống ấm no./.

Trong 60 năm xây dựng trưởng thành, toàn ngành đã có trên 400 lượt cán bộ giáo viên, nhân viên được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo; 2 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; trên 1.000 lượt cán bộ, giáo viên, công nhân viên được khen thưởng là giáo viên giỏi và chiến sĩ thi đua các cấp; liên tục từ năm học 1994 - 1995 đến năm học 2014 - 2015 có 26 lượt đơn vị được UBND tỉnh tặng bằng khen, 135 tập thể tiên tiến xuất sắc; Trường Dân tộc Nội trú huyện được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng cờ thi đua đơn vị tiên tiến xuất sắc toàn quốc;

Đặc biệt, Trường phổ thông cấp I xã La Pán Tẩn, Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện và Trường tiểu học Kim Đồng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng 3.     

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam