Nồng nàn men say rượu thóc La Pán Tẩn

Du lịch, Hồn việt | 09:01:00 11/02/2021

TNV - Vào những ngày đầu năm mới, ngồi nghe ông Kế kể chuyện nấu rượu bên bếp củi bập bùng, chiếc chảo gang to tướng, chõ gỗ làm từ thân cây to dùng đã nhiều năm, dòng nước suối lạnh cóng liên tục chảy qua nồi nước ngưng đặt trên chõ gỗ, nghe tiếng rượu từng giọt, từng dòng róc rách chảy giữa khung cảnh bao la núi rừng đang tiết trời đông giá lạnh, nâng chén cùng nhâm nhi hương vị rượu thóc dịu êm đượm nồng lan tỏa ấm người, thấy có vị ngọt mát của nước suối đầu nguồn, hương thơm không lẫn vào đâu của vỏ trấu và vị khói của củi rừng... chợt trong lòng dâng lên cảm giác men say nồng nàn thật là thú vị!.

Hương vị đặc trưng hiếm có nơi nào có thể sánh nổi

La Pán Tẩn là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, nhưng bù lại nhờ sức lao động bền bỉ và sáng tạo của bà con dân tộc Mông nơi đây, xã La Pán Tẩn đã trở lên nổi tiếng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi nhiều điểm ruộng bậc thang đẹp nổi tiếng (Mâm Xôi Nhỏ, Đồi Mâm Xôi,...), du lịch cộng đồng bản Mông, và không thể không nhắc đến đặc sản rượu thóc La Pán Tẩn - một trong những sản phẩm đặc sắc riêng có của núi rừng Tây Bắc.

Ông Kế (bên trái) và tác giả trò chuyện bên 2 bếp rượu rực hồng giữa trời đông lạnh giá dưới 10oc.

Theo ông Trần Minh Phượng (Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn): Nghề nấu rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn có từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với phương pháp nấu rượu thủ công bằng chảo gang, chõ gỗ, thóc nương, men lá tự làm để chưng cất ra thứ rượu thóc mang những nét đặc trưng khác biệt từ hương vị cho đến chất lượng mà hiếm có nơi nào có thể sánh nổi.

“Bà con người Mông hầu như gia đình nào cũng nấu rượu thóc, nhưng nói đến rượu thóc La Pán Tẩn là nói đến rượu thóc do bà con người Mông ở bản La Pán Tẩn trong xã nấu mới ngon và được mọi người truyền tai nhau tìm mua để thưởng thức. Hiện ở bản La Pán Tẩn có 199 hộ, trong đó 10 hộ làm nghề nấu rượu thường xuyên, còn lại là làm theo thời vụ để phục vụ khách du lịch, một số ít chỉ nấu đủ dùng cho gia đình” - Phó Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn Giàng Súa Rùa cho hay.

Hơn 40 thùng thóc rượu đã ủ men đợi ngày chưng cất.


Theo chân Phó Chủ tịch xã chúng tôi chạy xe trên con đường bê tông rộng hơn 3m leo lên gần đỉnh quả núi cao thì tới nhà ông Giàng Chứ Ly (62 tuổi). Đưa chúng tôi vào ngôi nhà truyền thống người Mông hiện đã có 3 thùng thóc được ủ men đang đợi ngày chưng cất và gần 100 bao thóc to xếp choán lên gần nóc nhà. Chỉ tay vào những bao thóc, ông Ly nói: “Chỗ này khoảng 4 tấn thóc dùng để sinh hoạt gia đình, chăn nuôi và nấu rượu dần. Bình quân mỗi tuần nấu 01 nồi bằng 40 kg thóc, cả năm khoảng 2 tấn thóc”.

Ông Ly nhẩm tính, mỗi tuần nấu 01 nồi, mỗi nồi lãi chừng 700 ngàn đồng, mỗi tháng thu nhập thêm gần 3 triệu đồng từ nấu rượu, chưa kể bã rượu để cho 5 con trâu và 3 con bò ăn. Nhờ cuộc sống căn cơ, tăng gia sản xuất chăn nuôi kết hợp với nấu rượu thóc bán cho khách du lịch, nên gia đình ông thuộc diện hộ có kinh tế khá giả; năm 2016 ông đầu tư làm ngôi nhà sàn mới đón khách du lịch đến nghỉ, tạo thêm việc làm mới cho các con và cải thiện đời sống.

Bã rượu được ông tận dụng để chăn nuôi và đổi cho bà con lấy củi làm chất đốt.


Là là hộ gia đình có qui mô sản xuất rượu thóc lớn nhất xã, ngày nào 2 bếp rượu của hộ ông Hảng A Kế cũng luôn đỏ lửa. Bình quân mỗi ngày ông nấu 2 nồi rượu bằng 70kg thóc và cất được khoảng 40 lít. Ở thời điểm hiện tại, với giá thóc 7.000 đồng/kg, giá rượu xuất từ 30 – 35 ngàn đồng/lít, rồi mấy chục nghìn tiền men, tiền củi... bình quân mỗi ngày ông cầm chắc khoản lãi từ 600 – 700 ngàn đồng, tương đương với 18 – 20 triệu đồng/tháng.

Khi chúng tôi đến, vợ chồng con trai ông Kế đang lúi húi bên 2 bếp rượu rực hồng giữa trời đông lạnh giá dưới 10oc. Ông Kế cho biết, công việc chính của cả 4 người lớn trong gia đình đều tập trung vào đồ thóc, ủ men, nấu rượu... Nhìn hơn 40 thùng thóc được ủ men lúc nào cũng có sẵn trong nhà, tôi biết nghề nấu rượu thóc đã cho gia đình ông thu nhập cao và ổn định.



Vào những ngày đầu năm mới, ngồi nghe ông Kế kể chuyện nấu rượu bên bếp củi bập bùng, chiếc chảo gang to tướng, chõ gỗ làm từ thân cây to dùng đã nhiều năm, dòng nước suối lạnh cóng liên tục chảy qua nồi nước ngưng đặt trên chõ gỗ, nghe tiếng rượu từng dòng, từng dòng rác rách chảy giữa khung cảnh bao la núi rừng đang tiết trời đông giá lạnh, nâng chén cùng nhâm nhi hương vị rượu thóc dịu êm đượm nồng lan tỏa ấm người, thấy có vị ngọt mát của nước suối đầu nguồn, hương thơm không lẫn vào đâu của vỏ trấu và vị khói của củi rừng... chợt trong lòng dâng lên cảm giác men say nồng nàn thật là thú vị!.

 Chắt rượu giao cho khách du lịch và tiểu thương ở thị trấn huyện.

Giọng chưa thạo tiếng phổ thông, ông Kế (47 tuổi) kể: “Ngay từ ngày còn rất nhỏ mình đã giúp bố mẹ lấy củi, trộn men ủ thóc và nấu rượu, nên cũng chẳng nhớ biết thành thạo nấu rượu từ khi nào. Cách đây 12 năm, mình suy nghĩ thấy nhiều khách du lịch lên Mù Cang Chải thích uống và mua rượu thóc về dùng, thế là mình nấu rượu thóc để bán thôi”.

Trước đây do chưa có mối tiêu thụ ổn định, trung bình mỗi ngày mình nấu một nồi, mỗi tháng thu lãi khoảng hơn 10 triệu đồng; năm 2017 được Công ty TNHH MCC – VNA liên kết tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư mở rộng sản xuất nên tôi đã mạnh dạn dựng nhà xưởng 100 m2 chuyên để chứa các thùng ủ nguyên liệu, xây liên hoàn 8 bếp nấu rượu, cùng khu để chum, thùng can đựng rượu đã chưng cất; nâng công suất lên 4 nồi bằng 80 lít mỗi ngày. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ít khách du lịch, tiêu thụ chậm, nên công suất nấu và thu nhập mỗi ngày của gia đình giảm một nửa so với mấy năm trước - ông Kế chậm rãi nói tiếp
Do tập trung chuyên môn, nên rượu thóc của gia đình ông nấu luôn đảm bảo chất lượng an toàn và thơm ngon đặc trưng, nấu ra đến đâu được các tiểu thương ở thị trấn huyện và khách du lịch mua hết đến đấy, không phải lo khâu tiêu thụ. Có thu nhập ổn định, lại được Ngân hàng chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi phát triển sản xuất, nên đời sống gia đình được cải thiện, có điều kiện nuôi cả 3 người con theo học đại học và trung cấp.


Nhà xưởng rộng 100 m2 chuyên để sản xuất rượu của gia đình ông Kế.

Mở mang sinh kế, thúc đẩy du lịch phát triển

Ông Sùng A Lù (Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mù Cang Chải) cho biết, đã có 04 hộ ở xã La Pán Tẩn được cấp phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh và có giấy chứng nhận tiêu chuẩn của Sở Y tế tỉnh. Sản phẩm rượu thóc La Pán Tẩn chủ yếu tiêu thụ ở các cửa hàng, quán ăn nhỏ lẻ ở huyện (chiếm 70%), ở các địa phương khác trong tỉnh (10%), gần đây được sự mến mộ của khách du lịch đã vươn tới một số địa phương như Hà Nội, Phú Quốc, Cần Thơ, Phú Thọ, Hà Tây, Bắc Ninh... với số lượng nhỏ (chiếm 20%). Doanh thu từ sản xuất kinh doanh rượu thóc La Pán Tẩn năm 2017, 2018, 2019 đạt từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng mỗi năm, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập tại chỗ giúp bà con cải thiện cuộc sống.

4 tấn thóc của gia đình ông Giàng Chứ Ly dùng để sinh hoạt gia đình, chăn nuôi và nấu rượu dần.

Được biết, từ khi Công ty TNHH MCC - VNA được thành lập vào năm 2017, trên địa bàn bản La Pá Tẩn đã thành lập được 01 Tổ hợp tác nấu rượu thóc với 6 hộ, còn lại các hộ khác tự nấu nhưng cũng đều liên kết với Công ty TNHH MCC - VNA để bao tiêu sản phẩm, do vậy các hộ tham gia sản xuất đều đặn và có nguồn thu ổn định hơn, bình quân chiếm 50% thu nhập trong năm của mỗi gia đình.

Để nghề nấu rượu thóc thủ công xã La Pán Tẩn phát triển, huyện Mù Cang Chải đã tập huấn, hướng dẫn nhân dân sử dụng các phụ gia truyền thống bằng thảo mộc có chất lượng cao để làm men, ủ thóc và sử dụng các thiết bị sạch sẽ trước khi nấu rượu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của huyện Mù Cang Chải cùng với phòng chuyên môn của Sở Công thương, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Yên Bái mở các lớp tập huấn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng nồng độ cồn, bảo quản, vệ sinh kho hàng cho các hộ sản xuất và kinh doanh rượu thóc. Ngoài ra, sau khi thu mua rượu thóc do bà con bản Mông xã La Pán Tẩn nấu, Công ty TNHH MCC - VNA còn đầu tư hệ thống lọc, khử An đê hít đảm bảo an toàn cho sản phẩm rượu thóc trước khi đến tay người tiêu dùng.

Nồng nàn men say rượu thóc La Pán Tẩn và bữa tối ấm áp tại Homestay cùng gia đình ông Giàng Súa Rùa giữa tiết trời đầu xuân dưới 10oc. 

Theo ông Sùng A Chua (Phó Chủ tịch UBND huyện): Với nguồn nguyên liệu (thóc) rất dồi dào do bà con sản xuất được, men lá tự làm từ các thảo mộc có sẵn ở rừng, có nguồn nước sạch từ các khe núi quanh năm chảy không bị ô nhiễm, chất đốt là các loại củi khô tận dụng trong rừng, không có chất thải ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường, bỗng rượu được tận dụng cho chăn nuôi... Đặc biệt, mỗi năm du khách trong và ngoài nước đổ về thưởng ngoạn Danh thắng Ruộng Bậc thang, bay cùng Dù lượn, trải nghiệm Homestay... ngay tại xã La Pán Tẩn cũng như huyện ngày thêm đông. Đây là những thuận lợi để Làng nghề nấu rượu thóc La Pán Tẩn được công nhận năm 2019 phát triển bền vững, góp phần mở mang sinh kế, cải thiện đời sống cho bà con và thúc đẩy du lịch huyện Mù Cang Chải cùng phát triển./.
Rượu thóc La Pán Tẩn được Công ty TNHH MCC – VNA lọc, khử An đê hít và ngâm ủ táo mèo Má Hồng thành các sản phẩm rượu có mẫu mã đẹp, chất lượng cao bày bán ở thị trấn huyện. Hiện công ty đã thử nghiệm sản xuất thành công rượu cốm từ nguyên liệu thóc nếp non rang thành cốm.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam