Yên Bái: Kinh tế tăng trưởng khá nhờ chủ động điều chỉnh kịch bản tăng trưởng và phòng chống dịch hiệu quả

Thời sự, Chính trị | 15:08:00 29/09/2020

TNV - Nhờ chủ động điều chỉnh linh hoạt kịch bản tăng trưởng và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid - 19, nên tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 4,02%, đứng thứ 4 trong số 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cao gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và đầu tư xây dựng 

Với quan điểm không thay đổi mục tiêu tổng thể mà chủ động điều chỉnh linh hoạt về giải pháp để bảo đảm thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. Từ đầu năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với những diễn biến bất thường của thời tiết đã tác động tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Song, tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kịp thời điều chỉnh và triển khai quyết liệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 ứng phó với dịch COVID-19.

Ông Đỗ Đức Duy được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2020 – 2025
với 100% phiếu tán thành. Ảnh: Báo Yên Bái

Theo tân Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đỗ Đức Duy, ngay khi dịch bệnh Covid – 19 mới xảy ra, dù chưa có Nghị quyết của Chính phủ, nhưng tỉnh Yên Bái đã chủ động đi trước một bước, điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế - xã hội để ứng phó với dịch bệnh theo phương châm điểu chỉnh và bổ sung giải pháp, không thay đổi mục tiêu tổng quát, vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách và tổng vốn đầu tư xã hội; xác định rõ những lĩnh vực bị suy giảm, đó là: dịch vụ, công nghiệp và một phần nông nghiệp.

“Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, bù đắp cho phần thiếu hụt của khu vực dịch vụ và công nghiệp; thứ hai là đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng tỷ trọng đầu tư xây dựng trong cơ cấu công nghiệp xây dựng, bù đắp cho suy giảm lĩnh vực công nghiệp. Đối với nông nghiệp, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp ứng phó với dịch Covid – 19; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết hợp với chống dịch. Đồng thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, huy động các nguồn lực được khoảng 5.300 tỷ đồng (tăng so với năm trước 1.100 tỷ đồng), tập trung chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn” – ông Duy nói.

Công trình cầu Cổ Phúc bắc qua sông Hồng đoạn qua huyện Trấn Yên đang được gấp rút thi công.
Dự kiến hợp long vào trung tuần tháng 11/2020. Ảnh: P. Quỳnh

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Đỗ Đức Duy cho biết, với cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, mỗi tháng ông chủ trì 01 phiên họp chuyên đề về giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 9/2020, dự kiến 65,6% nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân; trong đó, khối huyện giải ngân rất tốt (huyện Trấn Yên, Yên Bình trên 70%), khối tỉnh chậm hơn do khoảng 800 tỷ đồng vốn ODA vướng một số thủ tục.

Ông Duy khẳng định, 100% nguồn vốn ở khối huyện sẽ được giải ngân; còn ở khối tỉnh, nguồn vốn trong nước tỉnh đã cam kết với Thủ tướng sẽ chỉ đạo quyết liệt để giải ngân hết, đảm bảo mục tiêu bù đắp thiếu hụt cho khu vực công nghiệp, duy trì tăng trưởng. Một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA, tỉnh sẽ nỗ lực hết sức để tháo gỡ khó khăn. Ví như nguồn vốn ODA liên quan đêns Ả rập Xê út, lẽ ra đã ký từ tháng 3/2020, nhưng do dịch Covid – 19 bùng phát toàn cầu, bạn không sang ký được nên bị chậm. Tỉnh đang đề nghị Thủ tướng điều chỉnh theo hướng ký luân phiên, ủy quyền Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út ký để kịp giải ngân.

 Đường dẫn lên cầu Cổ Phúc đang tấp nập thi công. Ảnh: P. Quỳnh

Nhờ chủ động điều chỉnh linh hoạt kịch bản tăng trưởng và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid - 19, nên tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 4,02%, đứng thứ 4 trong số 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cao gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.

Tập trung triển khai để hoàn thành “mục tiêu kép”

Tính đến tháng 9/2020, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 181.822 tấn (tăng 1,75% so với cùng kỳ); tổng đàn gia súc chính ước đạt 593.724 con (tăng 8,8% so với cùng kỳ); diện tích trồng rừng ước đạt 15.222 ha (tăng 5,8% so với cùng kỳ); tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 5,17%. Đến nay toàn tỉnh đã có 67 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 44,7%); huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Sùng A Su (Phó Bí thư Đoàn xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu) chăm sóc phục hồi đàn lợn bản địa. Ảnh: P. Quỳnh

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 5,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.566 tỷ đồng (bằng 65,8% kế hoạch năm, tăng 5,85% so với cùng kỳ).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 13.451 tỷ đồng (bằng 65,6% kế hoạch, tăng 0,97% so với cùng kỳ).Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,6 triệu USD (bằng 51,7% kế hoạch); giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54 triệu USD; doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 259,2 tỷ đồng (bằng 85,5% kế hoạch).Từ đây các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu sau giai đoạn giãn cách xã hội, bảo đảm phục hồi và từng bước tăng trưởng.

Thanh niên xã Nghĩa Tâm phát triển kinh tế vườn đồi. Ảnh: P. Quỳnh

Mặt khác, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 14/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2020 để ứng phó với dịch COVID-19. Đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.990 tỷ đồng (bằng 79% dự toán Trung ương giao, bằng 55% dự toán phấn đấu, tăng 9,8% so với cùng kỳ). Tổng chi ngân sách ước đạt 8.902 tỷ đồng (bằng 78,3% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ).

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, tăng tỷ lệ tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng; ưu tiên ngân sách cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh COVID-19.

 Làng miến Giới Phiên hối hả vào vụ mới. Ảnh: P. Quỳnh

Nhờ huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển để bù đắp cho những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đến tháng 9/2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 56 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 4.414 tỷ đồng (tăng 24 dự án so với cùng kỳ). Tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 12.300 tỷ đồng (bằng 72,3% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ). Tổng vốn ngân sách nhà nước giải ngân ước đạt 3.285 tỷ đồng (bằng 65% kế hoạch, tăng 22% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, trong 9 tháng qua, Yên Bái đã hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học năm 2020 bảo đảm an toàn, đúng quy định với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao (trên 97,8%); chuẩn bị tốt cho năm học mới 2020 - 2021. Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; duy trì, thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; khám, chữa bệnh cho gần 1,2 triệu lượt người. Đã tạo việc làm mới cho 16.923 lao động (bằng 94% kế hoạch năm); tuyển mới và đào tạo nghề cho 15.300 lao động (bằng 87,4% kế hoạch); chuyển dịch 6.211 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (bằng 98,5% kế hoạch). Đã thực hiện hỗ trợ cho 929 nhà ở cho người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2020, với tổng kinh phí 30,62 tỷ đồng.

Người lao động Cty CP thương mại Hoa Tây Bắc miệt mài nạo vỏ quế. Ảnh: P. Quỳnh

03 tháng cuối năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái xác định tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao nhất, không thay đổi mục tiêu kế hoạch đã đề ra, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung chỉ đạo triển khai hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020./.

 

Gia đình Giàng A Sáu, xã Kiên Thành (Trấn Yên) tập trung thu hái măng xuất bán. Ảnh: P. Quỳnh

Hộ nghèo Thào Máo Giao, bản Mý Háng Tủa Chử, xã Púng Luông (Mù Cang Chải) được hỗ trợ làm nhà mới. Ảnh: PLĐ

 Cán bộ và nhân dân xã Mai Sơn (Lục Yên) xuống đồng trồng ngô vụ đông năm 2020. Ảnh: PNN

Đường làng, ngõ xóm, phố phường và người dân hân hoan trong dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh
nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh: Báo Yên Bái

  Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam