Theo Tiến sĩ Vũ Đức Lợi , Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó chủ tịch Hội đồng khoa học quốc gia tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung cho biết, khoảng cuối tháng 7/2016, Hội đồng sẽ công bố kết quả, là cơ sở các nhà quản lý và khoa học trả lời khi nào biển an toàn và đưa ra các phương án khắc phục môi trường biển.

ca_vau-21_04_35_829 Cá chết nổi trên mặt nước tại biển miền Trung. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Theo Tiến sĩ Lợi, để xác định hàm lượng độc tố phenol hay xyanua còn tồn dư bao nhiêu, phân hủy ra sao và chuyển hóa thành chất gì, nhà nghiên cứu đã lặn xuống biển thực hiện khảo sát, lấy mẫu trầm tích.

Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện đo đạc 13 mặt cắt từ biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên Huế ở các thời điểm khác nhau. Các dữ liệu đang được phân tích trong phòng thí nghiệm. Nhóm nhà khoa học đang tiếp tục khảo sát, đo đạc các mặt cắt ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung, theo dõi sự hấp thụ và biến thiên của các độc tố để trả lời biển an toàn hay chưa và đưa ra các phương án xử lý ô nhiễm.

TS Vũ Đức Lợi cũng thông tin, Hội đồng khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung cũng đã được thành lập do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân là Chủ tịch Hội đồng. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ cũng là thành viên của hội đồng này.

Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho biết, sau khi có kết quả từ các nhà khoa học, để phục hồi môi trường biển bên cạnh phục hồi tự nhiên thì có thể trồng mới san hô, từ đó tạo môi trường thuận lợi để cá và các sinh vật khác phát triển. Ấu trùng của cá ở vùng sinh sản nhiều sẽ di chuyển đến và phát triển.

Tuy nhiên để giải pháp phục hồi tự nhiên và nhân tạo trở thành hiện thực, các nhà khoa học đều có chung nhận định là biển phải không tiếp nhận thêm chất thải hay tác động từ hoạt động đánh bắt của con người, nếu không các chất độc sẽ tiếp tục cộng hưởng, môi trưởng biển tiếp tục ô nhiễm.  Dù áp dụng phương pháp hay công nghệ nào trong xử lý môi trường biển, thì quan trọng vẫn là quản lý khai thác nguồn lợi từ ngư dân và hệ thống xả thải từ hoạt động của con người ra biển.

Đưa ra giải pháp làm sạch môi trường biển, các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, Việt Nam cần khảo sát mức độ bị hủy hoại môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Việc này sẽ giúp nhà quản lý hoạch định kế hoạch sát thực nhất, như nơi nào có thể để môi trường tự làm sạch và tự phục hồi, vùng nào cần sự hỗ trợ của con người và khu vực nào hoàn toàn phải phục hồi nhân tạo. Phương pháp đánh giá ô nhiễm nên làm thông qua phân lô, lấy mẫu, phân tích. Còn về mức độ hủy hoại thì nên tính phần trăm số sinh vật biển bị hủy hoại tại chỗ và mật độ sinh vật biển có trong hiện trạng./.

Theo Dangcongsan