Tàu ngầm Hoàng Sa sẽ tiếp tục thử nghiệm ở trạng thái lặn trong thời gian tới

Thời sự, Chính trị | 16:56:44 06/07/2016

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, phương tiện lặn (tàu ngầm Hoàng Sa) của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã trải qua đợt thử nghiệm ở trạng thái nổi và sẽ phải tiếp tục thử nghiệm ở trạng thái lặn trong thời gian tới.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa điều khiển "tàu ngầm" Hoàng Sa.  (Nguồn: Giang Chinh/VnExpress) Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa điều khiển "tàu ngầm" Hoàng Sa.
 (Nguồn: Giang Chinh/VnExpress)

Được biết, năm 2014, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Giám đốc Công ty chế tạo cơ khí Quốc Hòa) ở tỉnh Thái Bình chế tạo “tàu ngầm” mini và đặt tên là Trường Sa. Năm 2015, ông cùng đội kỹ sư chế tạo “tàu ngầm” thứ hai mang tên là Hoàng Sa, được bổ sung nhiều tính năng

Trong 3 ngày từ 1-3/7 vừa qua, tàu ngầm Hoàng Sa trên biển của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã chạy thử nghiệm trên biển. Buổi thử nghiệm thành công, con tàu đã đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật do Hội đồng đánh giá của Bộ Quốc phòng.

Giải đáp những thắc mắc của cơ quan báo chí về việc liệu tàu ngầm Hoàng Sa đã đủ tiêu chuẩn để hoạt động dưới biển, ngày 5/7 tại buổi họp báo của Bộ KH&CN, ông Dương cho biết, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, vì sản phẩm của ông Hòa chưa được coi là tàu quân sự nên gọi là tàu lặn hoặc phương tiện lặn cho chính xác. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, đăc biệt là Bộ Tư lệnh Hải quân để thực hiện chỉ đạo lên phương án thử nghiệm, đánh giá phương tiện lặn của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa.

Theo quy trình do Bộ Tư lệnh Hải Quân phê duyệt, ngày 3/7, phương tiện lặn này đã thử nghiệm ở trạng thái nổi và đã đáp ứng được những yêu cầu đề ra. Sau đó, phương tiện này sẽ được thử nghiệm ở trạng thái lặn trong thời gian tới.

Trước câu hỏi Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ như thế nào trong việc này, ông Dương cho biết chỉ đạo của Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng. Việc chủ trì ở đây là liên quan tới hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên, theo ông Dương, mong muốn của ông Nguyễn Quốc Hòa là phương tiện lặn sẽ được sử dụng trong lĩnh vực quân sự như tàu ngầm. Từ đó, Bộ KH&CN đã trao đổi rất kỹ với Bộ Quốc phòng (bởi lẽ ở Việt Nam chuyên gia trong lĩnh vực tàu lặn, đặc biệt là tàu ngầm chỉ có trong lĩnh vực quốc phòng). Qua trao đổi, nhiệm vụ này được giao trực tiếp cho Bộ Quốc phòng thực hiện ở dạng nhiệm vụ cấp Bộ. Bộ Quốc phòng cấp kinh phí để Bộ Tư lệnh Hải quân mà trực tiếp là Viện Kỹ thuật Hải quân tiến hành.

Cũng theo ông Dương, trong trường hợp Bộ Quốc phòng có yêu cầu, Bộ KH&CN sẽ tìm các chuyên gia trong các lĩnh vực khác để hỗ trợ. Việc thử nghiệm nổi vừa qua của tàu ngầm Hoàng Sa rất khả quan, Bộ KH&CN hy vọng trong đợt thử nghiệm lặn chìm dưới nước cũng sẽ cho kết quả tốt./.

Tàu ngầm mini Hoàng Sa được trang bị các hệ thống như hệ thống dẫn đường, liên lạc thủy âm khi lặn sâu, hệ thống liên lạc tầm xa VHF khi nổi, hệ thống camera quan sát dưới nước; hệ thống dò quét đáy biển, vật cản phía trước... đã thử nghiệm xong và đang hoạt động tốt. Tàu ngầm mini Hoàng Sa nặng khoảng 9 tấn, dài 7 m, bề ngang 2,5m, cao 2m và có thể lặn sâu 50m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. Vỏ tàu được thiết kế bằng thép cường lực. Tàu có hình thoi dẹt, có thể chạy được 7 hải lý/h, tốc độ tối đa có thể đạt được 15 hải lý/h.

Theo Dangcongsan

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam