Được biết, ngày 30/7 được Liên hiệp quốc chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” bắt đầu từ năm 2013. Hàng năm, ngày 30/7 được lấy như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ.

Tại Việt Nam, nạn mua bán người vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng bất chấp những nỗ lực của chính phủ và các tổ chức đối tác.

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: HN) Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: HN)

Nhìn lại 12 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, gọi tắt là Chương trình 130/CP, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt và các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, nghiêm túc triển khai thực hiện. Qua đó, đã thu được những kết quả nổi bật: Phê duyệt và tổ chức triển khai Luật phòng, chống mua bán người; sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2011 và năm 2015 về phần liên quan tội phạm mua bán người; phê duyệt Chương trình quốc gia giai đoạn 2004 - 2010, giai đoạn 2011- 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; ban hành trên 30 văn bản hướng dẫn thực hiện.

Riêng giai đoạn 2011 - 2015, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ, bắt hơn 3.300 đối tượng, tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân. Hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, khẳng định và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm, hiệu quả các cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phòng, chống mua bán người. Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trực tiếp tại cộng đồng đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong xã hội.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng (giai đoạn 2011 – 2015 phát hiện tăng 11,6% số vụ so với cùng kỳ thời gian trước). Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do siêu lợi nhuận, mất cân bằng về giới, do khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, do mất cảnh giác, nhẹ dạ của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh...

Với mong muốn hạn chế tối đa tình trạng mua bán người, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; vận động toàn dân tham gia và động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người.

Theo Dangcongsan