Ông Phan Anh Tú: 'CLB có thể cùng HLV Park thử nghiệm tiền đạo'

Thể thao, Thế thao quốc tế | 07:55:00 31/12/2020

Theo chuyên gia Phan Anh Tú, các CLB ở V-League và đội tuyển quốc gia có thể tránh được xung đột lợi ích về vị trí tiền đạo bằng cách chung tay bồi dưỡng những cầu thủ có tố chất săn bàn.

Công Phượng (trái) gây thất vọng khi đá chính trong trận gặp U22 Việt Nam chiều 27/12. Các tiền đạo khác của đội tuyển vào sân trận này, như Hà Đức Chinh, Văn Toàn, Phan Văn Đức cũng không ghi bàn. Ảnh: Minh Minh.

- Một trong những cách để giải quyết bài toán thiếu tiền đạo là đôn các cầu thủ ở tuyến dưới. Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo chưa từng áp dụng điều này, dù nhiều lần thử nghiệm tiền đạo ở các vị trí khác nhau, như Văn Toàn đá tiền vệ cánh hay Nhâm Mạnh Dũng sắm vai trung vệ ở đội U22. Theo ông, nguyên nhân vì đâu?

- Xếp một cầu thủ đá trái sở trường cần thời gian dài quan sát. Hãy tưởng tượng bạn là một nhạc trưởng. Nếu nhóm nhạc đang ổn, bạn đâu tự nhiên đi tìm thêm một vocal (giọng ca chính) làm gì. Chỉ khi giọng nữ chính có vấn đề, bạn mới bắt đầu quan tâm đến dàn bè, nhưng không phải cứ để ý là phát hiện ra ngay một giọng soprano đủ nội lực để thay thế. Bạn phải nghe rất nhiều, và chờ một ngày đẹp trời, chất giọng kia lên đúng nốt mình muốn nghe.

Tiền đạo giống như giọng hát chính của một ban nhạc. Đó là vị trí được chú ý nhất, có nhiều đất diễn nhất, và cũng đòi hỏi khắt khe nhất. Phát hiện tiền đạo giỏi khó tựa như săn một giọng ca quý. Ví dụ, một cầu thủ to khỏe, tì đè tốt, nhưng kỹ thuật bình thường thì chỉ hợp đá trung vệ. Một cầu thủ kỹ thuật, tốc độ tốt, nhưng thể hình hạn chế, sẽ thuận lợi hơn nếu đá biên. Ngay cả khi tất cả chỉ số hình thể, kỹ thuật đều tốt, nhưng thiếu chất quái, tiền đạo cũng không thể vươn tầm ngôi sao.

Từng nhiều năm theo dõi đội tuyển, tôi tin ông Park không phải không nghĩ đến thử nghiệm đẩy một cầu thủ tuyến dưới lên tiền đạo. Vấn đề có lẽ là chưa có nhân tố phù hợp, hoặc thực sự nổi trội so với những tiền đạo hiện có.

- Nhiều chân sút hàng đầu như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi bắt đầu sự nghiệp từ vị trí không phải tiền đạo. Sự so sánh là khập khiễng, nhưng đội tuyển Việt Nam liệu có thể mơ về một cầu thủ tuyến dưới tiến hóa thành tiền đạo giỏi không, trong bối cảnh như ông Park nói là thiếu tài năng?

- Yếu tố quyết định giúp Ronaldo và Messi thành tiền đạo giỏi là bẩm sinh họ có khả năng ghi nhiều bàn. Chỉ khi đảm bảo điều này, HLV mới trao cơ hội cho họ. Đó là quan hệ nhân - quả. Một cầu thủ không thể nghĩ chuyện sắm vai chính trên hàng công, nếu bản thân không dứt điểm tốt, nhạy cảm ghi bàn và di chuyển thông minh.

Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh, là Ronaldo và Messi tiến hóa trong màu áo CLB, chứ không phải đội tuyển. Với cầu thủ chuyên nghiệp, số trận thi đấu cho CLB hàng năm thường gấp ba đến bốn, thậm chí năm lần trên đội tuyển. Không thể mong một tiền vệ đá tốt tiền đạo nếu họ chỉ được tập huấn vài tuần, đá vài trận, rồi lại về thi đấu ở vị trí cũ ở CLB. Quá trình biến đổi, nếu có, phải diễn ra liên tục hàng ngày để họ có cảm giác không gian, và nảy sinh bộ kỹ năng phù hợp. Ví dụ như quả tung người vô-lê của Quang Hải trong trận gặp U22 Việt Nam. Nếu là một cầu thủ tuyến dưới, chắc chắn pha ấy phải đỡ lại rồi mới sút. Nhưng vì là cầu thủ tấn công, Quang Hải sút ngay và ghi bàn.

Thực tế, chuyện ông Park than thiếu tiền đạo giỏi, có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Tôi đã nghe nhiều phản biện từ phía cựu cầu thủ, HLV, và đúc rút là Việt Nam đang thiếu mẫu tiền đạo biết chơi trong thế trận áp đặt, giống kiểu Lê Huỳnh Đức trước đây. Trận gặp U22 Việt Nam phản ánh rõ điều ấy. Trước đàn em tích cực pressing, đội tuyển không tạo đủ áp lực trong cấm địa, thứ mà các tiền đạo biết che chắn, tì đè và chạm một tốt có thể làm được. Cách hiểu khác là đội tuyển thiếu bài tấn công trước những hàng thủ lùi sâu. Khi không gian bị bó hẹp, tiền đạo và tiền vệ phải có sự đồng điệu. Lúc tiền đạo phát hiện ra khoảng trống và chạy chỗ, tiền vệ cần chuyền chính xác, đúng nhịp di chuyển. Chỉ như vậy mới tạo ra được sự rối loạn cho đối phương.

Có một pha bóng như thế trong trận đấu tại Phú Thọ hôm 27/12. Xuân Trường chọc khe cho Hoàng Đức, để tiền vệ Viettel cài người sút xa. Trước khi mơ về những Ronaldo hay Messi, đội tuyển Việt Nam cần có nhiều hơn những pha bóng như vậy.

Diễn biến chính trận hòa 2-2 giữa đội tuyển và U22 Việt Nam.

- Nhân nói về Hoàng Đức, một cầu thủ có thể hình và dứt điểm đa dạng, tại sao HLV Park Hang-seo không thử nghiệm cầu thủ này đá tiền đạo trong trận đấu tập với U22 Việt Nam?

- Cầu thủ tấn công trên đội tuyển hiện nay, tính gộp cả tiền đạo lẫn tiền vệ có xu hướng tấn công, đều chỉ hợp với lối đá phòng ngự phản công. Hoàng Đức nằm trong số ấy. Đặt trong bối cảnh thử nghiệm, rõ ràng ông Park có lý khi ưu tiên những người sở trường đá tiền đạo, thay vì nhóm tiền vệ chơi "cùng màu".

Ở chiều ngược lại, xếp Hoàng Đức, Phan Văn Đức, hay một ai khác đá tiền vệ không có nghĩa là chối bỏ khả năng đẩy họ lên chơi cao hơn. Trận đấu giữa hai đội tuyển giống một cơ hội cho các tuyển thủ khai phá những tố chất tiềm ẩn. Tiền đạo được khuyến khích lùi sâu, tham gia xây dựng lối chơi. Tiền vệ băng lên chiếm khoảng trống dứt điểm. Và như nói ở trên, chính những CLB chủ quản sẽ dựa vào đấy để bật ra những ý tưởng. Đó mới là nơi quyết định xem một tiền vệ có thể trở thành tiền đạo giỏi hay không.

Nhiều CLB V-League hiện nay sử dụng hai tiền đạo ngoại, nhưng chắc chắn họ không thể đá "hai Tây" suốt mùa. Những tiền đạo nội hoàn toàn có thể lách được vào kẽ hở khi ngoại binh xuống phong độ, chấn thương, hoặc lúc CLB cần làm mới hàng công. Vấn đề chỉ là sự thông suốt từ trên xuống dưới. Cầu thủ nào được đội tuyển chấm, cần xác định rõ ràng mục tiêu, tạo tiền đề cho CLB xem xét thử nghiệm vào vị trí mới. Giữa đội tuyển và CLB nên có quan hệ tương hỗ, bởi đội tuyển muốn mạnh, giàu chiều sâu đều phải nhờ CLB.

- Vòng loại World Cup 2022 sắp đá trở lại. Ông có lo lắng không khi nhìn vào hàng công Việt Nam lúc này?

- Thú thực là không, bởi đội hình trong hai trận đấu tập vừa rồi chưa phải những con người ưu tú nhất. Bên cạnh đó, HLV Park cũng đã chủ động dự phòng phương án cho những trận đấu cần áp đặt. Đó là những tình huống sút xa từ tuyến hai, hoặc các pha bóng cố định.

Khác với CLB, đội tuyển không thể lý tưởng hóa mọi vị trí trên sân. Tây Ban Nha và Đức đều yếu tiền đạo, nhưng nhờ tuyến tiền vệ mạnh, họ vẫn lên ngôi ở Euro 2012 và World Cup 2014. Đội tuyển Việt Nam lúc này đã đóng đinh năm vị trí phòng ngự. Một nửa nhân sự còn lại sẽ được tùy biến dựa vào đối thủ. Trước mắt, ông Park vẫn còn ba tháng nữa để quan sát V-League mùa giải mới, trước khi chọn lựa đội hình đấu Malaysia. Chúng ta chưa yên tâm về hàng công nhưng cũng không thể đốt cháy giai đoạn, bởi phát hiện nhân tố mới vẫn là nhiệm vụ của CLB.

Thắng Nguyễn/vnexpress

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam