Thông tin tổng quan huyện Chương Mỹ (Hà Nội)

Bất động sản | 16:40:26 20/05/2022

Huyện Chương Mỹ nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội có địa hình đa dạng, nhiều làng nghề truyền thống và danh lam thắng cảnh đẹp. Với quỹ đất dồi dào, tỷ lệ đô thị hóa cao, giao thương thuận lợi với các khu vực xung quanh, thông tin quy hoạch huyện Chương Mỹ Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản.

1. Vị trí địa lý

Là một huyện thuộc Thủ đô Hà Nội, huyện Chương Mỹ cách trung tâm thành phố khoảng 15 - 20km về phía Tây Nam. Địa hình của huyện khá đa dạng, được chia lam ba vùng gồm vùng bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng bãi ven sông đáy. Vị trí địa lý của huyện Chương Mỹ được giới hạn như sau:

  • Phía Bắc huyện Chương Mỹ giáp huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.

  • Phía Nam huyện Chương Mỹ giáp các huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

  • Phía Đông huyện Chương Mỹ quận Hà Đông, huyện Thanh Oai với sông Đáy là ranh giới tự nhiên.

  • Phía Tây huyện Chương Mỹ giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Với vị trí địa lý thuận lợi, huyện Chương Mỹ có lợi thế về giao thương buôn bán với các khu vực khác thuộc TP. Hà Nội cũng tỉnh thành lân cận. Địa hình đa dạng với đặc trưng của cả vùng đồng bằng châu thổ, vùng bán sơn địa và hệ thống sông Tích, sông Đáy, sông Bùi bao quanh tạo cảnh quan đẹp, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...

2. Hành chính huyện Chương Mỹ

Được sáp nhập vào TP. Hà Nội năm 2008, huyện Chương Mỹ có tổng diện tích đất tự nhiên là 287,9 km2, quy mô dân số khoảng 330.000 người (số liệu năm 2019), mật độ dân số 1.167 người/km2.

Chương Mỹ hiện có 32 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 thị trấn Xuân Mai, Chúc Sơn và 30 xã: Văn Võ, Trường Yên, Trung Hòa, Trần Phú, Thượng Vực, Thụy Hương, Thủy Xuân Tiên, Thanh Bình, Tốt Động, Tiên Phương, Tân Tiến, Quảng Bị, Phụng Châu, Phú Nghĩa, Phú Nam An, Ngọc Hòa, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Lam Điền, Hữu Văn, Hợp Đồng, Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu, Hòa Chính, Đồng Phú, Đồng Lạc, Đông Sơn, Đông Phương Yên, Đại Yên.

Bản đồ hành chính huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội
Bản đồ hành chính huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội

Về lịch sử hình thành, thời kỳ đầu dựng nước, đất Chương Mỹ trực thuộc quận Giao Chỉ. Đến thời Lý Trần, Chương Mỹ thuộc Châu Quốc Oai (sau đó là lộ Quốc Oai, lộ Ứng Thiên). Trấn Quốc Oai năm 1397 được Hồ Quý Ly đồi thành trấn Quảng Oai, gồm cả phần đất Chương Mỹ. Đến thời Lê Thánh Tông, toàn quốc có 13 đạo thừa tuyên, trong đó đạo Sơn Nam và Sơn Tây có đất Chương Mỹ.

Năm 1888, triều Nguyễn chia đạo Mỹ Đức làm hai vùng vùng, gồm vùng người Mường nhập vào tỉnh Phương Lâm, Hòa Bình; vùng người Kinh chia thành 2 huyện Chương Mỹ và Yên Đức. Ngày 01/44/1888 được lấy làm mốc lịch sử hình thành huyện Chương Mỹ. Sau đó, trải qua nhiều lần tách, nhập và hợp nhất tỉnh, huyện Chương Mỹ từng là huyện của tỉnh Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây.

Vào ngày 01/08/2008, Chương Mỹ chính thức trở thành một huyện của Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII với 32 đơn vị hành chính trực thuộc như hiện nay.

3. Kinh tế

Lĩnh vực mũi nhọn trong nền kinh tế của huyện Chương Mỹ là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản. Tính đến tháng 03/2022, toàn huyện có 711 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, cùng với đó là trên 8.000 cơ sở sản xuất cá thể đang hoạt động.

Báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ cho biết, trong quý 1/2022, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 3.380 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tới 2.350 tỷ đồng, xây dựng cơ bản là 1.480 tỷ đồng.

Lĩnh vực dịch vụ, thương mại của huyện tiếp tục được duy trì, phát triển ổn định trong 3 tháng đầu năm 2022. Toàn huyện có 1.001 doanh nghiệp và trên 7.000 cơ sở cá thể kinh doanh dịch vụ, thương mại. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Chương Mỹ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua. Nhìn chung, nền kinh tế huyện đang từng bước dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Trên địa bàn huyện hiện có nhiều cụm, khu công nghiệp đã và đang hình thành, đi vào hoạt động như Khu công nghiệp Nam Tiến Xuân, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Cụm công nghiệp Ngọc Sơn, Đồng Sen, Đồng Đế... thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo nguồn thu lớn cho địa phương, mang lại công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các làng nghề cũng góp phần thay đổi diện mạo địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại Chương Mỹ, có 27 làng nghề làm mây tre đan và mây tre giang đan xuất khẩu. Làng nghề mây tre đan Chương Mỹ được đánh giá làm ột trong những cụm làng nghề lớn nhất TP. Hà Nội. Các sản phẩm này chủ yếu tập trung tại cá xã Trung Hòa, Đông Phương Yến, Đông Sơn, Trường Yến, Phú Nghĩa...

Làng nghề nón (5 làng) lại ở huyện Chương Mỹ cũng khá nổi tiếng, tập trung tại các xã Phú Vinh, Tiên Phương, Đồng Phú, Đông Phương Yên và Văn Võ. Ngoài ra còn có làng điêu khắc đá (1 làng), làng chế biến nông sản (1 làng), làng nghề thêu (1 làng), làng nghề mộc dân dụng, điêu khắc và dựng nhà cổ thôn Phúc Cầu (Thụy Hương).

>>> Xem thêm:

  • Tổng quan huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội

  • Tổng quan huyện Mê Linh, TP. Hà Nội

Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội nhìn từ trên cao
Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội

4. Hạ tầng giao thông

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ, hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện với đa dạng loại hình gồm cả đường bộ, đường sắt, giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu di chuyển, giao thương của người dân và góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày một phát triển.

Đường bộ huyện Chương Mỹ

Những tuyến đường liên vùng quan trọng trên địa bàn Chương Mỹ gồm đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 21A và nhiều tuyến đường đô thị khác kết nối huyện với với các quận, huyện khác của TP. Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Tỉnh lộ 419 (đường 80 cũ) là tuyến đường có ý nghĩa với cả khu vực phía Tây Thủ đô, kết nối nhiều huyện thuộc khu vực hành lang xanh Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ.

Tỉnh lộ 421B (đường 81 cũ) với điểm bắt đầu từ Sài Sơn - Quốc Oai đến Xuân Mai, Chương Mỹ dài 17km; Tỉnh lộ 429 (đường tỉnh 73 cũ) bắt đầu từ Phú Minh - Phú Xuyên tới Miếu Môn - Chương Mỹ dài 31,7km kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 21A (đường Hồ Chí Minh) theo hướng Đông Tây.

Cùng với đó là các dự án đường bộ kết nối huyện Chương Mỹ với trung tâm Thủ đô như đường Tôn Thất Tùng kéo dài, đường Tố Hữu kéo dài. Huyện cũng đang triển khai đầu tư các tuyến đường như Hà Đông - Xuân Mai, đoạn ngoài đường Vành đai 4, Khu đô thị sinh thái Chúc Sơn, Khu đô thị nhân tạo Xuân Mai.

Đường sắt trên cao

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch kéo dài đường sắt đô thị 2A Hà Nội, tức tuyến Cát Linh - Hà Đông tới Xuân Mai với chiều dài khoảng 20km, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn.

Giao thông công cộng huyện Chương Mỹ

Từ Chương Mỹ tới bến xe Yên Nghĩa chỉ 5km nên mật độ các xã được tiếp cận hệ thống xe buýt cao. Tính đến năm ngoái, có hơn 13 tuyến buýt hoạt động đi qua địa bàn huyện. Đồng thời, trên địa bàn huyện cũng có nhiều xe buýt di chuyển tới các khu di tích, danh lam thắng cảnh lớn.

Điểm đầu cuối và trung chuyển: Xuân Mai (71B, 87, 88, 115); Khu công nghiệp Phú Nghĩa (57, 116); Chương Mỹ (37).

Các tuyến xe buýt hoạt động gồm xe 37 (bến xe Giáp Bát - Chương Mỹ), 57 (Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa), 71B (bến xe Mỹ Đình - Xuân Mai), 72 (bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai), 81 (Xuân Mai - bến xe Hương Sơn), 87 (bến xe Mỹ Đình - Quốc Oai - Xuân Mai), 88 (bến xe Mỹ Đình - Hòa Lạc - Xuân Mai), 102 (bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình), 114 (bến xe Yên Nghĩa - Miếu Môn), 115 (thị trấn Vân Đình - Xuân Mai), 116 (Yên Trung - KCN Phú Nghĩa), 124 (bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - thị trấn Kim Bài), 05 (TP. Hòa Bình - bến xe Yên Nghĩa), CNG07 (bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức)

5. Văn hóa 

Nổi tiếng là vùng đất "địa linh nhân kiệt", huyện Chương Mỹ giàu truyền thống văn hóa và truyền thống hiếu học từ xưa tới nay. Huyện có nhiều danh nhân, danh tướng khoa bảng từ các triều đại xưa và cả những nghệ sỹ nổi tiếng thời hiện đại như Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn (quê xã Thụy Hương) là tài năng của nền âm nhạc Việt Nam. Danh họa Nguyễn Gia Trí (quê xã Trường yên) được xem là bậc thầy của nền hội họa nước nhà.

Trên địa bàn huyện có nhiều đền, chùa, đình, miếu đẹp, có giá trị về văn hóa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật như chùa Trầm, chùa Trăm gian, chùa Hòa Tinh, chùa Sấu, đình Yên Khê, đình Ninh Sơn, đình Nội... Vào thang 1, tháng 2 Âm lịch, phần lớn các đình, chùa trên địa bàn huyện đều mở hội đầu xuân, tạo nét văn hóa đặc trưng, giàu giá trị nhân văn.

Toàn huyện có 374 di tích, trong đó gồm 138 di tích cấp thành phố, 32 di thích cấp quốc gia, 11 di tích gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng và 01 di sản văn hóa vật thể quốc gia. 

6. Giáo dục

Công tác giáo dục của huyện Chương Mỹ luôn được đầu tư chú trọng với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học các cấp không ngừng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn huyện. Tính đến năm 2021, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 90 trường, đạt tỷ lệ 81,1%.

Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn huyện gồm: Đại học Lâm nghiệp; Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao; Trường Sĩ quan Đặc công; Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây; Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc bộ; Trường trung cấp Cảnh sát Vũ Trang.

Danh sách một số trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Chương Mỹ

STT Trường Tiểu học Trường THCS Trường THPT
1 Tiểu học Xuân Mai A THCS Xuân Mai A THPT Lâm Nghiệp 
2 Tiểu học Xuân Mai B THCS Xuân Mai B THPT Ngô Sĩ Liên
3 Tiểu học Trường Yên THCS Văn Võ THPT Nguyễn Văn Trỗi
4 Tiểu học Trung Hòa THCS Chúc Sơn THPT Chúc Động
5 Tiểu học Trần Phú A THCS Trường Yên THPT Đặng Tiến Đông
6 Tiểu học Trần Phú B THCS Trung Hòa THPT Xuân Mai
7 Tiểu học Tiên Phương THCS Trần Phú THPT Chương Mỹ A
8 Tiểu học Chúc Sơn A THCS Tân Tiến THPT Chương Mỹ B
9 Tiểu học Chúc Sơn B THCS Thanh Bình  
10 Tiểu học Đại Yên THCS Thượng Vực  
11 Tiểu học Đồng Lạc THCS Thụy Hương  
12 Tiểu học Đông Phú THCS Thủy Xuân Tiên  
13 Tiểu học Đông Phương Yên THCS Tốt Động  
14 Tiểu học Đông Sơn THCS Tiên Phương  
15 Tiểu học Hòa Chính THCS Quảng Bị  
16 Tiểu học Mỹ Lương THCS Phụng Châu  
17 Tiểu học Hồng Phong THCS Phú Nghĩa  
18 Tiểu học Lương Mỹ A THCS Hoàng Văn Thụ  

7. Y tế

Hệ thống y tế huyện Chương Mỹ gồm Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ tại số 120 khu Hòa Sơn, thị trấn Chúc Sơn; Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ; trung tâm y tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Chương Mỹ; Phòng khám đa khoa khu vực Lương Mỹ; Phòng khám đa khoa khu vực Xuân Mai. Tại các xã, thị trấn thuộc huyện đều có trạm y tế.

Cùng với đó là hệ thống các phòng khám tư nhân, nhà thuốc/quầy thuốc tư nhân khác đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

8. Phát triển đô thị

Chương Mỹ là một trong những huyện của Thủ đô có tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều dự án lớn, khu đô thị, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm đã và đang được xây dựng. Sân golf, khu nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn du khách từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, mang lại nguồn thu cho ngành du lịch Chương Mỹ nói riêng và Hà Nội nói chung.

Các khu đô thị nổi bật trên địa bàn huyện gồm: Khu đô thị khu đô thị Làng Thời Đại, Xuân Mai; Khu đô thị sinh thái Chúc Sơn; Khu đô thị Dreamhouse Phụng Châu 8; Khu đô thị Dreamhouse Phụng Châu 12; Khu đô thị Lộc Ninh Singashine, Chúc Sơn; Khu đô thị thông minh Xuân Mai; Khu đô thị The Spring Town Xuân Mai, Xuân Mai. Các dự án bất động sản, nhà ở, khu đô thị cải thiện diện mạo đô thị Chương Mỹ từng ngày.

Theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Chương Mỹ đến năm 2030, hai khu vực đô thị Chúc Sơn và Xuân Mai được chú trọng phát triển. Khu vực đô thị của huyện được chia thành hai phân vùng như sau:

- Phân vùng 1 là thị trấn sinh thái Chúc Sơn, nơi đây được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa, đào tạo, công nghiệp trọng điểm, nghỉ dưỡng của huyện Chương Mỹ. Đóng vai trò là cửa ngõ giao thông phía Tây Nam của đô thị trung tâm TP. Hà Nội.

- Phân vùng 2 là đô thị vệ tinh Xuân Mai tọa lạc ở phía Tây Nam TP. Hà Nội, tiếp giáp với các tỉnh Tây Bắc. Theo quy hoạch, phân vùng này là trung tâm kinh tế, đô thị, giáo dục, công nghiệp trọng điểm của huyện Chương Mỹ.

Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ từ trên cao
Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ từ trên cao

9. Thị trường bất động sản huyện Chương Mỹ

Với quỹ đất dồi dào, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tập trung nhiều khu - cụm - điểm công nghiệp, thị trường bất động sản Chương Mỹ hấp dẫn dòng tiền đầu tư đến từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, từ cuối năm 2021, thông tin về dự án cải tạo Quốc lộ 6 và hàng loạt dự án hạ tầng giao thông khác được khởi công vào đầu năm 2022 đã khiến mặt bằng giá nhà đất Chương Mỹ rục rịch tăng lên.

Từ cuối năm 2021, đất thổ cư tại các xã Tiên Phương, Thụy Hương, Lam Điền, Phụng Châu tăng gấp đôi từ mức giá trên dưới 10 triệu đồng/m2 trước đây lên 20 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư ồ ạt đổ về đây săn đất, các văn phòng công chứng trên địa bàn làm việc hết công suất. Tại xã Tiên Phong, đất đồi được rao bán với giá trên 10 triệu đồng/m2. Đất thổ cư tại các xã phía Nam của huyện như Văn Võ, Hoàng Diệu, Thượng Vực hiện cũng tăng giá gấp 2 - 3 lần, từ mức giá trên dưới 4 triệu đồng/m2.

Những tháng đầu năm 2022, đất nông nghiệp Chương Mỹ tại các vị trí tiếp giáp trục đường sắp mở cũng tăng giá, từ mức 500 nghìn đồng/m2 lên cả triệu đồng/m2. Biển quảng cáo mua bán đất thổ cư, đất nông nghiệp nhan nhản khắp đường làng ngõ xóm. Cơn sốt đất Chương Mỹ chỉ hạ nhiệt khi chính quyền TP. Hà Nội có chính sách mới siết phân lô tách thửa.

Theo thống kê mới nhất của Batdongsan.com.vn, giá rao bán đất tại Chương Mỹ tăng từ 30 - 40%, từ mức trung bình 13 triệu đồng/m2 lên mức 28 - 33 triệu đồng/m2, cá biệt một số nơi như thị trấn Chúc Sơn xấp xỉ 50 triệu đồng/m2.

Hạ tầng giao thông kết nối huyện Chương Mỹ với khu vực trung tâm Hà Nội ngày càng được nâng cấp, cải thiện nên rào cản địa lý vùng ven không còn đáng lo ngại. Thị trường nhà đất nơi đây vì thế cũng trở nên hấp dẫn hơn với dư địa tăng trưởng lớn.

Lam Giang (TH)

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam