Trưởng thôn "đi sứ"

Thời sự, Xã hội | 19:03:00 04/09/2015

Năm 1989, ông Ma Hồng Phủ cùng với 12 hộ dân từ xã Tả Ngải Chồ chuyển xuống ở thôn Choán Ván xã Mường Khương theo kế hoạch ổn định dân cư của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Lúc đầu cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhà ở tạm bợ, đất canh tác chưa có.

Mọi người bàn bạc cùng nhau khai phá những mảnh đất gần nhà trồng cây ngắn ngày để có cái ăn, rồi từng bước khai phá ruộng nương, cấy lúa nước, gieo lúa nương, phát triển cây thảo quả và xây dựng thôn bản. Cùng với quá trình ổn định đời sống và được sự hướng dẫn của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Khương, nhân dân trong thôn đã ổn định cuộc sống, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ biên giới.

Năm 1995 trong buổi tuần tra cùng với cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Khương, ông phát hiện thấy ở khu vực Mốc 7; 8 cũ (Mốc 137; 137 (1) hiện nay) nhân dân phía nước bạn trồng quá canh sang đất Việt Nam hai vạt thảo quả khoảng gần 50 nghìn khóm (tương đương 2 ha). Đây là khu vực đường biên giới ở trong rừng già nên rất khó nhận biết. Được sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Đồn biên phòng Mường Khương, ông Ma Hồng Phủ cùng ông Tẩn Dung Lẻng (dân tộc Dao) ở thôn Xả Hồ, ông Nồng Dìu Dần (dân tộc Nùng) sang nhà trưởng thôn Ly Phà Ngắn(dân tộc Dao) ở xã Pồ Chồ Xển, Hà Khẩu, Vân Nam(Trung Quốc). Sau một ngày đi đường vất vả thì đến nơi, ông cùng với mọi người đến từng gia đình trồng vạt thảo quả đó vận động, thuyết phục bà con nước bạn nhận tiền hỗ trợ mua cây con giống, trả lại diện tích trồng cây thảo quả quá canh cho ta. Năm 1997, khi trồng cây thảo quả ông phát hiện ở gần mốc 8 cũ (mốc 137 hiện nay) có một ngôi mộ người dân nước bạn chôn cất trên đất Việt Nam. Ông đã cùng 2 người dân trong bản sang phía bạn để tuyên truyền vận động gia đình có ngôi mộ trên là họ đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, giúp họ nhận thức ra vấn đề và tiến hành di chuyển về bên kia biên giới. Năm 2006 sau khi phân giới cắm mốc, theo dọc đường biên giới từ mốc 136 đến mốc 138 trên diện đất thuộc về Việt Nam, nhân dân nước bạn có trồng trên 90 nghìn khóm thảo quả, theo chủ trương của chính quyền địa phương và hướng dẫn của Đồn Biên phòng ông lại cùng bà con trong xã kiên trì vận động nhân dân nước bạn nhận tiền hỗ trợ cây giống thảo quả, trả lại diện tích đất quy thuộc cho nước ta. Trong quá trình tham gia bảo vệ biên giới, ông cùng cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Khương, chính quyền xã lựa chọn 8 hộ gia đình trong thôn có ruộng nương sát đường biên giới thành lập tổ tự quản đường biên, cột mốc. Hàng tuần các hộ tự tổ chức đi tuần tra để ngăn chăn các hoạt động xâm lấn đất đai, trộm cắp tài nguyên, vượt biên trái phép, chăn thả gia súc qua biên giới và các hoạt động khác liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, kịp thời cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho đồn biên phòng. Đến thăm ông tại ngôi nhà của mình đúng vào dịp tết thanh minh khi ông đang cắt thịt treo khô sấy trên bếp. Ông móm mém kể về những chuyến “đi sứ” thực hiện công tác ngoại giao nhân dân đã gặp không ít khó khăn do đường đất đi lại vô cùng khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt lại bất đồng ngôn ngữ. Song được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và Đồn Biên phòng Mường Khương  cùng với việc kiên trì vận động nhân dân hai nước ở ven đường biên giới, nên ông luôn nhận được sự tin tưởng ủng hộ của bà con nhân dân hai bên và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh xẩy ra giữa nhân dân hai bên, giữ được mối quan hệ đoàn kết hữu nghị láng giềng. Trên gương mặt nhăn nheo của người trưởng thôn đã ngoài 70 tuổi ánh lên niềm vui, bởi trên đoạn đường biên dài hơn 4 km trên địa bàn của thôn luôn được giữ vững, cột mốc nguyên vẹn, không có hiện tượng xâm lấn đất đai, đời sống nhân dân trong thôn khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tình hình an ninh thôn bản ổn định, trẻ em đến trường đầy đủ, không có tệ nạn xã hội. Ghi nhận những thành tích và đóng góp của ông Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã tặng ông nhiều bằng khen, giấy khen và đặc biệt nhận được kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Biên phòng toàn dân do Bộ Tư lệnh Biên phòng trao tặng.

Ông Phủ cùng vợ con tại ngôi nhà mình.

 

Vất vả đường lên thôn Choán Ván.

 

Ông Phủ (giữa) cùng tác giả (áo chàm xanh) trong gian bếp treo thịt sấy của mình.

Bài và ảnh: Phạm Văn Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam