Gặp người đánh thức hương vị của chè, nâng cao giá trị cho nông sản

Doanh nhân, Xây dựng thương hiệu | 15:05:00 08/04/2016

TNV - Trong từng chén trà, như có đủ cả thảy 18 hương vị đầu đẳng của thế giới loài chè, mà một chuyên gia nghiên cứu về chè của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô vào những năm 60 thế kỷ 20 trước đây đã khám phá ra ở chè Suối Giàng. Chẳng thế, mà chè 5 cực của anh có giá cao gấp 3, gấp 5 lần các loại chè khác mà vẫn nhiều du khách đến tìm mua.

Từ cao bách thảo gia truyền...

 Tiếp nối nghề nấu cao từ lá rừng đã có năm đời ở bên vợ truyền lại, vợ chồng anh Tùng ngay khi mới lấy nhau đã quyết theo nghề nấu cao bách thảo gia truyền của dòng họ Triệu dân tộc Dao ở thôn Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Từ hàng trăm loại lá thuốc hái ở những cánh rừng xa tít giáp ranh với Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) qua các công đoạn nhặt, băm, rửa, nấu, tiếp nước, cuốn, cô...nhiều gian nan vất vả, đòi hỏi cả sự tinh tế, công phu mới có được mẻ cao như ý.

Chị Triệu Thị Oanh (vợ anh Tùng) cho biết, trung bình mỗi năm gia đình nấu được chừng 2 tạ, cao được bán ngay tại nhà mà cũng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu đặt mua của bà con địa phương. Bởi cao bách thảo của gia đình chị luôn chưng nấu cẩn thận, có đủ hàng trăm vị thuốc, nên được bà con truyền tai nhau tin dùng.

Cao bách thảo thường được đóng gói một cách kín đáo, chặt chẽ trong giấy nilon trắng sạch. Đối với những người già cả hay mệt mỏi, đau nhức... mỗi ngày chỉ cần cắt một lát nhỏ (một lạng cao chia làm 10 lát) hòa tan vào nước sôi pha ấm, uống thường xuyên vào mỗi buổi sáng, hoặc buổi tối trước khi đi ngủ chừng....ngày sẽ thấy cơ thể hết mỏi mệt, xương khớp giảm đau nhức, tinh thần phấn chấn...Điều kỳ diệu là dùng cao bách thảo một cách đề đặn bệnh gút, bênh dị ứng kinh niên sẽ giảm hẳn đi trông thấy.

Suốt mấy chục năm qua, niềm vui của gia đình anh chị là đã giúp cho bao con người phục hồi sức khỏe, nhưng quan trọng hơn anh chị đã lưu giữ được phương thuốc gia truyền, cải thiện được đời sống để anh chuyên tâm vào cây chè, đánh thức được những hương vị thầm kín của cây chè cổ thụ Suối Giàng quê hương anh.

...đến đánh thức hương vị của chè

Là người con của Văn Chấn nơi có những rừng chè cổ thụ ở xã Suối Giàng, lớn lên lại làm việc ở Nhà máy sản xuất chè của địa phương, anh Tùng đã bao phen chứng kiến số phận nổi trôi của sản phẩm chè quê hương. Phần thì bởi cung cách làm ăn lạc hậu thời quan liêu bao cấp, phần thì do cách làm ăn “mạnh ai, lấy làm”, “thật, giả lẫn lộn” ở những năm đầu đổi mới, mở cửa...Đây là điều làm anh luôn day dứt và trăn trở, thôi thúc anh phải quyết tâm làm điều gì đó khẳng định giá trị đích thực của sản phẩm chè tuyết cổ thụ Suối Giàng?

Nghĩ là làm, anh gom góp những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi công sức của gia đình đi vùng chè Phổ Nhĩ (Trung Quốc) tầm sư học đạo. Anh lặng lẽ một mình lên núi hái chè, rồi lại âm thầm mầy mò thử nghiệm cách phơi, sấy...Thất bại, cay đắng, tốn biết bao công sức, tiền của, nhiều lúc anh định bỏ cuộc...Nhưng rồi như là duyên phận, anh lại hăm hở bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng từng công đoạn. Từng tia hy vọng mong manh đã bắt đầu lóe ra. Phải mất đến mấy năm trời kiên trì, cần mẫn, từng bước, từng bước...anh mới hoàn thiện được quy trình sản xuất ra được sản phẩm chè ưng ý – chè 5 cực.

Những sản phẩm chè thông thường khác có chung xuất xứ ở Suối Giàng bên cạnh vị ngọt hậu, được nước thì vẫn có vị đắng chát và rất ít hương thơm. Chè 5 cực do anh Tùng sản xuất đã khắc phục được những nhược điểm đó. Trong từng chén trà, như có đủ cả thảy 18 hương vị đầu đẳng của thế giới loài chè, mà một chuyên gia nghiên cứu về chè của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô vào những năm 60 thế kỷ 20 trước đây đã khám phá ra ở chè Suối Giàng. Chẳng thế, mà chè 5 cực của anh có giá cao gấp 3, gấp 5 lần các loại chè khác mà vẫn nhiều du khách đến tìm mua.

Bí quyết nào khiến anh làm được điều mà nhiều người tưởng chừng như không thể làm được đó? Đó chính là những sáng kiến, phát hiện của anh trong tất cả các khâu từ chọn lựa, thu hái, phơi, sấy...và hơn tất cả là anh lao động bằng cả tấm lòng đam mê cháy bỏng của mình dành cho từng búp chè, từng mẻ chè.

Chè được anh thu hái, thu mua duy nhất là chè “một tôm” ở bản Giàng Cao và phải được hái từ sáng sớm trước khi mặt trời thức dậy. Chè “một tôm” là búp chè chưa mở lá non sẽ ấp ủ nhiều hương vị tinh khôi của đất trời, và chưa bị ánh sáng mặt trời làm phôi phai đi những hương vị đã tích tụ suốt bao đêm giữa đại ngàn trong ngần gió núi và sương sa tinh khiết.

Xã Suối Giàng có hàng chục ngàn cây chè cổ thụ hàng chục, hàng trăm năm tuổi ở các bản, nhưng chè hái ở bản Giàng Cao là ngon hơn cả. Bởi, bản Giàng Cao có nhiều cây chè tổ tuổi đời cao và theo kinh nghiệm dân gian những cây chè nằm về hướng Đông quả núi cho hương vị thơm ngon hơn các nơi khác.

Để có được chè ngon, yêu cầu những búp chè phải tươi không được dập nát, và chế biến ngay sau khi thu hái không quá 3 tiếng đồng hồ. Chè được trải mỏng đều trên nia, quạt nhẹ trong bóng râm khoảng 1 tiếng đồng hồ cho những giọt sương trên lá khô đi rồi mới chế biến. Đặc biệt, phải đảm bảo đủ nhiệt và giữ nhiệt đều trong suốt khâu sấy chè, hay còn gọi là “nói chuyện được với lửa”. Đây là khâu đòi hỏi sự cảm nhận thật tinh tế và anh Tùng là một trong số ít người có được điều đó. Ngoài ra, anh còn tìm ra loại than củi gỗ sến cho nhiệt lượng tốt nhất khi sấy chè.

 Theo anh Tùng chè 5 cực ở đây là cực khổ để lên rừng hái chè, vất vả dùng tay liên tục đảo thật đều cho chè khỏi bị cháy; cực ngon là uống đến nước thứ 8, thứ 9 mà hương vẫn thơm, vị vẫn ngon; cực đẹp là nhìn từng búp chè “một tôm” to, dày, đầy n nhà gỗ khang trangđặn phủ lớp phấn tự nhiên như màu sương trắng của núi rừng; cực sạch bởi chè được hái từ những cây chè cổ thụ mọc tự nhiên không người chăm bón, quá trình phơi sấy luôn được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và không tẩm ướp bất kỳ hương liệu gì; cực đắt là bởi đây là thứ chè được dành cho những người sành chè ở phân khúc thị trường cao cấp.

Nếu một lần bạn được uống trà trong căn nhà gỗ của vợ chồng anh Tùng ngay tại trung tâm xã Suối Giàng, vừa thảnh thơi cảm nhận vị ngọt hậu, hương thơm dìu dịu vừa ngắm nhìn bộ bàn ghế và đặc biệt là chiếc sập to rộng choán gần nửa phòng khách, tất cả đều được làm từ những gốc cây bỏ đi với nhiều đường nét tự nhiên, cổ kính, càng thêm khâm phục người nông dân đã đánh thức được hương vị của chè, nâng cao giá trị cho nông sản truyền thống của địa phương..

Anh Tùng (bên trái) đang giới thiệu cho tác giả xem cao bách thảo.

 

Bà con vùng cao hái chè xuống bán.


Những búp chè được lựa chọn đạt tiêu chuẩn.

 


Chè được trải đều để hong theo đúng qui trình.

Cùng thưởng trà 5 cực tại đất chè cổ thụ Suối Giàng.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam