Đất chèo quê lúa vào xuân

Giải trí, Văn hóa | 14:28:00 05/02/2016

Những nông dân mê say hát chèo

Cách đây gần hai năm, trong một dịp về thăm những bệnh nhân chữa bỏng tại gia đình lương y Đào Viết Thoàn, tôi bất ngờ bởi tiếng hát chèo tươi vui rộn ràng của bác nông dân bị bỏng vùng cổ và mặt quấn đầy băng trắng. Tiếng hát chèo của lão nông dân 69 tuổi, quê xã Lô Giang (Đông Hưng - Thái Bình) đã xua đi bao âu lo và mang đến những nụ cười hiếm hoi trên gương mặt hàng chục bệnh nhân. Ông là Vũ Minh Khính, cựu TNXP tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng những năm 1965 - 1967, và là bộ đội chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ và Cămphuchia từ năm 1968 - 1975 chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Không sinh ra ở đất chèo truyền thống, nhưng ông lại say mê hát chèo ngay từ còn rất nhỏ do được thừa hưởng từ mẹ. Ông Khính có biệt tài sáng tác nhiều bài hát chèo ca ngợi quê hương Thái Bình, ca ngợi tình đồng chí đồng đội như bài chèo “Nguyện đi theo Đảng”, “Bóng dì trên cao”, “Bức tranh gửi anh lính đảo”, ca cảnh chèo “Thắm tình quê hương”... đã được nghệ sỹ ưu tú Như Hoa, Thanh Ngoan, Xuân Hanh, Thanh Mai... trình bày trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Nhiều làn điệu, ca cảnh của ông đã được câu lạc bộ chèo của bà con các xã lân cận như Phong Châu, An Châu coi là cẩm nang mỗi khi giao lưu, biểu diễn.

Vào một ngày cuối năm, trời rét đậm. Ông đưa tôi đến xã An Châu, một địa phương mới nổi lên với mỗi thôn một câu lạc bộ hát chèo truyền thống. Mới 1 giờ chiều mà các thành viên Câu lạc bộ hát chèo thôn An Nạp đã tề tựu khá đông đủ tại nhà ông Vỹ. Ngoại trừ ông Vỹ là cán bộ về hưu, còn lại mọi người trong câu lạc bộ đều là nông dân thứ thiệt.

Yêu chèo và mê hát chèo, nên các thành viên tụ hội lại với nhau giao lưu sinh hoạt cho vui xóm, vui nhà. Đa phần các nhạc cụ như tam, néo, nhị…đều được các bác nông dân khéo tay ở đây tự sản xuất. Trong tiếng đàn tiếng trống rộn ràng, giọng ca mượt mà đằm thắm của cô Lạng, chú Khiêu cất lên như mang đến bao điều bình yên tốt lành cho người dân miền quê vất vả. Bà Hòa, dù đang bận rộn tu sửa phần mộ của tổ tiên dịp cuối năm cũng tranh thủ tạt qua làm vài bài góp vui.

Lần theo tiếng hát chèo tha thiết đang văng vẳng đâu đây, tôi tìm đến được gia đình chú Tiến cô Mùi. Thì ra cứ những lúc nông nhàn là cô chú lại bật nhạc lên hát vài điệu chèo cho vui. Chú bảo: thấy bố mẹ thích hát chèo, hai cậu con trai đi làm ăn xa đã góp tiền mua biếu bộ âm ly, động viên bố mẹ yêu ca hát cho vui tuổi già.

Cách đây 5 năm, cô chú chưa biết hát một câu chèo, nhưng khi ông Khính “kích” bằng câu hát: “Yêu chèo tìm đến với nhau/ Có phải đâu thấy Thị Mầu mà ham/ Yêu chèo bởi quá yêu đời/ Yêu cái hay, đẹp từ thời cha ông”, mà chú đã quyết tâm tự học. Chỉ sau vài tháng miệt mài “ngồi góc buồng” thẩm âm, cô chú đã hát chắc được nhịp, được phách, được lời của 20 làn điệu chèo cổ và đến nay thì chèo đã là niềm say mê không thể thiếu của cô chú và cả con cháu trong gia đình.

Chiếu chèo truyền thống làng Khuốc

Làng Khuốc thuộc xã Phong Châu (Đông Hưng - Thái Bình) được coi là “nôi chèo lớn” của cả nước. Hiện trong làng có đình thờ các vị tổ của nghệ thuật hát chèo, ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm, nhân dân trong làng và nhiều đoàn chèo cùng các diễn viễn, nghệ sỹ chèo đã về đây dâng hương tưởng nhớ.

Theo cuốn “Lịch sử chèo làng Khuốc” và “Một nghìn năm đất và người Thái Bình” thì chèo làng Khuốc có từ thế kỷ 13 và phát triển cực thịnh vào thế kỷ 17. Lúc đó, cả làng có tới 18 gánh hát, lưu diễn quanh năm phục vụ khắp các sân khấu dân gian xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc và cả cung đình các vương triều phong kiến. Đầu thế kỷ 20, làng Khuốc nổi tiếng bởi gánh hát của cụ kép Mục, Phó Thi, Chánh Ân…với các kép Ngạn, Vũ Văn Phụ, Cao Kim Trạch, Cao Kim Điển, Phạm Văn Điền, Đào Thị Na,…

 Năm 2007, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian hát chèo cho hai người đều là người làng Khuốc là cụ Cao Kim Trạch và cụ Phạm Văn Điền. Vào tháng 12/ 2015 mới đây, 09 người dân trong làng đã được Bộ Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa. Bà Bấc, con gái nghệ nhân Cao Kim Trạch là một trong số chín người được tặng danh hiệu cao quý đó và cũng là người đặc biệt đam mê hát chèo. Với bà, sinh ra là để hát chèo và hát chèo chính là cuộc sống, bởi vậy, không nề hà mưa rét, đêm hôm, trong làng ngoài xã hễ đâu có mở hội là có tiếng hát chèo của bà. Và Nguyễn Thị Thúy Hằng - con gái bà hiện đang là giáo viên dạy nhạc tiểu học cũng là một giọng ca chèo, hạt nhân văn nghệ của ngành giáo dục huyện Đông Hưng.

Hiện nay, nhắc đến những giọng chèo nổi bật của “chiếu chèo làng Khuốc”, cao niên thì có ông Ro, ông Khắng, ông Hồng, ông Hoạch, trung niên thì có cô Cậy, cô Quy, anh Lấng, anh Thìn, chị Hương, chị Út, lứa thanh niên thì có Thanh Thảo, Quách Thị Xiêm, và các cháu Thu Hà, Hằng, Hà Linh, Mai Trang, Mạnh Hùng...ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng đang là những “báu vật” của chiếu chèo làng Khuốc.

Ở làng Khuốc ai ai cũng yêu chèo và biết hát chèo cổ, có những gia đình chèo nổi tiếng như gia đình ông Hà Quang Tiết, Quách Văn Khởi, Quách Văn Cương, Bùi Văn Thuận, Quách Văn Lập...Điển hình như gia đình ông Quách Văn Cương, sau 5 năm là văn công Đoàn chèo Thái Nguyên, năm 1984 vợ chồng ông trở về quê và đều là hạt nhân văn nghệ nòng cốt của làng, xã và của huyện. Vợ chồng con trai của ông đang là diễn viên hát chính của Đoàn chèo Hưng Yên, con gái Quách Thị Xiêm cũng là giọng chèo có tiếng trong làng ngay từ ngày còn nhỏ và hiện là giảng viên trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật tỉnh Thái Bình, cháu gái Quách Hà Linh mới 5 tuổi nhưng cũng rất say mê chèo cổ và hát được nhuần nhuyễn những làn điệu chèo cổ mà ông bà, bố mẹ truyền dạy cho.

 “Nghệ sỹ” là nông dân

Theo thời gian, nhiều thế hệ rèn luyện từ chiếu chèo làng Khuốc đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chèo, trở thành nghệ sỹ và là hạt nhân nòng cốt của nhiều đoàn nghệ thuật trong cả nước. Cụ Cao Kim Trạch, cụ Phạm Văn Điền - nghệ nhân chèo điêu luyện làng Khuốc đã được mời đến truyền dạy cho nhiều đoàn chèo Trung ương và các tỉnh bạn.

Hiện nay, ở làng Khuốc có một gương mặt vừa chớm bước qua độ tuổi thanh niên được xem như là “nghệ sỹ”  nông dân nổi bật trong làng, bởi chị sinh ra và lập nghiệp ngay tại nơi chôn rau cắt rốn, công việc hàng ngày vẫn là chuyện đồng áng, làng quê, nhưng từng câu chèo của chị lại đạt tới mức chuyên nghiệp, làm đắm say thổn thức bao trái tim yêu chèo theo từng điệu múa, câu hát. Chị là Quách Thị Hương (36 tuổi), niềm tự hào của người dân làng Khuốc, một trong số hiếm hoi ở chiếu chèo làng Khuốc còn gìn giữ, phát triển được lối hát làn điệu chèo cổ có từ bao đời truyền lại.

Bằng chất giọng cao vút, rền vang, khi trầm bổng, tha thiết, những câu vỉa, ngâm, sử...theo lối chèo cổ làng Khuốc của chị như lôi cuốn tôi cùng chú Khính, cô Bấc - những nông dân mê say chèo - đắm chìm vào khung cảnh làng quê vào mùa trẩy hội như thực như mơ. Với kỹ thuật lấy hơi, nảy hạt, vào nhịp lơi sau một phách, vuốt nhẹ câu ngân i, a và đẩy câu lên đỉnh (thay cho lối hát đều đều phổ biến) rồi thả rơi xuống thật trầm..., chị Hương đã tạo được dấu ấn riêng của mình - người “nghệ sỹ” nông dân, làm cho từng câu hát trở nên tươi mới, gợi mở được sự đam mê hứng khởi từ thính giả.

Đất chèo vào xuân

Trước kia, theo người dân làng khuốc kể lại các gánh hát trong làng đi lưu diễn quanh năm, nên cứ đến dịp đón tết vui xuân các gánh hát lại có dịp tề tựu đông đủ về làng. Nhân dịp này, làng mở hội hát - múa - diễn chèo để các gánh hát tranh tài, thi thố và phục vụ bà con dân làng rong ruổi cuộc vui suốt cả mùa xuân. Tiếp nối truyền thống đó, vào mùng bốn tết hàng năm, ngay tại đình làng (nay là chiếu chèo) người làng Khuốc lại náo nức mở hội múa - hát - diễn chèo.

Không nỡ để mùa xuân cạn ngày, ra Giêng, Hai và tháng Ba (âm lịch) hàng năm, người dân làng Khuốc, người dân cả xã Phong Châu và bà con từ các xã, các huyện lân cận còn có nhiều dịp tưng bừng nô nức kéo về làng Khuốc để cùng vui lễ hội tại chùa Long Châu - Cổ Tự suốt 3 ngày 3 đêm (từ ngày 19 - 22/2 âm lịch) và lễ hội tại đền - chùa Am Vô Linh Từ kéo dài 3 đến 5 ngày (từ ngày 14 - 16/3 âm lịch...

Theo ông Quách Xuân Sáu, Trưởng Ban Văn hoá xã Phong Châu, múa - hát - diễn chèo đã trở thành nếp sống, thành tính cách của người làng Khuốc, của xã Phong Châu. Nhờ có niềm say mê yêu chèo mà diện mạo nông thôn mới của xã Phong Châu được đổi thay, phát triển, thế hệ trẻ không bị cám dỗ vào các tệ nạn xã hội, đều chăm chỉ học tập, làm ăn, tô thắm thêm nét đẹp văn hoá tinh thần của đất chèo làng Khuốc.

Những ngày này, người dân đất chèo làng Khuốc, người dân các miền quê yêu chèo tỉnh Thái Bình cũng đang hối hả tập luyện múa - hát - diễn chèo đón mùa xuân vui cùng đất nước./.

Nhà thờ tổ các vị tổ của nghệ thuật chèo.

 Chiếu chèo  làng Khuốc.

 

 



Câu lạc bộ chèo thôn An Nạp (xã An Châu - Đông Hưng - Thái Bình).

Những lúc thời vụ nông nhàn, chú Tiến cô Mùi lại cùng nhau vui hát những điệu chèo.

Hai ông cháu cùng yêu hát chèo (ông Khắng và cháu gái Phạm Thị Hằng - học sinh lớp 2 làng Khuốc).

Gương mặt “nghệ sỹ” nông dân nổi bật Quách Thị Hương của làng Khuốc.

Thúy Hằng (ngoài cùng bên phải) – giáo viên Trường tiểu học Đông Các - cùng đồng nghiệp
trước giờ diễn ca cảnh chèo tại Hội thi tiếng hát toàn ngành giáo dục năm 2010.
(ảnh do nhân vật cung cấp)

  Các cháu học sinh múa hát chèo trong sân trường.

Bài và ảnh:    Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam