Tác phẩm "Đời sống mới" của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giáo dục, rèn luyện thanh niên hiện nay

Lý luận trẻ | 09:02:00 05/08/2020

TNV - Xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn dành những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với thế hệ thanh niên. Theo đó, “Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên” (tháng 6 năm 1925) là tổ chức cách mạng đầu tiên Người thành lập, “Báo Thanh niên” (tháng 6 năm 1925) là tờ báo đầu tiên Người sáng lập ở trong nước với mục tiêu tập hợp, tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục, rèn luyện thanh niên. Trong “Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc” (tháng 01 năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[1]. Chính vì đề cao vị trí và vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nên Hồ Chí Minh luôn xác định công tác giáo dục, rèn luyện thanh niên Việt Nam là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Trong đó, nội dung giáo dục, rèn luyện thanh niên được thể hiện một cách chân thực, cụ thể qua tác phẩm “Đời sống mới” (1947) của Người. Tư tưởng về việc giáo dục, rèn luyện thanh niên trong “Đời sống mới” vẫn còn nguyên giá trị và có sức ảnh hưởng sâu sắc đến từng bước trưởng thành của thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay.

1. Nội dung giáo dục, rèn luyện thanh niên trong tác phẩm “Đời sống mới”

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, ác liệt; vượt lên những quan điểm đương thời là chỉ chú tâm đến vấn đề diệt “giặc đói”,“giặc ngoại xâm”, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác vận động nhân dân xây dựng đời sống mới và xem đó là biện pháp để từng bước giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức được tính ưu việt của chế độ mới, nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình đối với xã hội. Để chỉ đạo và động viên phong trào, ngày 20 tháng 3 năm 1947, dưới bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ra đời tác phẩm “Đời sống mới”. Tác phẩm được viết rất ngắn gọn dưới dạng hỏi - đáp, gồm 19 câu hỏi, chỉ rõ việc xây dựng đời sống mới trong các ngành, các cấp, các cơ quan, trường học, nhà máy, đơn vị bộ đội, làng xã cho tới từng gia đình và mọi thành viên trong xã hội…

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc năm 1956
tại Hà Nội.

Đời sống mới theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là cái gì với mục đích cao xa mà rất gần gũi: “Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc”[2]. Xây dựng đời sống mới chính là việc nhận diện cho được bản chất của sự vật, hiện tượng và ứng xử một cách hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, truyền thống và hiện đại như là quy luật kế thừa trong tất cả mọi lĩnh vực: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm...”[3]. Đặc biệt, việc xây dựng đời sống mới không phải là công việc có tính chất thời vụ, phong trào mà phải được thực hiện thường xuyên trong mọi thời điểm... Trong đó, nội dung giáo dục, rèn luyện cho “một người quốc dân Việt Nam, không kỳ giàu nghèo, già hay trẻ, gái hay trai”[4] nói chung và thanh niên nói riêng được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất, trong số những nội dung cần giáo dục, rèn luyện cho thanh niên, tinh thần yêu nước là nội dung được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu: “Một là sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì lợi cho nước phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước phải hết sức tránh”[5]. Việc sử dụng từ “sốt sắng” đã thể hiện được tính quan trọng, cần thiết phải thực hiện ngay, thực hiện cho bằng được công tác giáo dục, rèn luyện thế hệ thanh niên. Từ nỗi đau của một người thanh niên mất nước và từ kinh nghiệm rút ra trong những năm tháng bôn ba hoạt động ở nước ngoài; dù đứng trên cương vị nào, là một người thanh niên yêu nước hay là một vị lãnh đạo, Hồ Chí Minh luôn hiểu rõ rằng những cống hiến, những hy sinh của thế hệ thanh niên cho đất nước dù ở trong thời chiến hay trong thời bình sẽ không thể thực hiện được nếu như không có tình yêu tha thiết dành cho quê hương đất nước mình. Người đã từng viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[6].

Như vậy, tinh thần yêu nước là tài sản vô giá được hun đúc từ bao đời nay, là sức mạnh vĩ đại giúp một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam có thể đứng vững trước bao khó khăn, thách thức của lịch sử. Ngày nay, tinh thần ấy cần phải được khơi dậy và đề cao một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhận thức được “việc gì lợi”, “việc gì hại ”; nếu nhận thức sai thì việc “sốt sắng” thực hiện đó có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc cho đơn vị, địa phương mình, thậm chí là cho cả đất nước. Đặc biệt, đối với thanh niên - những người chủ tương lai của đất nước, nhận thức và kinh nghiệm sống còn non trẻ nên cần được giáo dục về tinh thần yêu nước một cách kỹ lưỡng và kịp thời. Giáo dục về tinh thần yêu nước là một “liều thuốc” hiệu nghiệm, góp phần định hướng tư tưởng cho một bộ phận thanh niên đang sống thiếu lý tưởng, thiếu niềm tin, thiếu lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, giáo dục, rèn luyện về tinh thần yêu nước cũng là động lực thúc đẩy năng lực học tập, tiếp thu tri thức, khả năng lao động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực của thanh niên vì sự phát triển ngày càng phồn vinh của đất nước.

Thứ hai, nội dung giáo dục, rèn luyện thanh niên quan trọng tiếp theo được Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm “Đời sống mới” là giáo dục về đạo đức, lối sống. Cha ông ta đã từng răn dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, một người trước hết phải có ý thức học tập và rèn luyện đạo đức là vậy. Một con người dù có trí tuệ cao siêu nhưng đạo đức, lối sống sai trái thì không phải là một con người hoàn thiện. Trong đó, đức tính đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn các thanh niên có được là tinh thần sống có ý thức, biết quan tâm, chia sẻ. “Hai là sẵn lòng công ích. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Thí dụ: Thấy một nhành gai nằm giữa đường, ta lấy vất đi, cho người khác khỏi dẫm phải. Thế cũng là công ích. Hy sinh tài sản giúp kháng chiến, đồng bào tản cư, di cư, cũng là công ích”[7]. “Sẵn lòng công ích” ở đây không phải đâu xa xôi mà bắt nguồn từ những hành động, việc làm nhỏ bé như ủng hộ sách vở, quần áo cũ cho những học sinh vùng khó khăn có điều kiện đến trường; giúp đỡ những cụ già neo đơn… Nhiều việc nhỏ góp lại sẽ mang đến sức mạnh “to”, những hành động nhỏ là nền tảng cho nhiều hành động “lớn” sau này.

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn thanh niên: với đồng bào “thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ”[8]; với đất nước thì sẵn sàng cống hiến, hy sinh. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Đại học Nhân dân Việt Nam, Người đã nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà!”[9]. Lời chỉ dạy của Bác nhẹ nhàng mà sâu sắc bao nhiêu. Trong “Di chúc” để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”[10]. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một bộ phận thanh niên chạy theo lối sống ích kỷ, cá nhân, thực dụng. Vì vậy, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”[11]. Những lời chỉ dạy đó của Người quả thực rất sâu sắc, đồng thời cũng vô cùng thiết thực đối với thế hệ thanh niên ngày nay.

Đức tính tiếp theo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên là sự khiêm tốn, thật thà: “Mình hơn người thì chớ kiêu căng. Người hơn mình thì chớ nịnh hót. Thấy của người thì chớ tham lam. Đối của mình thì chớ bủn xỉn”[12]. Trong đó, khiêm tốn nghĩa là không khoe khoang, không tự đề cao mình mà coi thường người khác; thật thà là không gian dối, luôn ngay thẳng, luôn nói đúng sự thật. Thay vì chỉ biết “kiêu căng”, tự cho mình là trên hết, chỉ biết “nịnh hót”, ganh ghét rồi tìm cách phá hoại người khác, hãy khiêm tốn, biết nhìn nhận những cái hơn, cái hay của người khác làm động lực phấn đấu, hoàn thiện bản thân mình. Đối với thanh niên, điều này rất quan trọng, bởi nếu không vượt qua được cám dỗ sẽ rất dễ sa ngã, lâm vào các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, về tác phong, cách ăn mặc, thanh niên cũng phải chú ý “sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe loẹt”[13]. Tùy thuộc vào môi trường, hoàn cảnh tham gia, thanh niên nên lựa chọn trang phục sao cho phù hợp, không nên “đầu tư trau chuốt quá đáng” mà quan trọng là phải tiết kiệm, giản đơn. Điều này không chỉ biểu hiện tác phong nghiêm túc, thanh lịch của người mặc mà còn thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với mọi người xung quanh, với hoạt động mà bản thân tham dự.

Thứ ba, một nội dung giáo dục, rèn luyện thanh niên quan trọng nữa mà Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm “Đời sống mới” là thái độ học tập, làm việc. Trong đó, đối với thái độ học tập, thanh niên phải: “Biết ham học. Trước hết là học làm chữ, học làm tính. Biết chữ, biết tính, thì làm việc gì cũng đều dễ dàng hơn... Biết rồi, ta học thêm”[14]. Kho tàng tri thức của nhân loại vô cùng phong phú, còn rất nhiều điều phải học, càng học nhiều càng tiến bộ nhiều. Do đó, bên cạnh việc học tập tại nhà trường, thanh niên cần nêu cao tinh thần tự học, phải biết tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để học: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”[15]. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm trung tâm, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Bên cạnh đó, để việc học thực sự hiệu quả, phải biết kết hợp giữa học và hành, phải vận dụng một cách sáng tạo, hợp lý những kiến thức được trang bị vào thực tiễn cuộc sống. Có như vậy, thanh niên mới hình thành được một thái độ học tập đúng đắn và tích cực. Đề cao việc học tập cũng là một phương thức thể hiện năng lực làm “chủ” của thanh niên bởi muốn làm “chủ” xã hội thì phải có trình độ, tư duy, năng lực, kiến thức... Điều đó đòi hỏi phải không ngừng rèn luyện và đặc biệt là phải có tinh thần “ham học”.

Đối với thái độ làm việc, thanh niên phải: “Siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối”[16]. Theo đó, Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải tận dụng tối đa thời gian làm việc, không đi muộn về sớm; phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao; phải trung thực, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp trong thực hiện công việc chung; phải thực hành tiết kiệm, bảo vệ tài sản công… Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cần có lao động, lao động trí óc và lao động chân tay… Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa… Lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay”[17]. Đối với thanh niên - lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới, giáo dục để nâng cao ý thức, năng lực lao động sản xuất lại càng quan trọng bởi lao động sản xuất là động lực giúp thanh niên ngày càng trưởng thành, đồng thời là điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Như vậy, thanh niên dù ở điều kiện hoàn cảnh nào, dù làm công việc gì cũng đều cần được giáo dục, rèn luyện một cách chu đáo và toàn diện. Giáo dục, rèn luyện thanh niên theo tinh thần “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là bắt nguồn từ những điều cơ bản nhất để trở thành một con người phát triển toàn diện về “chân, thiện, mỹ”, trở thành một thanh niên có lối sống “mới” phù hợp với sự phát triển không ngừng của thời đại.

2. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục, rèn luyện thanh niên hiện nay

Nội dung giáo dục, rèn luyện về tinh thần yêu nước, đạo đức, lối sống, thái độ học tập, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các thế hệ người Việt nói chung và lực lượng thanh niên nói riêng đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động cho Đảng, Nhà nước và toàn dân. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm thứ sáu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra là: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc…”[18].

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên
xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc 
tháng 01 năm 1967.

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030 cũng khẳng định: “Trong thời gian tới, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật, có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[19].

Để ngày càng nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động, vai trò của mỗi đoàn viên thanh niên và tổ chức Đoàn, đồng thời để vận dụng có hiệu quả những nội dung về việc giáo dục, rèn luyện thanh niên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, cần tập trung thực hiện:

Thứ nhất, người đứng đầu tổ chức Đoàn phải gương mẫu thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời phải nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Có được một tổ chức vững chắc thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục thanh niên đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, công tác giáo dục thanh niên cần được đổi mới không ngừng về nội dung và hình thức, không chỉ gần gũi, sinh động mà còn phải phù hợp với môi trường làm việc của đoàn viên thanh niên; phải gắn liền với việc học tập các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phải gắn bó mật thiết với hoạt động chuyên môn của thanh niên.

Thứ ba, các phong trào thi đua học tập, lao động, sản xuất cần được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy trí tuệ, lòng say mê và khả năng sáng tạo của thế hệ thanh niên.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, thời cơ xen lẫn thách thức, tư tưởng quý báu về việc giáo dục, rèn luyện thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Học tập, thấm nhuần và vận dụng một cách phù hợp những chân lý đó sẽ giúp cho thế hệ thanh niên Việt Nam có thêm niềm tin và sức mạnh để sống, để lao động và cống hiến theo tấm gương vĩ đại của Người.

-----------------------------------------------------------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H, 2011, tr. 194.

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 113.

[3] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 112, 113.

[4] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 117.

[5] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 117.

[6] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr. 38.

[7] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 117.

[8] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 117.

[9] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 9, tr. 265.

[10] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 15, tr. 612.

[11] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 15, tr. 612.

[12] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 117.

[13] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 117.

[14] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 117.

[15] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 361.

[16] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr. 117.

[17] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr. 400.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H, 2016, tr. 219.

[19] Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/van-kien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu/chi-thi/doc-4925201511394146.html.

CN Phạm Thị Hồng Ngân - Học viện Chính trị khu vực III

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam