Thăm làng bánh kẹo truyền thống Cổ Hoàng

Doanh nhân, | 17:28:42 18/03/2016

TNV - Trước đây, gia đình cụ cũng như nhiều hộ dân trong làng thường dăm bẩy ngày mới làm một mẻ vài chục cân rồi đem đi khắp các chợ lân cận trong vùng bán lẻ. Khoảng 05 năm trở lại đây, kẹo bánh trong làng lên ngôi được các tiểu thương ở nhiều vùng xa xôi cũng tìm đến tận nhà đặt hàng.

Kẹo truyền thống Cổ Hoàng đang lên ngôi

Làng Cổ Hoàng thuộc xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) có nghề làm bánh kẹo truyền thống từ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi cụ Chu Thị Nhật 81 tuổi nhớ lại từ ngày còn bé tí tẹo đã thấy bố mẹ, ông bà của mình làm kẹo dồi, kẹo lạc.

Trước đây, gia đình cụ cũng như nhiều hộ dân trong làng thường dăm bẩy ngày mới làm một mẻ vài chục cân rồi đem đi khắp các chợ lân cận trong vùng bán lẻ. Khoảng 05 năm trở lại đây, kẹo bánh trong làng lên ngôi được các tiểu thương ở nhiều vùng xa xôi cũng tìm đến tận nhà đặt hàng.

Nhờ vậy các con và người thân trong nhà cụ đã từng bước đầu tư, thuê thêm 5 - 7 lao động mở rộng sản xuất. Năm 2013, con dâu của cụ là Trần Thị Xuân cùng với dì ruột là bà Nguyễn Thị Thiệp đã liên kết cùng nhau sản xuất, đầu tư trên 200 triệu đồng mua sắm máy cắt, dây chuyền máy đóng gói kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng truyền thống và xây dựng nhà xưởng, lắp đặt điều hòa để sản phẩm kẹo của cơ sở Thiệp – Xuân luôn giữ được chất lượng, uy tín.

Cơ sở sản xuất kẹo truyền thống Chiến Tấn là một trong ba cơ sở sản xuất được đầu tư qui mô, bài bản và có chất lượng sản phẩm ngon nhất trong làng. Tôi đến thăm cơ sở khi chị Vũ Thị Cơ – con dâu lớn của bà chủ cơ sở - đang tất bật đóng gói những gói kẹo lạc, kẹo dồi thơm phưng phức và giòn tan kịp giao cho khách từ các tỉnh xa về lấy bán trong những ngày đầu xuân năm mới.

Truyền nghề lại cho con cháu

Chỉ ít phút sau cuộc điện thoại, bà Nguyễn Thị Tấn (chủ nhân cơ sở sản xuất Chiến Tấn) đã có mặt. Ở tuổi 60 bà vẫn rất nhanh nhẹn và tháo vát, gương mặt luôn tươi vui, đôn hậu. Chắc hẳn thời con gái bà là thiếu nữ duyên dáng có tiếng trong vùng. Bà sinh ra ở làng bên, năm 15 tuổi bà sang làng Cổ Hoàng khi ấy gọi là Cổ Đường làm nghề bánh kẹo giúp mợ ruột. Rồi duyên phận thế nào, bà lấy chồng làng Cổ Đường, sinh cơ lập nghiệp và theo nghề sản xuất kẹo truyền thống suốt từ ngày đó cho tới nay.

Nhìn từng động tác đánh tấc, vùi lạc, vuốt kẹo...uyển chuyển, chính xác và nhanh thoăn thoắt của bà mới thấy niềm say mê yêu nghề của bà đến nhường nào. Và niềm say mê yêu nghề cùng với những bí quyết mấy chục năm bà tích lũy được nay đang được truyền lại cho con dâu lớn. Chị Cơ, cô gái xứ Nghệ xa xôi có duyên làm dâu gia đình bà cũng như bà thủa trước luôn đằm thắm, vui tươi và dồn hết tâm sức của mình cho từng mẻ kẹo, từng thanh kẹo.

Trước đây, chị Cơ làm ở công ty may, nhưng từ đầu năm 2015, thấy nghề làm kẹo truyền thống trong làng phát triển cho thu nhập khá hơn nhiều so với làm công nhân, chị đã mạnh dạn xin nghỉ việc chuyển hẳn sang theo mẹ chồng sản xuất kẹo truyền thống của làng.

Không một chút giấu nghề, bà Tấn cho biết, để chất lượng kẹo thơm ngon và giòn tan, khâu nấu nha và đường là quan trọng nhất. Yêu cầu phải giữ lửa cho thật đều, không được quá to hoặc quá nhỏ; đường và nha trong chảo được đảo thật đều, thật nhanh trên bếp cho đến khi thấy có màu vàng nhạt là được tấc. Bởi nếu để già lửa kẹo sẽ đắng, dễ vỡ và rất khó kéo, còn nếu non lửa kẹo sẽ dai, không giòn.

Tấc sau khi được đánh tơi chuyển từ dạng lỏng sánh vàng nhạt sang dẻo mềm và có màu trắng ngà, nhanh chóng được cho lên bàn chuyên làm kẹo đã trải sẵn ni lon thấu cho thật đều và dàn thành hình chữ nhật; khi đó lạc rang trộn đường cũng vừa được đảo chín trên bếp đổ vào, hai mẹ con bà ở hai bên lại nhanh nhẹn cuộn kín lạc nhân vào giữa, rồi bắt đầu vuốt kẹo. Công đoạn vuốt kẹo cũng phải hết sức khẩn trương và khéo léo, vì nếu chậm nguyên liệu giảm độ nóng dẻo sẽ khó vuốt ra thành kẹo và sản phẩm lại dễ bị vỡ.

Trong khi bà Tấn nhanh tay vuốt từng thanh kẹo dồi dài độ 50 cm thì chị Cơ cũng thoăn thoắt cắt ra thành từng thỏi kẹo dồi vỏ trắng nõn ruột rộm vàng, thơm phưng phức, trông đã thấy ngon mắt.

Xong mẻ kẹo với con dâu cả, bà đưa tôi về cơ sở con dâu thứ hai và cũng là con dâu út. Cách đây 6 năm, trước khi lấy nhau con trai bà làm công ở xưởng in tư nhân và con dâu thì làm nghề kế toán cũng cho công ty tư nhân ở nội thành Hà Nội. Thu nhập ba cọc ba đồng không đủ trang trải sinh hoạt cho cuộc sống gia đình trẻ, bà liền hướng cho vợ chồng con trai út ngay sau khi cưới về cùng bà đầu tư mở rộng sản xuất kẹo dồi, kẹo lạc đang được thị trường ưa chuộng. Đến nay, cơ sở do vợ chồng anh Thuận chị Gấm quản lý thường xuyên thu hút từ 2 đến 5 lao động trong xã đến làm việc. Nhờ công việc sản xuất phát triển, gia đình anh chị đã mua được mảnh đất kề với trục đường chính trong làng, xây cất ngôi nhà khang trang và đầu tư trên 100 triệu đồng mua sắm máy sấy lạc, máy đánh kẹo và máy đóng gói phục vụ cho sản xuất.

Cần xây dựng thương hiệu làng nghề để phát triển bền vững

Vui mừng vì nghề sản xuất kẹo trong làng đang lên ngôi, nhưng bà Tấn bày tỏ băn khoăn khi trong làng còn nhiều hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc mạo danh cơ sở sản xuất có uy tín, làm tổn hại đến sự tồn tại phát triển của cả làng nghề.

Bà mong muốn chính quyền địa phương có biện pháp để chấn chỉnh các hộ sản xuất kẹo chưa đảm bảo chất lượng, thành lập được Hiệp hội làng nghề, để sản phẩm làng nghề luôn giữ được chất lượng và uy tín trên thị trường, cũng như tránh tình trạng làm ẩu, làm nhái để hạ giá cạnh tranh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã  Hoàng Long cho biết – thôn có 120 hộ (chiếm gần 60% số hộ trong thôn) sản xuất kẹo truyền thống thu hút việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động; nhờ sản xuất kẹo mà nhiều hộ trở lên khá giả như gia đình bà Nguyễn Thị Thiếp, hộ bà Trần Thị Xuân, hộ bà Nguyễn Thị Tấn, hộ bà Đặng Thị Chuyên, hộ anh Trần Văn Thuận, có hộ thoát nghèo như hộ bà Nguyễn Thị Thắm...

Được biết, trong thời gian tới xã Hoàng Long sẽ điều chỉnh quy hoạch NTM gắn với quy hoạch xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm gắn phát triển làng nghề với du lịch làng nghề; Tổ chức đón nhận, chứng nhận thương hiệu, nhãn hiệu tập thể bánh kẹo truyền thống làng nghề gắn với việc bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm chống hàng nhái, hàng kém chất lượng; Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất vay vốn với lãi xuất ưu đãi, đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường, học hỏi kinh nghiệm các làng nghề truyền thống trong huyện; Tham gia hội chợ, lễ hội làng nghề, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các chương trình khác do thành phố, huyện tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Một số hình ảnh tại làng kẹo truyền thống Cổ Hoàng:

Cụ Nhật cùng con trai dâng kẹo truyền thống do gia đình sản xuất lên bàn thờ tổ tiên.

   

Bà Tấn vừa làm vừa truyền nghề lại cho chị Cơ.

 

Công nhân đang làm việc tại dây chuyền mới đầu tư của gia đình anh Thuận.

 

Chị Gấm đều tay đảo nha và đường trên bếp lửa.

       

Chị Cơ đang tất bật đóng gói và chuẩn bị hàng giao cho khách.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam