Thông tin mới về dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương 16.407 tỷ đồng

Bất động sản | 09:57:46 19/01/2022

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về việc thẩm định, có ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức đối tác công tư, theo đề nghị của Liên danh nhà đầu tư T&T Group JSC – FUTA Group – Phương Thành.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh, qua rà soát nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Liên danh nhà đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều ý kiến có liên quan.

Ảnh minh họa

Cụ thể, dự án xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương thuộc một phần cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có tổng chiều dài khoảng 73,64 km với sơ bộ tổng mức đầu tư cho cả 2 giai đoạn là 16.407 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án dự kiến giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2035 – 2036.

Dự án có địa điểm thực hiện tại thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng. Trong đó, điểm đầu của dự án thuộc địa phận phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc (tiếp nối với cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc) và điểm cuối của dự án thuộc địa phận xã Hiệp Thành, huyện Đức Trọng (giao với cao tốc Liên Khương – Prenn).

Theo 2 giai đoạn, dự án có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 716,69 ha. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp (đối tượng là rừng sản xuất, nguồn gốc là rừng trồng) là 3,07 ha và đất trồng lúa khoảng 8,61 ha.

Viện dẫn một số quy định của pháp luật có liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng dự án cần rà soát, đánh giá cụ thể đối với trường hợp có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặt dụng (thuộc khu vực xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng).

Ngoài ra, dự án xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương cần khảo sát, đánh giá cụ thể hướng tuyến, tránh đi qua khu vực dân cư hiện hữu; có ý kiến của cơ quan chức năng khi ảnh hưởng đến việc sử dụng đất quốc phòng; đất lâm nghiệp do Viện khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; ảnh hưởng đến dự án Khu công nghiệp Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (thuộc dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng);…

Chưa hết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, cần cập nhật dự án nêu trên (nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư) vào Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Lâm Đồng theo từng giai đoạn dự án. Đồng thời trình Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để làm cơ sở thực hiện các thủ tục về đất đai liên quan theo quy định.

Phấn đấu khởi công dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc vào tháng 10/2022

Ngày 1/1/2022, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc về dự án xây dựng đường bộ Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư PPP.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, đến nay tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương với tổng chiều dài 140 km.

Để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ NN&PTNT trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và thẩm định chuyển mục đích sử dụng rừng của các dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm triển khai đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đồng bộ với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc,...

 

 

 

Lê Phước Bình

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam