Mường Lựm – Tín hiệu vui từ trồng ngô chuyển dần sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc nhốt chuồng

Du lịch, Du lịch đất việt | 15:55:00 11/10/2015

TNV - Bởi chị đã tính toán rất kỹ, 01ha trồng ngô của gia đình chị trong một năm chỉ thu được khoảng 06 tấn, trừ đi các khoản chi phí, tiền công cả năm vất vả còn lại 6 - 7 triệu đồng, tương đương với nuôi 02 con dê nái cho sinh sản và bằng một nửa so với nuôi 01 con bò nái hoặc nuôi 01 con bò thịt trong một năm.

 Sáng kiến nảy sinh từ bám sát thực tiễn và gần dân

Trên chuyến xe taxi về thị trấn Thuận Châu, chàng thanh niên cao to vạm vỡ từng là thầy dạy võ thuật nay chuyển sang nghề “cầm vô - lăng” đem những băn khoăn của mình ra kể với tôi về cái khó, cái nghèo của bà con miền núi tỉnh Sơn La. Nhưng rồi anh chợt vui vẻ hẳn lên và cứ tấm tắc khen một cán bộ trẻ nào đó mà anh chưa nhớ ra tên ở huyện Yên Châu đã táo bạo đứng lên hô hào bà con phá bỏ một phần diện tích trồng ngô - một cây lương thực chủ lực từ lâu đời của bà con - để chuyển sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc. Ấn tượng mạnh bởi câu chuyện đó, tôi đã tìm về xã Mường Lựm và người cán bộ trẻ đó là Phạm Đức Long – Bí thư Đảng ủy xã.

Xã Mường Lựm thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La có diện tích trồng ngô 465,7ha, năng suất bình quân 69,4 tạ/ha, sản lượng 3.264,4 tấn/vụ. Đời sống của người dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và cây ngô là cây chủ lực. Tuy nhiên giá ngô giống, phân bón, thuốc trừ cỏ cao, bên cạnh đó do phải mua chịu giống, phân bón nên trừ tất thảy mọi khoản chi phí thu nhập còn lại của người dân không được là bao, cho nên 52% số hộ dân trong xã thuộc diện hộ nghèo, cao hơn nhiều so với bình quân chung của tỉnh và cả nước.

Sau nhiều lần đến tận nhà các hộ dân tìm hiểu đời sống, tình hình sản xuất làm ăn, nhận thấy chăn nuôi gia súc cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng ngô, nhưng ngặt nỗi đàn gia súc của xã chủ yếu là chăn thả rông tự nhiên, chưa có hộ dân nào nuôi gia súc nhốt chuồng, nên đàn trâu, bò, dê của bà con trong xã đã phá hoại ruộng nương, làm ảnh hưởng tới mùa màng, vì thế mà công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc phát triển đàn gia súc cũng không mấy hiệu quả.

Để giải bài toán này, anh Phạm Đức Long (khi đó 36 tuổi) – một cán bộ trẻ mới được Huyện ủy điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm tháng 3/2014 đã đem trăn trở của mình ra bàn bạc trong thường trực và thường vụ Đảng ủy xã. Và ngày 29 tháng 9 năm 2014, Nghị quyết số 60 – NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Mường Lựm với nội dung chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang trồng cỏ nuôi gia súc nhốt chuồng trên địa bàn xã đã ra đời, được chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã cùng quyết tâm đồng loạt triển khai xuống tới các bản và từng hộ dân.

Để khuyến khích bà con nông dân đầu tư vào chăn nuôi phát triển đàn gia súc, Phòng NN&PTNT huyện Yên Châu đã cấp 44 kg hạt giống cỏ Sudan lai (tương đương 11 ha) cho xã Mường Lựm. Hội chữ thập đỏ tỉnh trao tặng 10 con bò cái sinh sản cho 10 hộ nghèo của xã trong khuôn khổ Dự án “ngân hàng bò”.

Hội Nông dân và Ban Xóa đói giảm nghèo của xã đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đồng thời hướng dẫn bà con làm thủ tục được vay vốn. Khuyến nông và Đoàn Thanh niên xã đã tuyên truyền và hướng dẫn đến từng hộ dân về kỹ thuật trồng cỏ, chế biến, bảo quản thức ăn cho gia súc; kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, vệ sinh thú y, phát triển sinh sản cho đàn gia súc…

Trong dịp làm việc với bản Na Ban, sau khi anh Long gợi ý bà con trong bản dành một khoảnh đất để nuôi nhốt tập trung, thì trưởng bản Cà Văn Hoàn và bí thư chi bộ của bản là Cà Văn Soan đã nảy ra sáng kiến vận động 25 hộ gia đình trong bản góp gần 70 triệu đồng mua 1.287m lưới thép về rào hai đầu khu vực  nương rẫy ở Nặm Thúm – Thẳm Hẹt rộng 28 ha đang trồng ngô để chuyển dần sang trồng cỏ và nuôi gia súc nhốt chuồng.

Không quản ngại đường trơn, lầy lội – hậu quả để lại của cơn mưa lúc nửa đêm về sáng – Bí thư Long cùng hai cán bộ bản Na Ban vẫn hăng hái cuốc bộ đưa tôi vào Nặm Thúm – Thẳm Hẹt. Chỉ sung sức được chừng vài chục phút ban đầu với những triền dốc thoai thoải, giữa cái nắng ganh mưa cả bốn chúng tôi đều thấm mệt, ai nấy mặt đỏ phừng phừng, mồ hôi túa ra ròng ròng trên mặt, ướt đầm cả quần áo. Càng vào gần hủm trồng cỏ, những con dốc càng cao như dựng đứng ngay trước mặt. Nhiều lần ý định quay trở lại đã thoáng qua đầu, nhưng rồi tất cả chúng tôi đều quyết tâm lê từng bước chân nặng trịch bùn đất, kiên nhẫn nhích từng bước,.. từng bước… Sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm bởi đã vượt qua được đỉnh dốc cao nhất. Đây là đỉnh dốc thứ sáu, cũng là đỉnh dốc cuối cùng gian lao nhất trong hành trình. Từ đây, con đường đi đến các hộ trồng cỏ nuôi trâu bò nhốt chuồng khá thuận lợi và bằng phẳng. Nhưng do cái mệt đã ngấm đến rã rời, tôi đề nghị bí thư Long mượn chiếc xe máy của vợ chồng trẻ đang thu hái ngô bên đường để trưởng bản Hoàn chở đi nốt đoạn đường ngắn ngủi còn lại, đến nơi tác nghiệp.

Tại nơi rào chắn, phần chặn ngang con đường mòn quen thuộc bà con vẫn thường đi lại hàng ngày được làm bằng những thanh gỗ khá chắc chắn, có hai cánh cổng thường xuyên chốt chặt và chỉ mở khi các hộ dân có nhu cầu, kế đó là thang gỗ dành cho người đi bộ dễ dàng trèo qua lại, nhưng lại đủ cao và vững chãi ngăn gia súc không thể vượt qua được. Hai bên cạnh phần rào gỗ là hàng rào dây thép sáng trắng lên dưới nắng mặt trời, chạy dài xa tít tắp băng qua những nương ngô, bãi cỏ vươn tới tận chân dãy núi cao vút, hiểm trở. Chọn một gò đất cao bên đường, chúng tôi phóng tầm mắt ra bao quát cả cả thung lũng rộng lớn, xa xa thấp thoáng những nhà chòi canh nương, những chuồng nuôi nhốt gia súc bé xíu bên những triền đồi cỏ đang lên xanh mướt.

Tín hiệu vui từ trồng ngô chuyển dần sang trồng cỏ và phát triển chăn nuôi gia súc.

Bất chợt tôi rẽ xuống một gia trại nằm trên ngọn đồi khá bằng phẳng, phía ngoài có bàn thái cỏ tự tạo của chủ nhân, phía cuối cùng là khu vực nuôi nhốt bò, bên tay phải lối vào là chiếc ao và cạnh đó là căn nhà nhỏ, cách chừng vài chục thước là khu nuôi lợn, phía dưới vạt đồi là hàng trăm cây chuối đang lên xanh tốt cũng là nguồn thức ăn dự trữ cho bò. Chủ nhân của gia trại là chàng trai 28 tuổi Cà Văn Nghiên, một điển hình cấp huyện về phát triển kinh tế trong đợt tuyên dương các cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện Yên Châu vừa qua.

Khi Đảng bộ xã có chủ trương trồng cỏ và phát triển đàn gia súc, được sự động viên của cán bộ bản, Cà Văn Nghiên đã đầu tư khoản thu nhập có được từ trồng ngô và nuôi lợn mấy năm nay mua thêm 05 con bò. Đến nay, gia đình anh đã có cả thảy 10 con bò (kể cả 03 con bê non mới được đàn bò sinh sản), trong đó có 04 con đang có chửa, như vậy đến tháng 5/2016 đàn bò của anh sẽ tăng thêm 04 con nữa. Anh dự tính nguồn thu nhập để sinh sống của gia đình cho đến vài năm nữa cũng chưa cần đến bán bò, mà chỉ cần thu hoạch từ chăn nuôi thường xuyên hơn 30 con lợn bản địa, 50 -70 con gà và trồng ngô là đủ. Khi đàn bò phát triển đến 20 – 30 con, anh mới tính đến bán tỉa từ đàn bò để đầu tư sang nuôi trâu, dê, mở rộng gia trại và kiến thiết nhà cửa.

Gia đình chị Lò Thị Nâng, tháng 9 năm ngoái được nhà nước cấp cho 01 con dê nái từ nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ dân tái định cư thủy điện Sơn La. Chỉ sau dăm tháng miệt mài chăn dắt, dê mẹ đã đẻ ra thêm 02 chú dê con. Đến tháng 10 này, dê mẹ lại tiếp tục sinh nở. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm dê nái sẽ đẻ 02 lứa, mỗi lứa 02 con, rồi dê nái con lại tiếp tục sinh nở thì 2 – 3 năm tới chị sẽ có đàn dê lên đến 10 - 15 con, khi đó chị sẽ bán bớt đi để đầu tư vào mở rộng diện tích trồng cỏ nuôi bò. Bởi chị đã tính toán rất kỹ, 01ha trồng ngô của gia đình chị trong một năm chỉ thu được khoảng 06 tấn, trừ đi các khoản chi phí, tiền công cả năm vất vả còn lại 6 – 7 triệu đồng, tương đương với nuôi 02 con dê nái cho sinh sản và bằng một nửa so với nuôi 01 con bò nái hoặc nuôi 01 con bò thịt trong một năm.

Tính đến tháng 5/2015, chỉ sau 08 tháng triển khai thực hiện chủ trương chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc nhốt chuồng, cả xã Mường Lựm đã có 504 hộ/ 647 hộ dân sinh sống ở cả thảy 12 bản phấn khởi tham gia phong trào trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc nhốt chuồng; diện tích trồng cỏ đã tăng 7,6ha (từ 13,3ha lên 20,9ha); đàn bò tăng 190 con (từ 578 con lên 768 con), đàn trâu tăng 37 con (từ 832 con lên 869 con). Trong đó bản Na Ban dẫn đầu phong trào thi đua với 27/32 hộ hăng hái tham gia, đến tháng 9/2015 đã chuyển 9,6ha trồng ngô sang trồng cỏ, đàn bò tăng 23 con (trong đó đầu tư mua mới là 15 con). Tiêu biểu như hộ gia đình trẻ Cà Văn Hoàn với 04 con bò, 03 con trâu (trong đó mua mới là 03 con bò và 01 con trâu), gia đình Cà Văn Soan với 02 con trâu, 03 con bò và 04 con dê, gia đình ông Hoạt với 5 con bò, ông Anh 8 con bò, ông Quynh 7 con bò, ông È 7 con bò và 1 con trâu…

Khi biết tôi thu thập thông tin để viết bài, anh Phạm Đức Long (Bí thư Đảng ủy xã) cứ phân trần: kết quả này là công sức của tập thể Đảng bộ xã và bà con nhân dân chứ không phải của em đâu ạ! Nhưng tôi biết và rất nhiều người trong xã, trong huyện và cả đến người lái taxi xa xôi ở tỉnh…cũng đều biết có công góp sức rất lớn của anh, người cán bộ trẻ không ngại việc khó, củng cố được niềm tin của nhân dân vào cán bộ, làm thay đổi căn bản tập quán chăn nuôi gia súc thả rông của bà con, giảm được đáng kể số lượng trâu bò chết hàng năm do bị đói rét, bệnh tật. Và đặc biệt đã từng bước dịch chuyển cơ cấu kinh tế của mỗi hộ gia đình và cả xã theo hướng giảm dần diện tích trồng ngô chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Mở ra hướng chăn nuôi hàng hóa, tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho bà con tái định cư Thủy điện Sơn La cũng như đồng bào 06 dân tộc anh em cùng sinh sống trong xã./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Gian nan đường lên khu vực rào hủm trồng cỏ nuôi bò.

 

Mượn xe lên đường tác nghiệp.

Phút nghỉ ngơi bên đường.

 

Rào chắn nơi trồng cỏ và chăn nuôi gia súc nhốt chuồng của 25 hộ dân bản Na Ban.
Từ trái qua phải Phạm Đức Long (Bí thư Đảng ủy xã) cùng Lò Thị Nâng, Cà Văn Hoàn,
Cà Văn Soan đều là dân bản Na Ban
.

Chủ gia trại trẻ Cà Văn Nghiên - người thứ 2 từ trái qua phải - vừa cho bò ăn
vừa kể về công việc của mình với tác giả (áo kẻ xanh).

 

Một góc gia trại và chủ nhân đang thái cỏ bằng dụng cụ tự tạo.

 

Vườn chuối đang lên xanh tốt cũng là nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc.

 

Phạm Đức Long - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm xem những triền cỏ đang lên tươi tốt.

 Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam