Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của người đứng đầu

Thông tin về phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 2 ngày 1 và 2/6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tập trung bàn và đánh giá các văn bản phục vụ các luật, pháp lệnh, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng thể chế, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn luật, pháp luật, tinh thần là không để nợ đọng.

Chính phủ cũng  tập trung thảo luận đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 tháng và tháng 5/2016. Trong điều kiện khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm rất cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chúng ta đã đạt được thành tựu rất quan trọng. Trong đó, chỉ số CPI 5 tháng tăng 1,88% so với tháng 12/2015, lạm phát bình quân 5 tháng tăng 1,78%, chỉ số công nghiệp 5 tháng tăng 7,5%, so với cùng kỳ tăng 9,2%, xuất khẩu tăng 6,6% so với cùng kỳ tăng 7,3%, đặc biệt FDI giải ngân dược 5,8 tỷ USD và tăng 17,2% so với cùng kỳ. Riêng vốn đăng ký FDI rất tốt, đạt 10,16 tỷ USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2015. Đáng mừng là có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập và có 12.999 doanh nghiệp trước đây do khó khăn tạm dừng sản xuất thì đã hoạt động trở lại.

“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng.Trong thời điểm hiện nay, Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, không tăng lệ phí, phí; việc điều chỉnh giá dịch vụ các lĩnh vực giáo dục, y tế phải có lộ trình, không tăng đồng loạt. Phí BOT, phí giao thông không tăng, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Thủ tướng đã kết luận rất rõ như vậy..”, Bộ trưởng cho biết.

bo_truong_dung__2_6-20_02_22_154 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo. (Ảnh: T. Nguyên).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ: Trong chỉ đạo của Thủ tướng hết sức quan tâm siết chặt kỷ cương, kỷ luật của các cơ quan hành chính, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trong việc thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ,  Nghị quyết của Quốc hội và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đã tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt

Trả lời về việc nguyên nhân dẫn đến cá chết  hàng loạt xảy ra tại các tỉnh miền Trung và việc xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi phát hiện cá chết bất thường, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo kịp thời và quyết liệt các bộ ngành và địa phương. Đã mời hàng trăm nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng tham gia thu thập dữ liệu, chứng cứ, để xác minh điều tra nguyên nhân, trên nguyên tắc là phải dựa vào khoa học, khách quan, và chặt chẽ về mặt pháp lý.

"Trong quá trình điều tra, quan điểm của Thủ tướng đã chỉ đạo, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và không loại trừ bất cứ một tổ chức, cá nhân nào. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cơ quan chức năng, mời tư vấn trong và ngoài nước để phản biện độc lập vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng. Khi công bố, phải bảo đảm chứng cứ, tính pháp lý và tính khách quan”, Bộ trưởng nêu rõ.

Đồng thời, Thủ tướng cũng quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm môi trường kinh doanh, môi trường tự nhiên, nhất là bảo đảm môi trường biển được an toàn, lâu dài. Đây cũng là mong đợi của người dân.

Thông tin  thêm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau cần phản biện một cách rốt ráo mới có đủ cơ sở khoa học  để công bố chính thức, vì bất cứ một sai lệch nào cũng sẽ gây khó khăn trong khắc phục hậu quả.

“Việc xác định thủ phạm không chỉ là căn cứ trên bằng chứng khoa học, mà còn phải dựa trên những bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm pháp luật về môi trường”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.

Làm rõ động cơ Công ty CP Sông Đà 11 tự ý thi công

Thông tin  về việc cột điện 220 kV đổ ở Nam Định, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là dự án mà chủ đầu tư là Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia. Đơn vị trực tiếp thi công phần móng cốt liên quan đến câu hỏi của phóng viên là chi nhánh 7 Công ty CP Sông Đà 11. Vị trí cột số 1, số 2, đoạn tuyến từ G1-G3 tại đường dây 220 kV của Ninh Bình-Nam Định do đơn vị này thi công. Đang thi công thì có văn bản số 168 của Công ty TNHH Quản lý bay thuộc Công ty quản lý bay miền Bắc thông báo tuyến đường dây đi qua đài dẫn đường và đề nghị tạm dừng việc thi công. Tuy nhiên, Công ty CP Sông Đà 11 vẫn tự ý thi công vị trí móng số 1 và số 2.

Ngày 1/6, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước hết kiểm tra việc thực hiện quy trình về việc quản lý chất lượng công trình nói trên và làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan đến công trình và giám sát kỹ thuật công trình như quy định. Đồng thời,  làm rõ động cơ Công ty CP Sông Đà 11 tự ý thi công vị trí móng số 1 và số 2 mặc dù đã có biên bản yêu cầu tạm dừng thi công mà vẫn cứ thi công; rà soát toàn bộ chất lượng thi công các hạng mục công trình do Công ty CP Sông Đà 11 thực hiện.

“Chúng tôi đã mời cơ quan an ninh hỗ trợ trong trường hợp cần xác minh rõ nội dung cũng như những phản ánh của nhân dân, làm rõ động cơ của tổ chức và cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện. Về hình thức xử lý sai phạm, Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo: Căn cứ theo kết quả kiểm định, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm có thể bằng các hình thức cao nhất – kể cả buộc thôi việc, tùy mức độ sai phạm, hoặc có thể chuyển cơ quan điều tra xử lý nếu có dấu hiệu phạm tội ”, Thứ trưởng cho biết.

Theo Dangcongsan