Người truyền cảm hứng cho bản Mông làm du lịch cộng đồng

Du lịch, Du lịch đất việt | 08:49:00 03/06/2020

TNV - Là hộ người Mông thứ 2 của xã, của huyện làm Homestay, nhưng A Dê là người đầu tiên biết sáng tạo vận dụng công nghệ thông tin, lập wesite giới thiệu về cảnh sắc ruộng bậc thang, nét đẹp văn hóa dân tộc Mông trên cộng đồng mạng. Nhờ vậy, Homestay Helo Mù Cang Chải đã thu hút được đông đảo du khách nước ngoài tìm đến, đồng thời làm thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm và truyền cảm hứng cho làn sóng đầu tư làm Homestay trong cộng đồng người Mông xã La Pán Tẩn.

Đôi trai tài, gái đảm

Mấy năm nay, có nhiều dịp đến với Mù Cang Chải – địa danh mà chỉ mới nghe tên đã thấy xa lắc, xa lơ và vô cùng gian khó - tôi được nghe kể nhiều về mô hình Homestay của đôi vợ chồng trẻ bản Mông có cái tên rất kêu : Helo Mù Cang Chải.

Chị Lỳ ân cân mời khách uống nước mật ong rừng mau hồi phục sức khỏe. Ảnh: P. Quỳnh.

Nhân chuyến công tác cuối tháng Tư vừa qua, tuy đã gần 12h trưa, mặc cho cái nắng nóng đầu mùa, mặc cho cái chân đã mệt mỏi, cái bụng đã đói cồn cào, chúng tôi vẫn quyết tâm đi bộ leo dốc lên với Helo Mù Cang Chải cho bằng được.

Đến lưng chừng dốc, chúng tôi gặp một người phụ nữ Mông khăn len rực rỡ trên đầu, nụ cười tươi rói, đôn hậu mời lên nhà, còn chị tiếp tục đi xuống chân dốc đón khách đi nghỉ lễ dịp 30-4. Bắt đầu từ đây con dốc luôn rợp bóng hàng thông và hoa lá xanh mát, bởi có bàn tay chăm sóc của chủ nhà. Người phụ nữ Mông mà tôi vừa gặp là Vàng Thị Lỳ vợ của Giàng A Dê – chủ nhân Homestay mà chúng ta đang tới – ông Trần Minh Phượng (Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn) tiết lộ.

 Giàng A Dê đưa khách Tây thăm Danh thắng Ruộng bậc thang. Ảnh: NVCC.

Đầu hồi nhà, mó nước mạch được dẫn từ khe núi trong rừng già về luôn mải miết chảy làm tràn cả chiếc thùng gỗ dùng để chứa nước, mang lại niềm hứng thú mà không ai là không muốn dừng lại để thỏa thuê vốc nước rửa mặt, tay, chân, và tận hưởng cảm giác trong trẻo, mát lành ấy.

Khi chúng tôi đang thích thú ngắm nghía, chụp ảnh với những thửa ruộng bậc thang nằm vắt vẻo ở bên kia sườn núi cũng là lúc chị Vàng Thị Lỳ đón khách về đến nơi.

Đón khay nước từ tay chị Hảng Thị Sú - người ở bản làm công cho Homestay đã hơn năm nay, chị Lỳ ân cần giục khách uống ngay cho đỡ mệt, bởi đây là nước nóng pha mật ong rừng có tác dụng hồi phục nhanh sức khỏe.

Nguyễn Tiến Đạt và Nguyễn Văn Hà là 2 phượt thủ còn rất trẻ, cùng ở xã Tiên Phong, huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ: Được bạn bè mạng trên nhóm Sắc màu Mù Cang Chải giới thiệu về cảnh đẹp độc đáo của Homestay này lên gọi điện đặt chỗ và đây cũng là lần đầu tiên lên với Mù Cang Chải, để trải nghiệm địa hình đồi núi quanh co hiểm trở và thăm Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang.

   

Ông Bùi Văn Hóa (Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH Mù Cang Chải) cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển du lịch bền vững, trong những năm qua PGD NHCSXH Mù Cang Chải đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn, đồng thời tập trung các nguồn vốn được giao xuống tận xã để giải ngân hỗ trợ các hộ thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng (Homestay).

Đến hết tháng 5/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung cho vay phát triển du lịch cộng đồng tại các xã, thị trấn là 2.018 triệu đồng với 42 hộ vay vốn. Trong đó: Xã La Pán Tẩn có 9 hộ vay với số tiền là 450 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm.

Chị Lỳ bật mí, với mức giá 300.000 đồng/người, khách sẽ được hướng dẫn đi leo núi, thăm ruộng bậc thang và phục vụ ăn uống cả ngày. Bữa tối là bữa chủ đạo với các món ngon nhất của người Mông được chế biến công phu để thiết đãi khách, như: Pá dù (thịt lợn đen băm nhỏ cùng rau thơm phủ mỡ chài rán lên thơm lừng), bánh dày rán chấm mật ong, cá chép ruộng nướng (kho,hấp) hoặc thịt lợn bản nướng, gà hầm thuốc bắc…


Bữa trưa của tour leo núi. Ảnh: NVCC.

Hôm nay, chồng chị cùng mấy người đi rừng để khảo sát phát triển tour leo núi, nên chị Lỳ dành toàn bộ thời gian trò chuyện với khách. Chị thật thà kể, anh Dê sinh năm 1989 (hơn chị 3 tuổi), anh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quản trị kinh doanh Thái Nguyên năm 2013, còn chị tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế năm 2014. Cả hai đều là những thanh niên có học vấn cao rộng, niềm tự hào của bà con bản Mông.

Ra trường anh được tuyển vào làm nhân viên kinh doanh cho Viettel Mù Cang Chải, còn chị làm lễ tân Nhà khách Suối Mơ thuộc UBND huyện. Gần 2 năm làm lễ tân, chị thấy vốn tiếng Anh còn hạn chế, nên đã xin tạm nghỉ việc đi làm ở quán Café Sapa Ochau (Sa Pa, tỉnh Lào Cai) từ tháng 5/2016 để trau dồi ngoại ngữ về tiếp tục làm công việc cũ.

Trải nghiệm lao động cùng bà con trong bản. Ảnh: NVCC.

Tại đây, trong một dịp cùng bạn bè đi chơi bản Mông xã Lao Chải, huyện Sa Pa, thấy bà con ở đây làm du lịch Homestay rất đông khách, thu nhập ổn định, mà đầu tư phục vụ ăn nghỉ cũng không quá khó, nên chị Lỳ nảy ra ý định về nhà làm Homestay. Thật là tâm đầu ý hợp, khi chị gọi điện về cho chồng, anh Dê đồng ý luôn và bắt xe lên Sa Pa khảo sát.

Sau chuyến khảo sát, anh Dê về tìm địa điểm làm Homestay và làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp huyện. Chị Lỳ tiếp tục ở lại vừa làm vừa tự học tiếng Anh. Trong thời gian này chị tranh thủ đi tour để học cách xây dựng tour, hướng dẫn tour và học hỏi cách làm Homestay. Chị nhờ các tình nguyện viên dạy tiếng Anh miễn phí ở Café Ochau lập website và dịch nội dung trên website từ tiếng Việt ra tiếng Anh để tiếp thị rộng rãi các dịch vụ Homestay của mình với khách nước ngoài.

Địa điểm chọn làm Homestay là phần ngọn của của đồi hoang, có diện tích khoảng hơn 3.000 m2 được A Dê hoán đổi mấy thửa ruộng và các thêm gần 25 triệu đồng cho người chú họ. Khởi công đầu năm 2017, nhưng do địa hình phức tạp, kinh phí có hạn, nhiều hạng mục như sân, vườn, đường đi… anh chị đều tự làm để tiết kiệm chi phí, nên sau một năm mô hình kinh doanh Homestay mới hoàn thành với giá trị đầu tư gần 500 triệu đồng.

 Phút giây phấn khích. Ảnh: NVCC.

Một tín hiệu vui đến với Homestay Helo Mù Cang Chải, trước khi hoàn thành chừng một tháng, 8 khách Hồng Kông đã đặt chỗ và ngay khi Homestay mới hoàn thành vợ chồng A Dê đón thêm 01 khách nước ngoài đến lưu trú. Từ đó đến nay, Homestay Helo Mù Cang Chải đều đặn đón khách, nhất là vào dịp du lịch mùa lúa chínmùa nước đổ, cả 5 phòng lưu trú của Homestay đều kín chỗ. Không kể những tháng thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid – 19, bình quân mỗi tháng vợ chồng A Dê thu nhập được 30 triệu đồng, gấp hơn 3 lần so với trước. Quả thật là đôi trai tài, gái đảm!

 Liên kết bà con cùng làm du lịch cộng đồng

Là hộ người Mông thứ 2 của xã, của huyện làm Homestay, nhưng A Dê là người đầu tiên biết sáng tạo vận dụng công nghệ thông tin, lập website giới thiệu về cảnh sắc ruộng bậc thang, nét đẹp văn hóa dân tộc Mông trên cộng đồng mạng. Nhờ vậy, Homestay Helo Mù Cang Chải đã thu hút được đông đảo du khách nước ngoài tìm đến, đồng thời làm thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm và truyền cảm hứng cho làn sóng đầu tư làm Homestay trong cộng đồng người Mông xã La Pán Tẩn.  

 Homestay Su Su mới hoàn thành còn thơm mùi gỗ. Ảnh: P. Quỳnh.

Được sự động viên khuyến khích của chính quyền địa phương, tiếp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện bằng việc triển khai kế hoạch giải ngân cho vay phát triển du lịch cộng đồng, như đàn chim sổ lồng tung cánh bay lên phong trào làm Homestay được bà con bản Mông phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến nghỉ, tham quan tăng lên nhanh chóng (năm 2017 là trên 10.000 lượt, năm 2018 là trên 20.000 lượt, năm 2019 là trên 25.000 lượt khách), chất lượng các dịch vụ phục vụ cho du lịch cũng được cải thiện rõ nét.

Hiện nay, xã La Pán Tẩn đã có 14 hộ người Mông đầu tư làm Homestay với  nguồn thu bình quân 80-100 triệu/hộ/năm (6 hộ đang xây dựng, cuối năm đưa vào hoạt động), tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương; đặc biệt, bà con đã gắn khai thác với bảo vệ, giữ gìn những giá trị của Danh thắng Ruộng bậc thang, của núi rừng thiên nhiên đã ban tặng, ông Phượng thông tin thêm.

Thầy và trò khóa học tiếng Anh tại Homestay Helo Mù Cang Chải. Ảnh: NVCC.

Homestay Su Su của bạn trẻ Thào A Su ở bản Tà Chí Lừ có trị giá hơn 01 tỷ đồng, rộng 80 m2 còn thơm mùi gỗ đủ chỗ cho hơn chục người ở cùng lúc, mới đưa vào đón khách dịp 30 – 4 là một trong số đó. Là Homestay nằm ở độ cao nhất huyện (1.500m), từ đây du khách có thể phóng tầm mắt nhìn về thị trấn Mù Cang Chải và cả một vùng núi non, ruộng bậc thang bao la, hùng vĩ. Gió ào ào thổi, mây bay ngang đầu, những tia nắng như đến sớm hơn, du khách như được cưỡi gió, vờn mây trong cuộc rong chơi kỳ thú với thiên nhiên nơi thâm sơn cùng cốc.

Để các hộ kinh doanh Homestay cùng phát triển bền vững, được sự tư vấn của Huyện đoàn tháng 3/2019 Tổ hợp tác du lịch cộng đồng do Giàng A Dê làm tổ trưởng đã hình thành, với hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất mức giá dịch vụ, san sẻ giới thiệu khách khi thiếu phòng…

Chị Lý Thị Chú (bản La Pán Tẩn) trước đây phải đi xa làm thuê, nay đã tập trung
chăm sóc 5 vườn rau, đàn gà..., đời sống nâng lên đều nhờ vào bán nông sản cho
Homestay 
và khách du lịch. Ảnh: NVCC.

Đầu năm 2020, Giàng A Dê nâng mô hình Homestay lên thành Công ty TNHH du lịch và thương mại Helo Mù Cang Chải, nhằm mục đích mở rộng hợp tác đón khách ngoại quốc với các công ty du lịch, tạo nguồn khách ổn định, dồi dào cung ứng cho các Homestay trong Tổ hợp tác. Đồng thời, liên kết với 13 hộ ở các bản Mông tham gia thiết kế đường leo núi và làm các dịch vụ vận chuyển đồ, hậu cần phục vụ khách tham quan leo núi, ngủ rừng, trải nghiệm sinh hoạt cùng bà con bản Mông.

Với mong muốn bà con bản Mông đều được hưởng lợi từ du lịch cộng đồng, từ năm 2019 Homestay Helo Mù Cang Chải của vợ chồng A Dê đã tổ chức nhiều buổi học tiếng Anh miễn phí cho các bạn trẻ trong bản. Đặc biệt, đầu năm 2020, A Dê đã mở khóa học, mời tình nguyện viên về dạy giao tiếp tiếng Anh, hướng dẫn viên du lịch cho 17 thanh niên bản Mông, nhưng mới triển khai được 2 tuần, lớp học phải tạm dừng vì dich Covid - 19, đợi khi mở cửa đón khách nước ngoài trở lại lớp học sẽ tiếp tục. Hy vọng lớp học sẽ mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập và phát triển du lịch cộng đồng cho bà con trong bản, A Dê nói.

Theo ông Sùng Thành Công (Chủ tịch UBND xã): Từ hiệu quả kinh tế mà hộ gia đình anh Giàng A Dê đạt được, đã tạo làn sóng cho các hộ gia đình khác mạnh dạn vay vốn đầu tư kinh doanh Homestay; tiêu biểu là các hộ gia đình trẻ như chị Thào Thị Vá, anh Hảng A Cổn, Thào A Su, Giàng A Vềnh và Lý A Lòng...

Homestay phát triển đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách lưu trú tại xã mỗi năm, tạo thuận lợi để bà con phát triển sản xuất, cung cấp nhiều nông sản địa phương (rau cải mèo, su su, bí, lợn cắp nách, gà đen...) có chất lượng và giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách. Điển hình như: hộ ông Lý A Mang (bản Trống Páo Sang) đã mở rộng chăn nuôi thường xuyên tiêu thụ gà đen, lợn cắp nách và rau cải mèo cho các Homestay, mang lại thu nhập trên 60 triệu đồng/năm; gia đình chị Lý Thị Chú (bản La Pán Tẩn) trước đây phải đi xa làm thuê, nay đã tập trung chăm sóc 5 vườn rau, đàn gà..., đời sống nâng lên đều nhờ vào bán nông sản cho Homestay và khách du lịch./. 

 Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam