TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC VÀ ĐẢNG LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC

Tiêu điểm | 15:52:16 14/07/2016

Xuất phát từ nhu cầu giải phóng dân tộc, trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, là lý luận cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Được soi sáng bởi phương pháp luận biện chứng mácxít, thông qua hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã phát hiện vị trí lịch sử của các chế độ nhà nước đang vận hành, trên cơ sở phân tích, so sánh và đặt chúng trong dòng chảy liền mạch của tiến bộ lịch sử. Trong quá trình khảo cứu, Hồ Chí Minh chú ý tìm hiểu hai loại hình nhà nước hiện thời: Nhà nước dân chủ tư sản mà những đại diện tiêu biểu là Mỹ, Pháp và nhà nước xã hội chủ nghĩa ra đời từ Cách mạng Tháng Mười 1917.

Trong nhận thức của Hồ Chí Minh, nhà nước tư sản dù ở Mỹ hay ở Pháp, mặc dầu đã xác lập được một hệ thống giá trị theo các chuẩn mực dân chủ và nhân đạo, nhưng về thực chất vẫn là công cụ thống trị của một số người, vì lợi ích của thiểu số; đại bộ phận dân chúng vẫn bị bóc lột, nô dịch cả ở chính quốc lẫn ở các nước thuộc địa. Tính chất phiến diện nửa vời, không triệt để của nhà nước dân chủ tư sản, ngay trong bản chất của nó đã bộc lộ những đối kháng không thể điều hòa và chắc chắn sẽ là nguyên nhân làm bùng nổ các cuộc cách mạng xã hội trong tương lai. Cái gọi là “thiên đường của dân chủ, tự do”, lý tưởng bình đẳng, bác ái chỉ còn là những ngôn từ sáo rỗng, không có nội dung xã hội xác thực. Vì vậy, mục đích giải phóng và phát triển của xã hội Việt Nam không thể lựa chọn và đi theo kiểu nhà nước đó. Những nhận xét và khảo nghiệm của Hồ Chí Minh về nhà nước tư sản mang tính cách mạng, khoa học, có ý nghĩa phương pháp luận to lớn và ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị.

Đối lập với nhà nước tư sản là nhà nước Xôviết còn non trẻ, nhưng đã bộc lộ sức sống và những ưu thế nổi trội của mình, hướng vào phục vụ quần chúng công - nông - binh, thật sự vì lợi ích của họ. Đây chính là loại hình nhà nước của chế độ xã hội mới mà cách mạng Việt Nam phải đi theo. Như vậy, bằng những khảo nghiệm thực tiễn, với tư duy chính trị nhạy cảm, sắc sảo, vào những năm 20 của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười, kiểu nhà nước theo học thuyết Mác - Lênin. Câu hỏi về con đường xóa bỏ nhà nước thực dân phong kiến và lấy gì để thay thế đã tìm được lời giải xác đáng. Để lựa chọn kiểu nhà nước theo xu thế vận động của lịch sử, Hồ Chí Minh dựa trên hai cơ sở chính. Đó là tính chất nhân dân và khả năng của nhà nước trong việc bảo đảm cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, thoả mãn các “nhu cầu trần thế” của nhân dân và con người. Ở Hồ Chí Minh, việc lựa chọn kiểu nhà nước gắn bó chặt chẽ với mục tiêu giải phóng con người và phát triển xã hội.

Tính chất sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh là việc vận dụng kinh nghiệm Xô viết để kiến tạo, xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Về mục đích, nguyên tắc, Người trung thành với “mô hình Xôviết”, nhưng lại có bước đi, cách làm độc lập, không giáo điều, rập khuôn. Có thể nói, Hồ Chí Minh chỉ lĩnh hội cái “tinh thần Xôviết” để định hình “mô hình Nhà nước Việt Nam”. Chính vì thế, năm 1941, khi về nước, trong quá trình xây dựng căn cứ địa cách mạng, Hồ Chí Minh không chủ trương xây dựng các Xôviết đã từng xuất hiện trong phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) mà thành lập Ủy ban Việt minh, Ủy ban giải phóng và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, liên tỉnh. Giữa năm 1945, khu giải phóng Việt Bắc đã hình thành chính quyền hoàn chỉnh. Đồng bào toàn khu được hít thở không khí tự do, tự tổ chức đời sống của mình, từ sản xuất, đánh giặc, quản lý mọi mặt đời sống xã hội đến bảo vệ chính quyền. Bằng công tác thực tiễn chu đáo, thiết thực, các ủy ban nhân dân, chính quyền kiểu mới cắm rễ trong lòng quần chúng, tạo nên uy tín và sức mạnh. Chính phủ lâm thời (Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam) do Đại hội quốc dân Tân Trào bầu ra (16-8-1945) và Nhà nước hình thành theo quy định của Hiến pháp 1946 đều tiếp tục truyền thống này, thực sự là một nhà nước dân chủ nhân dân.

Nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và vai trò của Nhà nước là sự hội tụ của các tư tưởng pháp lý có cội nguồn từ văn hiến Việt Nam, văn minh nhân loại (đông, tây, kim, cổ) đặc biệt là chủ nghĩa Mác-Lênin; dựa trên một nền văn hoá rộng rãi để lựa chọn văn hoá, văn minh, tiếp thu và phát triển với tư duy độc lập tự chủ sáng tạo.

Tư tưởng quan trọng nhất thể hiện ở quyền tự do, bình đẳng, bác ái giữa các công dân. Vì vậy một trong những chức năng thể hiện vai trò của nhà nước là đảm bảo quyền tự do, bình đẳng, bác ái giữa các công dân.

Trong tổ chức quyền lực nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước Hồ Chí Minh đã đề cao tính hợp biến, hợp pháp của bộ máy Nhà nước, đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng, lạm quyền; phải có hiến pháp theo lý tưởng dân quyền lấy lao động làm cơ sở và chú trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động, một hiến pháp của Nhà nước độc lập, biết tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc khác.

Để Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân, Hồ Chí Minh đề cao đạo đức của người cầm quyền : Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, bè phái, cục bộ địa phương, gia đình trị "quan cách mạng", quan liêu, tham ô lãng phí.

Người kết hợp dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện; kết hợp sức mạnh của từng người với sức mạnh của cộng đồng, của tập thể, của Nhà nước, của toàn dân, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, sức mạnh của truyền thống và hiện đại tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng những kẻ thù hung bạo nhất của nhân loại, giành lấy quyền dân tộc, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân quyền. Trong bài "Dân vận" đăng báo Sự thật 15/10/1949, Hồ Chí minh nhấn mạnh :"Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đề vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng  là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, H.1985,tr.299)

Luận chứng lịch sử loài người tuân theo quá trình lịch sử tự nhiên, là lịch sử nối tiếp nhau của các phương thức sản xuất, lịch sử , đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội. Nhà nước tồn tại gắn liền với một hoàn cảnh lịch sử nhất định, với sự thống trị về kinh tế và chính trị, tư tưởng của một giai cấp nhất định hình thành trong lịch sử. Đấu tranh giai cấp trong lịch sử hiện đại tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản và đây là một bước quá độ chính trị tiến tới xoá bỏ đối kháng giai cấp, xoá bỏ nhà nước. Trong quá trình lịch sử nối tiếp nhau của các phương thức sản xuất, Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý và điều hành sự vận động và phát triển của xã hội.

Trong vai trò của đảng cầm quyền, vấn đề Đảng lãnh đạo chính quyền được Hồ Chí Minh coi là một nguyên tắc để bảo đảm nhà nước là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Những quan điểm chủ yếu sau đây của Hồ Chí Minh thể hiện nguyên tắc đó:

Một là, bảo đảm cho nhà nước giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân.

Trong xây dựng nhà nước, Hồ Chí Minh coi tính chất giai cấp của nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1959 ghi rõ: “Nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo” (Hiến pháp Việt Nam,  Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 330). Quan điểm của Hồ Chí Minh là nhân dân lao động làm chủ nhà nước do giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Hai là, Đảng lãnh đạo chính quyền cần phải chú ý bảo đảm cho bộ máy chính quyền cũng như cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh.

Hồ Chí Minh chú trọng việc Đảng cầm quyền phải xây dựng chính quyền thật sự trong sạch vững mạnh. Người nhấn mạnh những yêu cầu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong bức thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, tháng 10-1945, Người viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (Hồ Chí Minh  Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.4, tr.56-57) .

Hồ Chí Minh đặc biệt nhắc nhở các cấp chính quyền khắc phục những căn bệnh, nhất là quan liêu, lãng phí, tham ô và những tiêu cực khác mà Người gọi đó là “giặc nội xâm”.

Trong giai đoạn Đảng cầm quyền, Đảng đã cử nhiều đảng viên sang hoạt động trong các cơ quan nhà nước, trong đó nhiều người giữ những trọng trách. Hồ Chí Minh phê bình một số cán bộ, đảng viên cậy thế mình là người của tổ chức đảng để phớt lờ cả kỷ luật trong các cơ quan nhà nước. Người cho rằng, đảng viên không những phải chấp hành Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng mà còn thải phục tùng Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

Ba là, Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng phương thức thích hợp.

Đòi hỏi đầu tiên đối với Đảng cầm quyền là phải đề ra được đường lối, chủ trương đúng đắn. Đường lối đó phải được thể chế hoá bằng Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Khi đề cập vấn đề nhà nước thì điều quan trọng là quyền lực thuộc về ai. Nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là bộ máy thể hiện quyền lực của nhân dân lao động. Nhà nước phát huy dân chủ để động viên tất cả lực lượng của nhân dân vào tham gia sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo thông qua các tổ chức Đảng trong bộ máy Nhà nước bằng đội ngũ đảng viên ở các tổ chức đó. Về mặt chức năng, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước có khác nhau. Do đó, cần phải phân biệt vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Nhưng một đặc điểm của nước ta từ năm 1945 cho đến năm 1975 là hệ thống chính trị chủ yếu dồn sức cho kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong điều kiện ấy, vai trò quản lý toàn diện của Nhà nước chưa được thể hiện rõ nét. Vì vậy, có thể nói trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có một phương thức bất biến về sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền. Trong điều kiện hiện nay chúng ta cần vận dụng sáng tạo quan điểm Hồ Chí Minh tìm ra phương thức lãnh đạo thích hợp với từng thời kỳ.

Một chức năng rất quan trọng của Đảng cầm quyền là lãnh đạo mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Sự nghiệp cách mạng không phải là sự nghiệp của vài người, của vài cá nhân anh hùng nào mà là sự nghiệp của toàn dân, có tổ chức được tập hợp trong mặt trận. Tổ chức mặt trận là tổ chức liên minh chính trị, là tổ chức tự nguyện của các đoàn thể, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo. Năm 1939, Hồ Chí Minh cho rằng, “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo" (Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.4, tr.56-57).

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì với tư cách là tổ chức chính trị cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra đường lối, chủ trương và vận dụng thuyết phục các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia các phong trào cách mạng biến chủ trương, đường lối thành hiện thực.

Ths. Đinh Quang Tuấn - Thanh tra Chính phủ

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam