Mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ “quay lưng” với đồng minh, “kết thân” với Nga

Thời sự, Thế giới | 08:39:00 16/07/2019

Đằng sau động thái mua hệ thống S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có những toan tính sâu xa để đảm bảo an ninh và đối phó với thách thức khu vực.

Nguồn cơn của “vết rạn” Mỹ - Thổ

Ngày 5/6/1964, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã gửi một bức thư cho Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Inonu yêu cầu Ankara dừng các hoạt động can thiệp quân sự vào đảo Cyprus. Đây là một bức thư gay gắt với đầy những từ ngữ đe dọa. Ông Johnson thậm chí đã khiển trách ông Inonu rằng vũ khí của Mỹ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ không nên được sử dụng như vậy và một lệnh cấm vận vũ trang sẽ được áp dụng. Tổng thống Mỹ còn cảnh báo trước rằng những hành động quân sự có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xa lạ và tách biệt với NATO.


Mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ “quay lưng” với đồng minh, “kết thân” với Nga? Ảnh: National Interest

Thất vọng trước cách hành xử của Washington, Thổ Nhĩ Kỳ ngả về phía Liên Xô nhằm đối trọng với các hoạt động của Mỹ. Washington chỉ có thể trì hoãn sự can thiệp quân sự của Ankara với đảo Cyprus trong vòng 10 năm. Năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ sáp nhập 1/3 hòn đảo này vào lãnh thổ nước mình. Bức thư của Johnson đã để lại một lỗ hổng không thể hàn gắn trong quan hệ Mỹ - Thổ và ngày bức thư gửi được gửi đi chính thức đánh dấu thời điểm mối quan hệ giữa 2 nước bắt đầu rạn vỡ.

55 năm sau, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan đã gửi một bức thư vào ngày 6/6/2019 tới Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Mặc dù giọng điệu không gay gắt như bức thư của Tổng thống Johnson song bức thư của ông Shanahan cũng đưa ra nhiều lời cảnh báo nghiêm trọng, chỉ rõ những hậu quả mà Ankara có thể phải đối mặt trong quy trình tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Ông Shanahan thậm chí đã đe dọa rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hành động như hiện nay, nước này sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế theo Đạo luật chống lại kẻ thù nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) và bị loại khỏi chương trình F-35. Nếu như bức thư của ông Johnson là sự khởi đầu cho mối quan hệ đi xuống giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thì bức thư của ông Shanahan được cho là có thể khiến quan hệ 2 nước đi xuống mức thấp nhất.

Vậy thì tại sao Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua hệ thống vũ khí của Nga mặc dù điều này có thể khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ đổ vỡ?

“Cú quay lưng” của Mỹ

Nói một cách đơn giản, quan điểm về mối đe dọa khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh đã phát triển một cách khá chồng chéo và phức tạp, chủ yếu do chủ nghĩa đơn phương của Mỹ (đặc biệt là tại Iraq, Syria và Iran - tất cả đều là những nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ). Sự ngần ngại của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề trên đang ngày càng khiến Ankara xa rời Washington. Cuộc nội chiến Syria rõ ràng đã làm nổi bật sự khác biệt giữa 2 đồng minh NATO này.

Gần đây nhất, sự kiên quyết của Mỹ trong việc ủng hộ vô điều kiện lực lượng người Kurd ở Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là một vấn đề an ninh quốc gia hàng đầu. Động thái này của Mỹ khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngả về phía Nga – nước vốn có vẻ quan tâm đến an ninh của Ankara hơn. Sự thiếu tin tưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ ngày càng trở nên sâu sắc.

Đe dọa của Tổng thống Trump rằng "nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị hủy hoại nếu nước này tấn công lực lượng người Kurd ở Syria" đã khiến Ankara hiểu rằng Mỹ sẽ dễ dàng hy sinh Thổ Nhĩ Kỳ vì một chủ thể phi quốc gia như vậy.

Sinan Ulgen - Chủ tịch tổ chức phân tích EDAM ở Istanbul nhận định: "Không có quyết định nào về chính sách trong lịch sử gây tổn hại hại đến hình ảnh của Mỹ trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ nhiều như việc Washington đang cung cấp vũ khí cho lực lượng YPG. Mỹ có vẻ thực sự coi thực thể này là một nhóm quân đội hữu ích trong cuộc chiến nhằm đánh bại IS xong cái giá phải trả cho việc này là sự xa cách với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ".

Tờ Yeni Safak thân với chính quyền Tổng thống Erdogan thậm chí đã "vẽ" nên một viễn cảnh xung đột quân sự giữa các hạm đội của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đó, các cáo buộc về việc hệ thống tên lửa chống tăng TOW và Javelin do Mỹ sản xuất đã được chuyển giao cho lực lượng người Kurd YPG để chống lại quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria càng khiến Ankara cảm thấy có đủ lý do để lo ngại về việc Mỹ sẽ gián tiếp gây chiến với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bản thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng có những vấn đề về niềm tin với Washington. Ông Erdogan từng nhiều lần cáo buộc Mỹ hợp tác với giáo sĩ Fethullah Gulen trong cuộc đảo chính bất thành năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, 2 chiếc máy bay F-16 do Mỹ sản xuất nằm trong tay các phi công phe nổi dậy đã bay rất gần với máy bay của Tổng thống Erdogan trên đường tới Istanbul. Tuy nhiên, những chiếc F-16 này đã không bắn hạ máy bay của ông Erdogan do chiếc máy bay này ngụy trang là máy bay dân sự.

Trớ trêu là trong cuộc đảo chính năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ cơ chế phòng thủ hiệu quả nào để chống lại các vũ khí do Mỹ chế tạo mà phe nổi dậy sử dụng. Vì vậy, sử dụng một hệ thống phòng thủ tên lửa không phải của NATO sẽ giúp được Tổng thống Erdogan đối phó với những nỗ lực nhằm lật đổ ông trong tương lai.

Thế khó của Thổ Nhĩ Kỳ

Một lý do nữa khiến Thổ Nhĩ Kỳ "sống chết" quyết mua hệ thống S-400 của Nga bằng được là do những căng thăng vẫn âm ỉ ở phía đông Địa Trung Hải, đặc biệt là quanh đảo Cyprus về nguồn dự trữ hydrocarbon khổng lồ mới được phát hiện. Đảo Cyprus với sự ủng hộ của EU và Mỹ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột nghiêm trọng về giới hạn khu vực đặc quyền kinh tế của hòn đảo này, nơi được cho là sẽ đem về nguồn thu khí đốt khổng lồ cho bên sở hữu nó. Thổ Nhĩ Kỳ đã tự cử các tàu chở dầu của nước này tới các khu vực mà đảo Cyprus cũng tuyên bố chủ quyền. Căng thẳng hiện ngày càng leo thang khi mà Chính phủ Cộng hòa Cyprus của người gốc Hy Lạp ban hành lệnh bắt giữ các thủy thủ tàu khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi đảo Cyprus - động thái có thể khiến khu vực này rơi vào một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng.

Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc hòn đảo. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận Cộng hòa Cyprus của người gốc Hy Lạp, trong khi “Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus” của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ không được quốc tế công nhận.

Cân nhắc đến việc Hy Lạp là một thành viên NATO và Quốc hội Mỹ sắp dỡ bỏ cấm vận vũ khí với đảo Cyprus, nhiều người ở Ankara cảm thấy việc sở hữu một hệ thống vũ khí không phải của Mỹ hay NATO là một điều cần thiết để ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào.

Bên cạnh đó, nhận ra rằng các lệnh cấm vận vũ khí của các đồng minh NATO đang tạo nên khoảng cách về mặt an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tự xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng mình. Đó là chưa kể Ankara còn phải đối mặt với một thực tế cay đắng rằng nước này cần sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình khi Đức - một thành viên trong NATO rút hệ thống Patriot của nước này khỏi biên giới Syria của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 bởi "việc triển khai hệ thống này đòi hỏi chi phí cao". Động thái trên đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ dễ "tổn thương" hơn trước các cuộc tấn công có thể xảy ra từ Syria.

Quan hệ “lợi cả đôi đường” với Nga

Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga ở Syria để hỗ trợ nước này về mặt an ninh khi mà Ankara không thể thuyết phục được Washington làm điều ấy. Chẳng hạn, cuộc tấn công Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd YPG ở Syria đã có thể thực hiện vào đầu năm 2018 với sự chấp nhận của Nga. Đối với các vấn đề cấp bách ở Idlib hiện nay, Ankara lại càng cần hợp tác với Moscow để giải quyết. Khi Tổng thống Vladimir Putin ngày càng chứng minh là một đồng minh đáng tin cậy với Tổng thống Erdogan thì Thổ Nhĩ Kỳ lại càng không có lý do gì để hủy bỏ thương vụ S-400 "lợi cả đôi đường" này.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã chẳng mấy khi êm đẹp nay lại càng leo thang căng thẳng do những bất đồng liên quan đến cuộc nội chiến Syria. Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên độc lập về chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Erdogan và thường từ chối tuân theo sự cưỡng ép từ phía Mỹ, đặc biệt tại Trung Đông. Khi Washington còn đang bận gây áp lực để đạt được mục đích thì Ankara đã ngày càng xích lại gần Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cho rằng NATO và Mỹ không thể giải quyết được các vấn đề an ninh của Ankara cũng như 2 bên ngày càng không liên quan đến nhau. Không thể tự mình đối phó với các thách thức trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ chủ động tìm kiếm sự hợp tác với Nga. Tuy nhiên, điều gì cũng có cái giá của nó và cái giá mà Ankara phải trả cho việc này chính là "lửa và giận dữ" từ phía Washington với những lời đe dọa và những đòn trừng phạt. Vòng xoáy luẩn quẩn không thể hóa giải trong một sớm một chiều này đang đặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước những rạn nứt vĩnh viễn khó có thể hàn gắn được./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo National Interest

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam