Phải hướng đến giá trị thực, đừng làm thất vọng

Du lịch | 10:20:00 25/07/2020

TNV - Hôm vừa rồi, có dịp đi ngang qua Nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhà ga vắng khách, không nhộn nhịp như trước bỗng thấy chạnh lòng.

Đại dịch Covid-19 không những gậy thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hàng triệu người trên thế giới, còn là nguyên nhân chính gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế, điển hình rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế hầu hết các quốc gia từ Âu sang Á ở tỷ lệ âm; du lịch, hàng không bị hạ gục không thương tiếc. Nhiều hãng hàng không trên thế giới đứng bên bờ vực phá sản.      

Đối với Việt Nam, ngành du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các hãnh hàng không Việt Nam cũng chịu chung số phận. Khi đất nước bước vào “trạng thái bình thường mới”, ngành du lịch cũng bắt đầu triển khai các gói kích cầu với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL phát động ngày 8/5 kéo dài đến 31/12/2020, nhằm kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19 là hướng đi đúng, kịp thời cứu vãn ngành du lịch nói chung, được Nhân dân ủng hộ.

Kế hoạch này đặt ra yêu cầu thu hút sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan đến du lịch nhằm khôi phục thị trường nội địa. Đồng thời, đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương.

Chương trình đòi hỏi sự tham gia tích cực của các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan đến du lịch. Trước mắt, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” sẽ được phát động tại một số địa bàn du lịch trọng điểm. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh, “chương trình kích cầu nội địa toàn quốc là hết sức quan trọng để khôi phục du lịch. Thời điểm này, kích cầu nên hướng tới kéo dài thời gian lưu trú của khách tại một điểm, hạn chế di chuyển, tập trung vào các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, sinh thái, khám phá văn hóa, lịch sử, ẩm thực… Nếu tất cả các địa phương đều tham gia kích cầu, cùng hy sinh và chia sẻ lợi ích chắc chắn sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách du lịch”.

Có thể khẳng định đến lúc này, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và nhanh chóng của hầu hết các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch trên phạm vi cả nước. Các tỉnh, thành phố, nhất là các địa bàn du lịch trọng điểm đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu như tổ chức các chương trình phát động, giới thiệu điểm đến an toàn, thân thiện, kết nối doanh nghiệp, hợp tác du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn với nhiều ưu đãi và mức giá hợp lý, một số doanh nghiệp tung ra các tour giám giá thu hút khách nội địa.

Chẳng hạn, với các hành trình từ Hà Nội, giá phòng khách sạn cao cấp đã giảm từ 30-50% so với giá thường; hay các combo cao cấp nghỉ dưỡng 3-4 ngày tại các khách sạn, resort 5 sao giảm từ 20-50%. Có công ty du lịch tung ra tour kích cầu với mức giảm giá tới 70% cho các gói combo du lịch từ Hà Nội tới Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt… (gồm vé máy bay, ở 3 ngày 2 đêm khách sạn từ 3 sao trở lên) chỉ từ 1,59 triệu đồng/người... áp dụng cho khách khởi hành từ 10/5 đến hết 31/12. Chương trình bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, thu hút nhiều khách du lịch nội địa, từng bước phục hồi hoạt động du lịch tại các địa phương.

Nhu cầu đi du lịch trong nước cho thấy du khách chủ yếu đi theo nhóm gia đình, khách hàng chuộng tour trọn gói ngắn ngày hoặc theo gói combo gồm dịch vụ vé máy bay, khách sạn, resort…tiêu chí đầu tiên là an toàn, sau đó là giảm giá trực tiếp. Có thể nói trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam, chưa bao giờ có cuộc đại khuyến mãi với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch như hiện nay. Đây là tín hiệu tích cực đáng mừng, bởi nguồn khách du lịch nội địa chính là “cái phao” để ngành dịch vụ du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, qua trải nghiệm một vài chuyến đi gần đây, chúng tôi nhận thấy lúng túng với những gói kích cầu mà không biết do thật có, ảo có; đã xuất hiện tình trạng chất lượng sản phẩm không đảm bảo, không đúng như cam kết với khách hàng, chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch như hạng sao được công nhận; thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, thậm chí có những công ty du lịch phải hủy tour do không đặt được vé máy bay, không đặt được khách sạn; một vài tuần trở lại đây vé máy bay, giá phòng nghỉ tăng cao, vé thăm quan giữ nguyên như trước đây so với mục tiêu của chương trình, đó là chưa nói đến giá cả ăn uống, cung cách phục vụ…làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách.

Một trong những vấn đề gây nhiều bức xúc hiện nay là tình trạng quá tải tại các sân bay, nhiều chuyến bay trong vài tuần qua trễ giờ, trễ chuyến, thậm chí quá cảnh ở sân bay khác trước khi về lại điểm đến, đơn cử như từ sân bay Côn Đảo tùy khung giờ phải đáp tạm sân bay Cần Thơ trước khi về tại sân bay Tân Sơn Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, gây thêm mệt mỏi cho du khách.     

Thiết nghĩ, các hãng bay, khách sạn, khu du lịch, tàu thuyền, nhà xe... cần tránh tình trạng lúc khó khăn, ế ẩm thì hô hào giảm giá nhưng khi có dấu hiệu hồi phục hoặc khách cần thuê thì dùng mọi cách để tăng giá. Đồng thời, việc kích cầu du lịch phải hướng đến giá thị thực của dịch vụ, tránh nâng lên hạ xuống, gây ra sự thất vọng cho du khách khi niềm hy vọng hồi phục vừa nhen nhóm.

Với mong muốn đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, đề nghị Tổng cục Du lịch chỉ đạo Sở quản lý du lịch các địa phương rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch. Đồng thời chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện tốt một số nội dung. Cụ thể như tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất; kịp thời thay thế, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc, thay mới các vật dụng đã cũ, không đảm bảo chất lượng.

Tổng cục Du lịch thường xuyên yêu cầu bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ở tất cả các bộ phận, các khâu phục vụ nhằm đáp ứng quy trình chuẩn trong phục vụ khách. Tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống tại địa phương; đảm bảo thông suốt đường dây nóng, kịp thời cung cấp thông tin, trả lời và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phải nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, giảm tình trạng chậm, huỷ chuyến bay; chủ động cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khắc phục những yếu kém, bất cập trong điều hành, sản xuất, kinh doanh bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của hành khách và doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Huy động tối đa nguồn lực, kể cả trưng dụng máy bay, bãi đỗ, nhà ga sân bay quốc tế nhằm phục vụ tốt nhất dịch vụ vận chuyển hiện nay.

Chương trình“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL phát động nhưng suy rộng ra chương trình mang nhiều ý nghĩa trong điều kiện kinh tế, xã hội và đời sống văn hóa tinh thần hiện nay, cho nên cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chung tay, tiếp sức đưa ngành du lịch Việt Nam phải hướng đến giá trị thực, đừng làm khách thất vọng, để rồi một ngày nào đó khi đại dịch covid-19 qua đi, thị trường du lịch quốc tế nhộn nhịp trở lại thì du khách Việt ngó lơ du lịch nội địa, hậu quả thật khó lường.

Nguyễn Ngọc 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam