Yên tâm dạy học nơi rẻo cao, bởi mô hình “cả nhà cùng đến trường”

Giáo dục | 16:05:13 16/11/2015

TNV - Dạy học vùng cao luôn là công việc gian nan, vất vả. Bởi đường sá đi lại xa xôi, đèo dốc hiểm trở; trường lớp đơn sơ, thiếu thốn; đời sống phong tục bà con còn lạc hậu nên phải đến từng nhà vận động các em đến trường. Đời sống sinh hoạt của giáo viên “cắm bản” hầu như thứ gì cũng thiếu, nhưng thứ thiếu lớn nhất là tình cảm gia đình!..

Nhiều cô giáo dạy học nơi rẻo cao xa xôi hẻo lánh đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc riêng tư của mình. Nhiều câu chuyện buồn đã xảy ra khi các cô giáo “cắm bản” phải xa chồng xa con cả tuần, cả tháng, có khi đến mấy tháng trời mới được gặp nhau xum vầy...

Trong một dịp về xã vùng cao đặc biệt khó khăn Mường Lựm thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Anh Phạm Đức Long – Bí thư Đảng ủy xã – người đã có nhiều năm công tác ở phòng Giáo dục và đào tạo huyện cho biết, ở Mường Lựm có mô hình “cả nhà cùng đến trường”. Nhờ mô hình này mà các giáo viên được phân công về đây dạy chữ cho đồng bào vùng cao các dân tộc trong xã đã thực sự yên tâm công tác, khắc phục được căn bản các khó khăn phát sinh trong quá trình dạy học cho học sinh. Nhờ thế mà công tác giáo dục của xã nhiều năm nay luôn đạt kết quả cao trong việc huy động trẻ em đến trường, và phổ cập giáo dục...

Gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thoa là thí dụ điển hình. Năm 2007, cô được phân công về làm giáo viên “cắm bản” ở điểm trường Kháu Khoang, bản vùng cao sinh sống của đồng bào Mông xã Mường Lựm – sau 13 năm sinh sống và gắn bó với các cháu mầm non của xã Chiềng Đông. Quãng đường từ Chiềng Đông vào đến điểm trường ở xã Mường Lựm dài chừng 50km, trong khi con gái lớn của vợ chồng chị đang học lớp 3, con gái út học lớp 1.

Chỉ sau vài tháng nhận nhiệm vụ, cả gia đình đã chuyển vào Mường Lựm nơi chị dạy học cùng sinh sống. Anh Phạm Hữu Dân – chồng chị, luôn là người sẻ chia, đồng cảm và ủng hộ với nghề nghiệp của vợ. Anh mở ngay cửa hiệu bán phụ tùng xe máy, mua máy bóc ngô, máy xay xát và máy nghiền bột để buôn bán làm ăn, phục vụ cho bà con trong bản. Tận dụng thu nhập từ máy xay xát và cám bã dư thừa, anh còn chăn nuôi lợn thịt, ngan và chim câu, mỗi năm cũng cho thu nhập 60 – 70 triệu đồng. Là người quê gốc ở Hưng Yên, giỏi thâm canh đất đai, nên anh còn thuê 4 – 5ha đất của bà con địa phương để trồng ngô, đồng thời thu mua ngô xuất bán cho doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

Nhờ đưa cả gia đình vào gần trường sinh sống, cuộc sống của cả gia đình cô Thoa không bị xáo trộn, mà luôn duy trì được sự ổn định để phát triển. Các con luôn được bố mẹ gần gũi nên đều học hành chăm ngoan, tiến bộ. Anh Dân không giấu được niềm vui khoe với tôi: con gái đầu mới đậu vào Đại học Thương mại với 26 điểm. Còn với cô Thoa, 08 năm học đã trôi qua, năm nào cô cũng dành được nhiều tâm sức cho việc học của các bé ở điểm trường. Trước mỗi kỳ khai giảng năm học mới, cô và các đồng nghiệp đều sắp xếp thời gian đến tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống của gia đình từng học sinh, do vậy tỷ lệ các cháu đến lớp luôn đạt từ 95 – 100%. Cô đã cùng với cô Hoàng Thị Quỳnh, cô Lường Thị Sơn ở điểm trường mầm non Kháu Khoang này còn đi lại nhiều lần đến gia đình một số cháu để làm giấy tờ giúp các cháu được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, các cô còn vận động phụ huynh cho con em ở bán trú trong trường, các cô thay phiên nhau tình nguyện ở lại trường vào buổi trưa trông nom để duy trì chất lượng học tập của các cháu.

Từ năm 1995 đến nay, xã Mường Lựm có 21 giáo viên đã lập gia đình từ nơi khác về dạy học trên các bản rẻo cao trong xã, trong đó đã có 06 giáo viên chuyển hẳn gia đình về đây sinh sống. Tiêu biểu như gia đình cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc, Lừ Thị Sơn giáo viên trường Mầm non Hương Xuân đã chuyển gia đình về bản Lóng Khướng, bản Dảo xã Mường Lựm sinh sống được 20 năm; gia đình cô Lê Thị Thu, Phạm Hương Giang trường Tiểu học Mường Lựm đã về bản Ôn Ốc được 14, 15 năm; gia đình cô Đinh Thị Nghiên trường Tiểu học Mường Lựm cũng chuyển về bản Kháu Khoang được 5 năm... Nhờ vậy mà không chỉ các giáo viên đã có gia đình được phân công về Mường Lựm “cắm bản” mà cả các giáo viên trẻ như cô Hoàng Thị Nhung dạy học trên bản Pá Khôm, cô Nùng Thị Thu dạy học trên bản Ôn Ốc cũng đều yên tâm dạy học nơi rẻo cao, mang cái chữ và tương lai no ấm đến cho đồng bào các dân tộc nơi vùng đất heo hút và còn nhiều gian khó này./.

Dưới đây là một số hình ảnh:

 Điểm trường trên rẻo cao bản Kháu Khoang. Điểm trường trên rẻo cao bản Kháu Khoang.

Cô Thoa và các bé trong giờ lên lớp. Cô Thoa và các bé trong giờ lên lớp.

A3

A3, A4: Phạm Hữu Dân (chồng cô Thoa) miệt mài tăng gia sản xuất và luôn động viên chia sẻ với công việc của vợ. Phạm Hữu Dân (chồng cô Thoa) miệt mài tăng gia sản xuất và luôn động viên chia sẻ với công việc của vợ.

Niềm hạnh phúc của vợ chồng cô Thoa sau ngày làm việc. Niềm hạnh phúc của vợ chồng cô Thoa sau ngày làm việc

Bài và ảnh: Quỳnh Văn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam