6 câu hỏi lớn chưa lời giải đáp sau khi cử tri Anh chọn Brexit

Quốc tế | 08:45:18 30/06/2016

Brexit - hay việc cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi EU - đã để lại cú sốc lớn không chỉ cho nước Anh, Liên minh châu Âu (EU) mà còn cả thế giới.

Sau kết quả đầy bất ngờ của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit diễn ra tuần trước,BBC đã đưa ra 6 câu hỏi rất đáng lưu tâm nhưng vẫn chưa có lời giải đáp liên quan đến vấn đề hậu Brexit.

Việc Anh ra đi sẽ để lại một khoảng trống lớn trong lòng EU? Ảnh: AP Việc Anh ra đi sẽ để lại một khoảng trống lớn trong lòng EU? Ảnh: AP

1. Khi nào Anh rời khỏi EU? Tại sao Anh không rời ngay?

Để có thể rời khỏi EU, Vương quốc Anh cần phải chính thức “khởi động” Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào rời khỏi EU nên Điều 50 vẫn chưa được vận dụng.

Ngay khi điều 50 được vận dụng thông qua một bức thư hoặc một tuyên bố [của Anh dành cho EU-ND], tiến trình để Anh rút khỏi EU mới chính thức bắt đầu.

 Từ thời điểm đó, Anh sẽ có 2 năm để đàm phán về việc rút khỏi EU với các nước thành viên của khối. Tuy nhiên, việc đàm phán là rất phức tạo và tiến trình này có thể kéo dài hơn thế nhiều lần.

Trong tuyên bố của mình sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, Thủ tướng Anh David Cameron - người ủng hộ việc Anh ở lại EU - tuyên bố ông sẽ từ chức vào tháng 10 và “nhường” quyền quyết định khi nào mới vận dụng Điều 50 cho người kế nhiệm.

Những người ủng hộ việc Anh rời khỏi EU tuyên bố, họ muốn đàm phán không chính thức với EU trước, tuy nhiên, Ngoại trưởng các nước Pháp và Đức lại muốn Điều 50 phải được “kích hoạt” càng sớm càng tốt nhằm tránh kéo dài tình trạng bất ổn hiện nay.

2. Brexit có làm tan rã Vương quốc Anh?

Không như Anh và xứ Wales, đa số người Scotland đã bỏ phiếu ở lại EU và Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố việc một quốc gia bị đẩy khỏi khối bất chấp ý nguyện của người dân là “một hành vi không thể chấp nhận được về mặt dân chủ”.

Bà Sturgeon khẳng định, một cuộc trưng cầu dân ý về quyền độc lập của người Scotland nhiều khả năng sẽ diễn ra và các cuộc thăm dò gần đây cho thấy có tới 60% người Scotland ủng hộ việc rời Vương quốc Anh để có thể ở lại EU.

Một chuyên gia về Hiếp pháp Scotland còn gợi ý rằng, Scotland có thể đi xa hơn bằng cách phủ quyết cuộc trưng cầu dân ý về Brexit dù nhiều chuyên gia khác lên tiếng bác bỏ khả năng này và cho rằng hành động đó là quá cực đoan.

Bắc Ireland cũng bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại EU và Phó Thủ hiến Bắc Ireland Martin McGuinness cũng đã kêu gọi trưng cầu dân ý về việc Bắc Ireland và Ireland hợp nhất để có thể vừa tách khỏi Vương quốc Anh vừa được ở lại EU.

Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland của Vương quốc Anh Theresa Villiers đã bác bỏ lời kêu gọi của ông McGuinness và nhấn mạnh không có khung pháp lý nào cho việc này.

Hiện vẫn chưa rõ liệu có cần thiết lập cái gọi là “biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và Ireland nếu Bắc Ireland rời EU hay không, nhất là trong bối cảnh chỉ vài giờ sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, những người ủng hộ Brexit đã từ chối thực thi một số cam kết quan trọng mà họ đưa ra trong chiến dịch vận động của mình.

3. Những người ủng hộ Anh ra đi đang "nuốt lời"?

Trong đó, đáng chú ý là cam kết về việc Anh sẽ lấy lại khoản tiền trị giá 350 triệu Bảng mà nước này đóng góp cho EU hàng tuần. Tuy nhiên, cam kết này đã bị chỉ trích dữ dội ngay trong thời điểm diễn ra chiến dịch vận động bởi nhiều người chỉ ra rằng, số tiền 350 triệu Bảng là tổng số tiền đóng góp của Anh và Anh nhận lại từ EU số tiền nhiều hơn thế rất nhiều.

Những nhân vật chính ủng hộ việc Anh rời khỏi EU như Nigel Farage, Boris Johnson và Ian Duncan Smith đã “lờ đi” cam kết 350 triệu bảng nói trên và ông Ducan Smith đã tuyên bố đó chỉ là việc “có thể xảy ra” chứ không phải là một cam kết cụ thể.

Ngoài ra, một số cam kết khác của những người vận động để Anh rời khỏi EU cũng đang bị hoài nghi. Những người này hứa sẽ “giành lại quyền kiểm soát biên giới lại cho nước Anh” và giảm số người nhập cư vào nước này. Tuy nhiên sau đó, những người này lại lên tiếng cho rằng, Anh cần chấp nhận quyền tự do đi lại để đổi lấy việc có thể tiếp cận thị trường EU.

“Có rất nhiều điều chúng ta đã cam kết trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cần phải được xem xét lại”, ông Liam Fox, một người ủng hộ việc Anh ra đi tuyên bố.

4. Nền chính trị Anh có bị sụp đổ?

Những ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit diễn ra chứng kiến một sự xáo trộn chưa từng có trong lịch sử chính trị Anh đẩy cả Chính phủ và phe đối lập Anh vào “một mớ bòng bong”.

Tờ New York Times thậm chí còn viết: “Một quốc gia nổi tiếng ổn định về chính trị và luật pháp giờ đang trượt dài vào hỗn loạn”.

Ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Anh đã tuyên bố từ chức và nhấn mạnh, ông chỉ ở lại đến tháng 10 để đảm bảo quá trình chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ.

Đảng Bảo thủ giờ sẽ phải tìm ra một nhà lãnh đạo mới nhưng bản thân nội bộ đảng cũng đã chia rẽ sâu sắc. Ứng viên hàng đầu, cựu Thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ việc ra đi trong khi hai đối thủ còn lại là Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Tài chính George Osborne lại ủng hộ việc Anh ở lại EU.

Điều này khiến cho “luật chơi” giờ nằm trong tay Công Đảng đối lập. Tuy nhiên, bản thân Công Đảng cũng đang bị khủng hoảng và rất nhiều quan chức của đảng đã phải từ chức ngay trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn diễn ra.

Rất nhiều nghị sĩ Công Đảng tin rằng, ông Corbyn đã thất bại trong việc vận động cử tri ủng hộ Anh ở lại EU và ông cũng sẽ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn sắp tới.

Nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra theo đúng “kịch bản”, Công Đảng sẽ phải chọn ra một lãnh đạo mới. Tuy nhiên, nội bộ Công Đảng cũng vẫn tranh cãi về việc liệu ông Corbyn có nghiễm nhiên có tên trong danh sách bầu chọn mới hay không.

5. Brexit có khuyến khích tệ phân biệt chủng tộc không?

Dù không có thống kê chính thức nhưng có rất nhiều báo cáo trên các phương tiện truyền thông về những trường hợp phân biệt chủng tộc liên quan đến việc phe ủng hộ Brexit chiến thắng. Trong đó, cảnh sát đã lên tiếng xác nhận nhiều vụ nổi cộm.

Tại Hammersmith, Tây London, những bức tranh graffiti mang đậm tính phân biệt chủng tộc đã được vẽ lên cổng ra vào Hiệp hội Văn hóa và Xã hội Ba Lan.

Trong khi đó, tại Cambridgeshire, cảnh sát đang điều tra việc có nhiều tấm thiệp phát sáng được đặt bên ngoài cổng một trường họ tại đây có dòng chữ: “Rời khỏi EU/Sẽ không còn lũ mọi Ba Lan” bằng cả tiếng Anh và tiếng Ba Lan.

Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp khác về việc mọi người chì chiết những người mà họ coi là những kẻ nhập cư. Chiến dịch vận động Anh rời khỏi EU vì thế bị cáo buộc khuyến khích hành động thù địch nhằm vào người nhập cư.

6. Điều gì sẽ xảy ra với những người nhập cư đã đặt chân đến Anh?

Những người đã di cư từ EU sang Anh có thể được cấp quy chế ở lại Anh vĩnh viễn vì những người ủng hộ việc Anh rời khỏi EU không kêu gọi họ sẽ bị trả lại EU. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm điều này không xảy ra.

Theo luật tư do di trú hiện hành của EU, các công dân có quyền tự do đi lại và ở lại một quốc gia thành viên EU. Nếu Anh đàm phán thành công với EU để duy trì quyền tự do đi lại này sau khi Anh đã rời khỏi EU, những người di cư từ EU sang Anh (ước tính lên đến 3 triệu người) và những người di cư từ Anh sang nước khác (khoảng 1,2 triệu người) sẽ không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh sẽ phải đương đầu với áp lực dữ dội phải rút lại quyền tự do đi lại sau khi những người ủng hộ Anh rời EU cam kết giảm số người di cư từ EU sang Anh. Điều đó có nghĩa là công dân Anh muốn làm việc hoặc định cư tại các nước EU sẽ phải xin visa lao động hoặc sinh sống tại các nước EU và ngược lại./.

Theo VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam