Yêu thương để đẩy lùi bạo lực là chìa khóa để mở cánh cửa dẫn tới một nền giáo dục thành công

Giáo dục | 15:05:00 25/03/2020

TNV - Đây là thông điệp mà khách mời đặc biệt trong sự kiện - bạn Lê Minh Đức, học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ muốn chuyển tải đến các bạn học sinh, thầy cô giáo và các vị phụ huynh trong Chương trình tổng kết dự án Speak Out mang tên “Những điều hạnh phúc của Minh Đức” do tổ chức Good Neighbors International (GNI) thực hiện diễn ra sáng 25 tháng 3 tại Hà Nội.

Từ tháng 8/2019 tới tháng 2/2020, Dự án “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn và không bạo lực” (Speak Out) của tổ chức Good Neighbors International (GNI) đã thực hiện các chương trình hỗ trợ và vận hành các phòng tham vấn học đường, các chương trình truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống bạo lực dành cho giáo viên và phụ huynh học sinh, 1 chiến dịch truyền thông tiếp cận 5 triệu người.

 Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng giáo dục Chính trị - Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Tại buổi tổng kết, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng giáo dục Chính trị Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Tâm lý học đường hiện nay đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục, các nhà hoạch định chính sách quan tâm và dần đưa vào các trường học. Tháng 12/2017 Bộ Giáo đã có Thông tư 31 quy định rõ chức năng cũng như chính sách cho cán bộ tham vấn tâm lý trong nhà trường. Gần đây ngày 4/12/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị về cán bộ tham vấn trong trường học. Ông cũng cho rằng nên có cán bộ tư vấn tâm lý học đường để đi sâu đí sát tâm lý của các em học sinh.

Mâu thuẫn trong học sinh luôn luôn có, nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề này thì nhà trường, các thầy cô giáo, phụ huynh chưa thể giải quyết triệt để mà cần có phòng tham vấn tâm lý trong nhà trường. Hiện nay phòng tham vấn tâm lý này đang là vấn đề mới nên thời gian đầu các em còn ngại chưa đến nhiều. Nhưng xu hướng này đang được triển khai đến các nhà trường nhiều hơn để các em hiểu và mạnh dạn tham gia chia sẻ những vấn đề tâm lý dù chỉ là những vấn đề nhỏ, bình trường trong cuộc sống, học tập. Phòng tham vấn sẽ giải quyết tất cả các vướng mắc mà các em đưa ra. Các thầy cô giáo, hiệu trưởng các trường nên mạnh dạn đưa ra vấn đề này và tuyển những cán bộ tham vấn tâm lý chuyên trách để thực hiện được các vấn đề về tâm lý học sinh đang diễn ra trong các nhà trường. Mỗi trường học cần phải cho các em học sinh cảm nhận đến trường là hạnh phúc, là niềm vui không còn bè phái, mâu thuẫn trong môi trường học đường.

Tại buổi Tổng kết dự án, ông cũng đưa ra một số vấn đề còn vướng mắc như: Khi đã thành lập phòng tham vấn phải hoạt động thế nào? Ngân sách, kinh phí để duy trì hoạt động (Xã hội hóa, phải có cán bộ chuyên nghiệp)?...

Cô Hoàng Thanh Thủy - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ, nơi đang vận hành thành công phòng tham vấn học đường trong hơn 4 tháng qua, cô có những chia sẻ tâm huyết: “Ngôi trường tốt trước tiên phải là ngôi trường an toàn và hạnh phúc. Ở đó là nơi học sinh được lắng nghe và được chia sẻ. Nghe để hiểu các em muốn gì, các em cần gì và các em thiếu gì để các thầy cô thấu hiểu và chia sẻ lại. Các em sẽ không có những nỗi sợ về tinh thần, những mối đe dọa về bạo lực ngay cả lúc các em có những câu nói, hành vi chưa phù hợp”.

 Cô Hoàng Thanh Thủy - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ.

“Trường là nơi có học sinh, có giáo viên, có an toàn và hạnh phúc. Thông qua chương trình này cô muốn chuyển tải được thông điệp tới các em học sinh: Trẻ em cần được bảo vệ, được chăm sóc vui chơi và phát triển. Vì vậy chúng ta hay dũng cảm phê phán những hành vi bạo lực; Hãy lan tỏa những giá trị yêu thương để xây dựng một ngôi trường an toàn và hạnh phúc cho trẻ”, cô nhấn mạnh thêm.

Sau hơn 4 tháng xây dựng và đưa vào hoạt động, mô hình phòng tham vấn tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã thực sự thành công. Đây chính là cầu nối giúp các em học sinh giải tỏa những vấn đề về tâm lý học đường. Vượt qua những e dè, ngại ngùng ban đầu, giờ đây phòng tham vấn của nhà trường đã trở thành địa chỉ tin cậy để các bạn học sinh có thể tìm đến sau mỗi giờ học căng thẳng. Các em có thể chia sẻ, giãi bày những điều khó nói để các thầy cô sẽ giúp các em phấn chấn tinh thần để tiếp tục yên tâm học tập.

Cùng tham gia chương trình, chị Phí Mai Chi - phụ huynh học sinh tâm sự: Ngôi trường hạnh phúc là học sinh phải được học làm người, được phát triển các kỹ năng, sở thích; Có niềm yêu thích học tập để phát triển tối đa năng lực của mình. Chị rất quan tâm nhiều đến việc lựa chọn môi trường cho con học tập không chỉ là cơ sở vật chất, quan điểm giáo dục của thầy cô trong trường nhưng điều quan trọng nhất đối với chị là môi trường học tập của con. Đó là mối quan hệ giữa người với người, mối quan hệ giữa các thầy cô với nhau, của thầy cô đối với các con - Đây mới là điều quan trọng nhất.  

 Chị Phí Mai Chi - phụ huynh học sinh chia sẻ tại chương trình.

Khép lại chương trình bạn Lê Minh Đức - nhân vật chính của chương trình chia sẻ: “Theo bạn, ngôi trường hạnh phúc phải là nơi có những con người hạnh phúc, là nơi có những trái tim ấm áp, tràn đầy nhiệt huyết của các thầy cô. Là nơi đầy ắp những tiếng cười hồn nhiên trong trẻo mang những khát khao được đến trường để khám phá những điều mới mẻ của các bạn học sinh. Đó là nơi học sinh được học trong môi trường học tập an toàn thân thiện. Là nơi những giá trị khác biệt được tôn trọng, được yêu thương, lắng nghe, thấu hiểu và được học sinh được là chính mình. Và điều quan trọng hơn cả đó là nơi nói không với bạo lực học đường”.

 Bạn Lê Minh Đức - Nhân vật chính của Dự án tại Chương trình.

Ngôi trường hạnh phúc không chỉ là giấc mơ mà nó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung tay xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện cho các em học sinh. Yêu thương để đẩy lùi bạo lực là chìa khóa để mở cánh cửa dẫn tới một nền giáo dục thành công.

Bùi Hạnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam