Về nơi xứ sở của chè Suối Giàng

Doanh nhân, Xây dựng thương hiệu | 15:10:00 19/10/2015

TNV - Vừa nhâm nhi chén trà màu vàng sánh như mật ong, ngắm nhìn cơ ngơi khang trang của gia chủ ở vùng núi non trong lành mát mẻ, mà càng thấy như hương vị dịu ngọt thoảng thơm của hương cốm mới đầu mùa đượm mãi trong cổ họng.

Một ngày đầu tháng chín, tôi tìm về nơi xứ sở của những cây chè cổ thụ Suối Giàng. Ông Sồng A Nủ -  Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, đưa chúng tôi tới thăm HTX Suối Giàng nằm ngay ở khu vực trung tâm của xã – nơi trực tiếp sản xuất thứ chè tuyết Suối Giàng nổi tiếng gần xa . Bà Lâm Thị Kim Thoa – Giám đốc – đon đả ra tận cửa đón khách. Sau màn giới thiệu của Chủ tịch Nủ, chủ và khách cùng trò chuyện rôm rả trong ngôi nhà mà phía trong là nơi ở và phía ngoài là nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Trong lúc vui chuyện bà Thoa bật mí bí quyết để chè giữ được chất lượng, hương vị: sau khi thu hái từ 3 – 4h phải cho chè vào xào chín để diệt men, tiếp đó là công đoạn vò, sấy khô và lên hương đánh bóng. Thông thường một mẻ chè đối với thợ lành nghề làm khoảng 5 - 6h, trong đó kinh nghiệm điều chỉnh nhiệt độ thích hợp cho từng khâu là bí quyết quan trọng nhất để chè không bị nát, đạt được hương vị thơm ngon nhất.

Chè Suối Giàng có hương cốm đặc trưng, ban đầu uống có vị đắng chát ở đầu lưỡi, sau có vị ngọt hậu. Chỉ nhấp một chén trà mà hương vị ấy đọng mãi trong bạn suốt cả buổi, bởi tất cả hương vị ấy ở chè Suối Giàng đều là hương vị tự nhiên, không có bất kỳ sự tẩm ướp nào cả.

Một ấm trà Suối giàng, chế được 4 – 5 nước, do vậy bạn bè tụ tập cả buổi mà chè vẫn thơm ngon. Theo bà Thoa, nước đầu đậm nhất và chát nhất, nhưng càng về sau thì vị ngọt tăng dần và vị chát giảm đi. Để nước trà không bị màu cánh gián mà luôn có màu như mật ong vàng sánh, thì cứ mỗi khi chế nước sôi vào ấm trà đợi chừng 5 – 7 phút phải chắt hết nước ra chén. Thế mới biết là thưởng trà cũng lắm công phu và phải có bí quyết!.

Vừa nhâm nhi chén trà màu vàng sánh như mật ong, ngắm nhìn cơ ngơi khang trang của gia chủ ở vùng núi non trong lành mát mẻ, mà càng thấy như hương vị dịu ngọt thoảng thơm của hương cốm mới đầu mùa đượm mãi trong cổ họng.

Hợp tác xã Suối Giàng, thành lập năm 2008 ban đầu có 07 xã viên, đến nay HTX có 20 xã viên với 01 dây chuyền sản xuất chè xanh, công suất nhà máy chế biến 1,5 tấn chè búp tươi/ngày, sản lượng cả năm được 7 – 8 tấn khô. Đa phần xã viên của HTX có tuổi đời từ 25 – 35 tuổi và có đến 17/20 xã viên là đồng bào dân tộc Mông ở địa phương. Từ ngày tham gia HTX đời sống của các xã viên là người đồng bào địa phương đã từng bước ổn định, đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo.

Là người gắn bó với đất chè cách đây hơn hai chục năm khi đó còn gọi là Nhà máy chế biến chè đặc sản Nghĩa Lộ, vợ chồng bà Thoa đã luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để phát huy được thế mạnh của giống cây chè quí địa phương, làm thế nào để HTX đứng vững và phát triển trong xu thế hội nhập? Và lời giải chính là áp dụng công nghệ sản xuất chè sạch, giữ gìn hương vị tự nhiên đặc trưng của cây chè tuyết cổ thụ ở vùng cao Suối Giàng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Hiện nay, HTX Suối Giàng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Yên Bái được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm chè Suối Giàng đủ tiêu chuẩn chất lượng, có hệ thống đại lý phân phối ở Thị xã Nghĩa Lộ, Thị trấn Văn Chấn, Thành phố Yên Bái tỏa đi các vùng miền trong cả nước, được khách hàng tin tưởng đặt mua, có nhãn hiệu độc quyền Tuyết sơn trà Suối Giàng không sợ bị nhầm lẫn với các sản phẩm trôi nổi khác ngay trên xứ sở của chè tuyết Suối Giàng./.

Chủ tịch xã Sồng A Nủ (áo trắng), tác giả (áo vàng) và thiếu nữ Mông cùng trải nghiệm
hái chè cổ thụ Suối Giàng.

Bà Thoa giới thiệu về hương vị đặc trưng của chè tuyết Suối Giàng.

Vị ngọt hậu và hương cốm đượm trong từng tách trà.

Bài, ảnh: Quỳnh Văn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam