Về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên huyện Yên Châu

Thời sự, Chính trị | 16:25:30 01/02/2016

TNV - Xung quanh các cụ là đông đảo các thầy, cô giáo và học sinh cũng đang xúc động cùng các cụ lần giở từng trang lịch sử kiên cường về mảnh đất quê hương Mường Lựm.

Cây đa lịch sử

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Yên Châu (Sơn La) chưa có đảng viên nào, nhưng lại có rất nhiều thanh niên yêu nước hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, tham gia giành chính quyền và xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ do Bác Hồ lãnh đạo.

Ngày 14/11/1947, đồng chí Trần Hạnh và Hoàng Thưởng là thanh niên tự vệ chiến đấu ở Tạ Khoa, khi địch chiếm đóng đã ở lại hoạt động xây dựng cơ sở hậu địch, qua thời gian thử thách đã được kết nạp trở thành đảng viên đầu tiên của huyện. Song do huyện chưa thành lập chi bộ, nên các đồng chí vẫn sinh hoạt chung với chi bộ cơ quan tỉnh và sau đó là chi bộ cơ quan liên huyện Mộc – Yên.

Đầu năm 1948, Yên Châu được Tỉnh ủy Sơn La tăng cường thêm hai đảng viên để hoạt động gây cơ sở hậu địch.

Ngày ấy, Mường Lựm còn được gọi là vùng đất bị lãng quên (theo tiếng Thái), không chỉ bởi nằm tách biệt xa trung tâm huyện 27 km về phía Tây mà còn bởi con đường mòn đi lại rất hiểm trở, qua nhiều đèo cao dốc đứng, suối sâu, rừng rậm, thú dữ…Nhưng cũng chính ở Mường Lựm, bà con các dân tộc Thái, Mường, Mông luôn bền gan quyết chí đi theo Đảng, nuôi giấu chở che cán bộ. Do vậy, tháng 6/1948, vào một đêm trăng đầu tháng Chi bộ đảng đầu tiên huyện Yên Châu đã chọn cây đa Nóng Luông bản Lựm (nay là bản Na Băng) xã Mường Lựm làm nơi thành lập.

Chi bộ hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Sơn La và đồng chí Trần Quang Hòa là bí thư đầu tiên. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã tổ chức cho cán bộ đảng viên trong huyện học tập “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm phê bình góp ý giúp đỡ nhau để tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, nâng cao năng lực uy tín lãnh đạo của Đảng.

Chi bộ đã lựa chọn bồi dưỡng cán bộ, lựa chọn quần chúng trung kiên người địa phương, dân quân du kích các Ủy ban kháng chiến làm cơ sở phát triển bổ sung nguồn cán bộ có chất lượng cho Đảng. Chỉ sau 01 năm, chi bộ đã phát triển được 07 đảng viên, đủ điều kiện để thành lập Đảng bộ.

Nhờ có sự lớn mạnh của Đảng, các đội du kích được thành lập, công tác tuyên truyền nắm nhân dân, lôi kéo quần chúng về với cách mạng, cùng chung sức đồng lòng diệt tề, ác ôn, chống nộp thuế lan ra rộng khắp các vùng trong huyện, áp đảo địch không dám hung hăng như trước.

Các đảng viên hăng hái hoạt động: Vùng dọc đường 6 có các đồng chí Hoàng Luông, Hoàng Sáy, Lò Văn Pành, Hoàng Thanh, Hoàng San, Vì Luông; vùng Tạ Khoa có Lù Văn Vần, Lừ Văn Lương, Lừ Tôn; vùng cao biên giới có Vì Văn Minh, Hoàng Ngoan, Hoàng Văn Nhiên, Vì Văn Pản, Vì Văn Son; vùng cao nội địa có đồng chí Hoàng Qúy Văn, Hoàng Tụi; vùng dọc sông Đà có Đinh Văn Sáu, Đinh Văn Nhúng, Đinh Văn Khiêu…

Ngay trong những ngày đầu năm 2016, tôi may mắn có dịp cùng các đảng viên cao tuổi, các thầy cô giáo và học sinh xã Mường Lựm về tề tựu ngay tại nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên năm xưa của huyện.

Theo lời kể của cụ Lò Văn Chẹt (78 tuổi), nơi đây trước kia là một khu rừng rậm rạp, không có đường đi. Khi giặc Pháp đóng đồn bót trên đồi Pom Đôi nằm về phía Tây Nam cách cây đa chừng non 02km, nghi ngờ là nơi hội họp của Việt Minh, chúng đã cử một tốp lính đặt thuốc nổ để phá cây đa, nhưng không những thuốc không nổ, mà đêm đó tên lính đặt thuốc nổ về đồn đã bị rắn bò vào cắn chết. Từ đó chúng gọi đó là khu rừng ma và không dám bén mảng đến nữa.

Biểu tượng thiêng liêng của thế hệ trẻ

Hiện nay, dưới gốc cây đa to nhất, ở ngay chính giữa đỉnh đồi có một khoảnh đất khá bằng phẳng, vẫn còn những hòn đá được xếp theo vòng tròn, là nơi các đảng viên đầu tiên của huyện thường ngồi hội họp. Lúc bấy giờ, bên cạnh cây đa Nóng Luông còn có nhiều cây đa nữa bao bọc xung quanh ngọn đồi cùng với cây rừng chằng chịt, rậm rạp, phía ngoài là tai mắt của bà con nhân dân Mường Lựm đã làm nên những bức thành lũy kiên cố che chở cho chi bộ hoạt động.

Bốn đảng viên lão thành của xã Mường Lựm có mặt hôm nay là Lò Văn Chẹt, Hoàng Văn Phớ, Hoàng Vân và Hoàng Văn Đông đều là những cán bộ chủ chốt của xã nay đã nghỉ hưu, cùng bồi hồi ngồi trên những tảng đá ở chính nơi mà những đảng viên đầu tiên cách đây ngót 68 năm trước đã thành lập chi bộ. Xung quanh các cụ là đông đảo các thầy, cô giáo và học sinh cũng đang xúc động cùng các cụ lần giở từng trang lịch sử kiên cường về mảnh đất quê hương Mường Lựm.

Tự hào được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất truyền thống cách mạng, ông Lò Văn Chẹt đã rèn giũa cho 08 người con và 05 người cháu trở thành đảng viên cộng sản, trong đó có những người con cháu đã thành cán bộ chủ chốt của xã và cháu Lò Thị Hà 22 tuổi nhưng đã vinh dự được kết nạp Đảng tháng 9/2015.

Em Lò Đức Luân (lớp 5) học sinh giỏi của Trường tiểu học Mường Lựm cho biết, vẫn thường được ông bà kể cho nghe về cây đa - nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện. Còn đối với những cô giáo trẻ như Nùng Thị Thu, Hoàng Thị Nhung đặc biệt là cô giáo Vì Thị Hân (24 tuổi) vừa từ huyện Mộc Châu về nhận công tác được nửa tháng thì đây là những kiến thức lịch sử vô cùng quí giá để cô phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ “gieo” cái chữ ở mảnh đất xa xôi heo hút, muôn vàn khó khăn này.

Đưa tay chỉ hàng rào bằng tre nứa đã xiêu vẹo, cỏ dại mọc chen lối vào, ông Lò Đức Tiến – Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm tâm sự: Đảng ủy xã đang xin chủ trương của trên cho xây tường rào che chắn và tu bổ khu di tích lịch sử khỏi bị hoang phế, xuống cấp, đồng thời trở thành điểm đến thuận lợi cho các cơ quan đoàn thể, bà con nhân dân và các cháu học sinh mỗi dịp đến thăm.

Nằm ngay dưới chân ngọn đồi nơi có cây đa lịch sử là điểm trường trung tâm tiểu học, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS và bên kia thửa ruộng là điểm trường mầm non trung tâm của xã. Mỗi ngày tới trường, cây đa luôn là người bạn thân thiết, biểu tượng thiêng liêng trong trái tim thế hệ trẻ.

Các đảng viên lão thành ra thăm cây đa lịch sử. Các đảng viên lão thành ra thăm cây đa lịch sử.

Bốn đảng viên cao tuổi và ông Lò Đức Tiến (Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm – người ngồi thứ 2 từ phải qua trái) bồi hồi ngồi trên những tảng đá ở chính nơi mà cách đây ngót 68 năm trước các đảng viên đầu tiên đã thành lập chi bộ. Bốn đảng viên cao tuổi và ông Lò Đức Tiến (Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Lựm – người ngồi thứ 2 từ phải qua trái) bồi hồi ngồi trên những tảng đá ở chính nơi mà cách đây ngót 68 năm trước các đảng viên đầu tiên đã thành lập chi bộ.

Các lão đảng viên, ông Lò Đức Tiến và các thầy cô giáo trường mầm non và tiểu học xã Mường Lựm tại nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Yên Châu. Các lão đảng viên, ông Lò Đức Tiến và các thầy cô giáo trường mầm non và tiểu học xã Mường Lựm tại nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Yên Châu.

 Ông Hoàng Văn Phớ, 78 tuổi đời, 51 tuổi đảng, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Lựm từ năm 1979 – 1994 đang kể về nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện cho các cháu học sinh và mọi người cùng nghe. Ông Hoàng Văn Phớ, 78 tuổi đời, 51 tuổi đảng, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Lựm từ năm 1979 – 1994 đang kể về nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện cho các cháu học sinh và mọi người cùng nghe.

Toàn cảnh cây đa Mường Lựm - (ảnh: Đức Long). Toàn cảnh cây đa Mường Lựm - (ảnh: Đức Long).

Video chuyến đi "Về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên huyện Yên Châu"

Bài : Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam