Tôi muốn nền giáo dục phải nhất quán

Lý luận trẻ | 12:41:00 23/11/2019

TNV - Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm TP.HCM tăng thêm khoảng 200.000 dân có đăng ký chính thức (từ năm 2012-2016 tăng 850.000 dân), trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến. 

Dự báo đến năm 2025 dân số sẽ lên hơn 10 triệu dân (không kể khách vãng lai) và 20 năm sau đó có thể lên đến 15 triệu dân.

Ngoài ra, số lượng người vãng lai và lao động thời vụ ở TP.HCM cũng không nhỏ, dao động từ 1-2 triệu người. 

Tôi muốn nêu một thực tế trên để thấy rằng, việc giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn Bộ sách giáo khoa cho địa phương mình trong vài năm tới cần phải tính đến yếu tố này.

Nước ta đang trong giai đoạn phát triển, tính di dân cơ học hiện tại rất lớn, đặc biệt là từ các tỉnh nông thôn ra thành thị, học sinh đang ở tỉnh này học Bộ sách giáo khoa do UBND tỉnh chọn, giờ chuyển qua tỉnh khác phải tiếp cận Bộ sách giáo khoa do tỉnh khác chọn, lúc ấy sẽ rất phức tạp, gây khó khăn trước mắt cho các em, sau đó đến gia đình, tốn kém thời gian, tiền bạc cho xã hội, hàng loạt vấn đề bức xúc trong vấn đề này khó tránh khỏi. Biết đâu khi ấy lại hình thành các lớp, trung tâm, khóa học... "chuẩn kiến thức để tiếp cận sách giáo khoa khác".

Việt Nam là quốc gia có quan hệ hầu hết với các nước trên thế giới, một đất nước rất mở về giao lưu văn hóa, nhưng không thể cái gì cũng học theo nước ngoài, theo mô hình nước ngoài, mỗi địa phương tự chọn cho mình một Bộ sách giáo khoa, cũng không khác gì mỗi tỉnh một nền giáo dục “cơ bản” khác nhau, tôi nói “cơ bản” vì giáo dục nó phải xuất phát từ cái nền ban đầu, tức là những tri thức tiếp cận từ cấp tiểu học cho đến THPT, đạo đức nó cũng hình thành rất lớn từ các giai đoạn này, giả sử mỗi tỉnh chọn một cuốn sách đạo đức riêng, như vậy trong việc nhận thức về đạo đức cũng khác nhau ít nhiều. Bởi, mỗi Bộ sách giáo khoa nó thể hiện ý chí chủ quan của một nhóm người biên soạn trong đó.

Đó là chưa dự báo đến một vấn đề, ví dụ: mỗi một nhiệm kỳ UBND tỉnh chọn một Bộ sách giáo khoa dẫn đến việc gây lãng phí và tốn kém tiền của nhân dân, hoặc mỗi năm UBND lại tự chọn một Bộ sách giáo khoa thì khổ học sinh, phụ huynh; cơ chế xin - cho không cẩn thận lại xuất hiện do các NXB tiếp cận, quảng cáo để sách và tác giả nhà xuất bản mình được chọn…

Điều kiện kinh tế - xã hội là những yếu tố quyết định đến văn hóa từng vùng miền, tính đồng đều của từng địa phương của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khác biệt, khi nào đất nước đạt đến một đỉnh cao về kinh tế, ý thức tự giác, xóa bỏ cơ chế xin-cho, lợi ích nhóm..., thì mới xem xét áp dụng giao UBND tỉnh tự chọn sách giáo khoa cho địa phương mình, còn bây giờ thì chưa phải lúc. Quan điểm của Tôi là Bộ Giáo dục thống nhất một Bộ sách giáo khoa toàn quốc, những bộ sách còn lại phục vụ tham khảo.

Việc bổ sung, chỉnh sửa, thay mới một Bộ sách giáo khoa cho các cấp học trong điều kiện hiện nay là hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, sự phát triển của xã hội, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, nhưng giai đoạn hiện nay đã cần thiết để giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn một Bộ sách giáo khoa riêng? việc UBND các tỉnh tự chọn một Bộ sách giáo khoa có góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam với các nước trên thế giới hay không? và nếu như vậy thì cơ sở nào để lấy kết quả 3 năm học THPT và điểm số kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển Đại học khi mỗi tỉnh có một cách tiếp cận một Bộ sách giáo khoa khác nhau? Cơ sở nào để khẳng định các Trường Đại học, Cao đẳng cùng chấp nhận các tỉnh có một bộ kiến thức khác nhau?

Điểm chung cuối cùng về mục đích mỗi tỉnh tự chọn cho mình một Bộ sách giáo khoa là gì? vì mục đích gì cho tương lai nền giáo dục? Tôi muốn nền giáo dục Việt Nam phải nhất quán, nhất quán trong tư tưởng và đổi mới chứ không chạy theo, học đòi.

Nguyễn Ngọc

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam