Tọa đàm về quảng cáo và thương mại điện tử trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số Điều của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Doanh nhân, | 14:17:00 10/12/2019

TNV - Ngày 10/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Tọa đàm về quảng cáo và thương mại điện tử trong Dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Tham dự Tọa đàm có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội có liên quan, các chuyên gia kinh tế. pháp luật cùng đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia và một số cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương. Tọa đàm lần này là dịp để các cơ quan ban/ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi, góp ý về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác của hại rượu, bia nhằm góp phần đảm bảo tính khả thi của Nghị định và tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về  một số quy định trong dự thảo Nghị định chưa đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, chưa đảm bảo tính nhất quán với Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Với các quy định về quảng cáo: Quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời, các đại biểu đề nghị lựa chọn quy định: Bảo đảm khoảng cách tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục, khuôn viên cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi, trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia. Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời đặt trong phạm vi trên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng về việc đặt quảng cáo đó hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.

Về quy định: “Quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia”, các đại biểu đề nghị chọn quy định: Có một trong các nội dung cảnh báo: "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia".

Tại Hội thảo các đại biểu đề nghị xem xét thêm nội dung mà tất cả các cảnh báo trước đây đều có ghi: “Đã uống rượu, bia không lái xe” để có thể sử dụng được cảnh báo này. Một số đại biểu đưa ra ý kiếnquy định diện tích cảnh báo chiếm từ 5-7%diện tích quảng cáolà phù hợp.

Về quy định Quảng cáo rượu, bia đã được đăng tải không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng, các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng, các đại biểu đề nghị xem xét, không quy định nội dung này trong dự thảo Nghị định, vì:Quy định này mâu thuẫn với Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cho phép việc quảng cáo bia trên phương tiện kỹ thuật số;Mâu thuẫn với Luật Quảng cáo vì bia không phải là sản phẩm cấm quảng cáo được quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012…

Các đại biểu cũng đề nghị xem xét bỏ quy định: Có ứng dụng khai báo tên, tuổi trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin và khai báo tên người mua, địa chỉ cư trú của người mua, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trước khi giao dịch vì việc yêu cầu khai báo thông tin trước khi người dùng truy cập website không có ý nghĩa trong việc kiểm soát thông tin người dùng, do không có cơ sở để xác thực thông tin nếu người dùng khai báo thông tin không đúng. Ngoài ra hiện này có một yếu tố quan trọng là, các quy định về bảo vệ “thông tin cá nhân” còn chưa chặt chẽ, có nhiều thông tin cá nhân bị đánh cắp, bị giả mạo, bị lạm dụng vì mục đích thương mại hoặc những mục đích không lành mạnh khác.

Tại Tọa đàm. Có đại biểu đề nghị xem xét bỏ quy định: “Có ứng dụng bảo đảm ngăn chặn quảng cáo rượu, bia trên website thương mại điện tử của mình liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng, các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng.” và: “Không được đặt các đường dẫn trên website thương mại điện tử của mình cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia khác”. Các đại biểu cho rằng những quy định này trong dự thảo được hiểu tương tự như cấm bán bia bằng thương mại điện tử và cấm quảng cáo bằng phương tiện kỹ thuật số. Điều này mâu thuẫn với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (cho phép bán bia bằng thương mại điện tử và quảng cáo bằng kỹ thuật số theo các điều kiện tối thiểu nhất định) và mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ: "Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện phát triển công nghệ 4.0 để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia”; đồng thời cũng không phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh là “Tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch”. Hơn nữa, khi xem xét thông lệ quốc tế, đặc biệt là ngay cả ở các thị trường phát triển hơn với các ngành thương mại điện tử đặc biệt phát triển (ví dụ: các nước trong khối Châu Âu, ASEAN,…) cũng chưa phổ biến áp dụng các điều kiện hạn chế về quảng cáo kỹ thuật số và các điều kiện về thương mại điện tử như trong quy định của dự thảo Nghị định. Trong bối cảnh chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung của Việt Nam vẫn ở mức trung bình - Nếu những quy định này của dự thảo đưa vào áp dụng - có thể sẽ là bước thụt lùi của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét thêm việc quy định các địa điểm không được uống rượu, bia trong dự thảo Nghị định để bảo đảm tính khả thi và loại bỏ quy định “cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet” được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để phù hợp với các quy định của Luật.

Hà My 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam