Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam

Thời sự, Kinh tế | 08:58:00 13/09/2019

TNV - Nhằm thúc đẩy ngành khí phát triển ổn định, bền vững thông qua các giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giúp các doanh nghiệp kinh doanh khí nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam” vào sáng ngày 12 tháng 9 tại Hà Nội.

Luôn gắn với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường năng lượng Việt Nam và dầu khí nói chung năm giữ nhiều vai trò quan trọng. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước dần không thể đáp ứng được nhu cầu và có cơ chế cho những sản phẩm nhập khẩu.

Hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam” diễn ra vào sáng 12/9 tại Hà Nội.

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển bên cạnh những thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít bất cập và khó khăn. Hiện tại, thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Tuy vậy, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới. Thị trường khí Việt Nam hiện đang kinh doanh các sản phẩm khí chủ yếu như: Khí thiên nhiên; LPG (Liquefied Petroleum Gas - Khí đốt hóa lỏng); LNG (Liquefied Natural Gas – Khí thiên nhiên hóa lỏng), CNG (Compressed Natural Gas – Khí nén thiên nhiên)… Thị trường khí Việt Nam chủ yếu vẫn đang phát triển giữa mô hình cạnh tranh khai thác khí và mô hình cạnh tranh bán buôn và một phần nhỏ khí qua chế biến đã phát triển việc bán lẻ.  

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Giai đoạn 2000 - 2010, Thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 10%, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay. Phần lớn các phát hiện khí của Việt Nam được tìm thấy ở thềm lục địa phía Nam và sản lượng khí khai thác chiếm hầu như toàn bộ thị trường.

Thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1991 với sản lượng chỉ khoảng 400 tấn. Năm 1998, nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố đi vào hoạt động thì thị trường LPG Việt Nam không còn bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đến năm 2018, sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2,1 triệu tấn, nguồn cung trong nước đạt 989 nghìn tấn chiếm gần 50 %.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nhu cầu tiêu thụ năng lượng và sản lượng khai thác khí chưa tương ứng, ông Phùng Văn Sỹ, Vụ Dầu Khí và Than, Bộ Công thương cho biết: Từ 2020 nguồn cung cấp khí trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu. Dự kiến trong thời gian tới lượng khi nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ liên tục tăng theo thời gian. Từ giai đoạn từ 2021 - 2025 dự kiến sẽ từ 01 - 04 tỷ m3/năm và từ 2026 - 2035 có thể tăng lên 6 - 10 tỷ m3/năm. Cùng với đó, các vấn đề về nhập khẩu còn nhiều khó khăn về chính sách, quản lý giá, các kho trữ khí hiện mới đang trong giai đoạn xây dựng, bến bãi, kho cảng…

Hội thảo cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khícùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai nhằm phát huy hết tiềm năng phát triển thị trường khí của Việt Nam.

T.H

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam