Người đảng viên đưa du lịch cộng đồng về bản

Du lịch, Du lịch, Hồn việt | 10:00:00 17/10/2016

TNV- Nhận thấy bà con ở bản ai cũng giàu lòng mến khách, cảnh quan thiên nhiên núi đồi, ruộng lúa, đồi chè, suối nước… quanh vùng ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển du lịch, chị đã thuyết phục gia đình làm thử nghiệm du lịch cộng đồng.

Chị Hoàng Thị Phượng (áo sẫm màu) ân cần đón tiếp khách theo phong tục vùng cao.

Năm 2008, mặc dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng chị quyết tâm vay mượn bạn bè và vốn ngân hàng, đầu tư 140 triệu đồng sửa chữa nâng cấp mái, trần, sàn, vách, gầm, cầu thang và xây mới 03 công trình vệ sinh tự hoại của căn nhà sàn bốn gian; đồng thời làm lại cổng, tường rào, nhà xe, mua sắm bàn ghế, máy giặt, chăn ga gối đệm…đảm bảo đủ tiện nghi sinh hoạt cho 30 du khách.

Ngôi nhà sàn 4 gian được nâng cấp, sửa chữa năm 2008.

Tuy ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, nhưng chị lại nhanh nhạy trong việc sử dụng công nghệ thông tin vào việc giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng của mình bằng cách giới thiệu trên các trang mạng xã hội như fecabook, zalo…

Cần mẫn và chu đáo chăm chút cho từng tốp, từng tốp khách lẻ…, đến năm 2011, mô hình du lịch cộng đồng của gia đình chị chính thức được Công ty Du lịch Thân Thiện Việt Nam (Amica trawel) lựa chọn ký hợp đồng là điểm dừng chân của du khách ngoại quốc trong tour du lịch về trải nghiệm miền Tây bắc.

Nhờ vậy, mô hình du lịch cộng đồng của chị có lượng khách ổn định, đều đặn và phát triển dần qua từng năm. Năm 2015, gia đình chị đã đón 1200 lượt khách nước ngoài (chủ yếu là khách đến từ Pháp, Bỉ, Đức và Thụy Sĩ) và khoảng 400 khách trong nước. Qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 06 lao động ở bản với mức trung bình mỗi lao động 3,5 triệu đồng/tháng.

Bà Isabelle, bà Laurence và cô Megan là du khách người Pháp tỏ ra thích thú khi
được tận hưởng thiên nhiên trong lành và ở trong ngôi nhà sàn của đồng bào Thái
.

Để phục vụ du khách gần xa đến với gia đình đang ngày càng gia tăng, năm 2015 chị đầu tư 225 triệu đồng dựng thêm căn nhà sàn gỗ ba gian, tạo thành quần thể nghỉ dưỡng kế tiếp liên hoàn cùng hướng ra khoảng sân rộng chừng 100 m2 dùng làm nơi cho du khách giao lưu đốt lửa trại và thưởng thức những điệu xòe cổ mang đậm chất văn hóa bản địa của đồng bào Thái từng làm đắm say, nghiêng ngả bao tâm hồn lữ khách.

Buổi chiều một ngày cuối tháng 9/2016, khi chúng tôi đến thăm đã thấy chị Phượng cùng con dâu, con gái và vài ba lao động địa phương rộn ràng trong bếp chuẩn bị 11 mâm cơm phục vụ hai đoàn khách trong nước hơn 60 người và một đoàn khách Tây 06 người với các món ẩm thực đặc trưng của người Thái như thịt băm nướng lá dong, cá nướng, xôi nương, lạp…

Xẩm tối, 03 du khách người Pháp đạp xe lên núi đã về và các đoàn khách Việt sau khi thăm thú thiên nhiên trong lành miền sơn cước cũng lục tục kéo về để bắt đầu cho đêm giao lưu văn hóa ẩm thực, giao lưu hát, múa xòe cùng đội văn nghệ “cây nhà, lá vườn” của bản.

Khoảng sân rộng chừng 100 m2 được quét tước sạch sẽ chuẩn bị cho đêm giao lưu hát,
múa xòe cùng đội văn nghệ “cây nhà, lá vườn” của bản.

Nhìn thấy rõ hiệu quả mô hình và được chị Phượng động viên hướng dẫn kinh nghiệm, từ năm 2013 đến nay 06 hộ bà con ở bản Đêu 2 và Đêu 3 đã chuyển hẳn sang làm du lịch cộng đồng. Điển hình như mô hình hộ Chu Thị Dương, Lường Thạch Cương bản Đêu 2; với các sản vật đặc trưng gồm: Thịt sấy, cá suối, rêu đá, mắm cá, canh bon, bánh trưng đen, tương tời.

Được biết, sắp tới chị Phượng sẽ mở rộng mô hình, đưa vào thực nghiệm một số dịch vụ mới như: Hướng dẫn khách cùng làm ruộng, tỉa ngô, gặt lúa; tham gia làm nghề truyền thống dệt vải, đan lát mây tre…với người dân; đón học sinh trải nghiệm hè. Cùng với đảng bộ, chính quyền xã động viên tạo điều kiện cho bà con mở rộng và tăng số hộ làm du lịch cộng đồng, đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ làm du lịch cho bà con trong bản.

Gian hàng thổ cẩm và những món đồ lưu niệm.

Nhờ có người cán bộ, đảng viên Hoàng Thị Phượng đi tiên phong đưa mô hình du lịch cộng đồng về cho bà con dân bản, mà đến nay đã có 45 công ty du lịch lữ hành trên cả nước tìm về các hộ làm du lịch cộng đồng trong xã liên kết, đặt tour; bình quân hàng năm đón được 5.000 khách du lịch lưu trú, trong đó 3.500 khách nước ngoài và 1.500 khách trong nước. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 6.000 khách sử dụng các dịch vụ tại địa phương như: Thưởng thức ẩm thực, tham quan, giao lưu văn hóa văn nghệ. Tạo đầu ra ổn định cho nhiều nông sản sạch của bà con địa phương như gà thả vườn, vịt, cá, lợn bản, rau cải, gạo séng cù,…cũng như việc làm và thu nhập thường xuyên cho khoảng 25 lao động tại địa phương - ông Vi Ngọc Chình (Chủ tịch UBND xã) cho biết thêm.

[

 

Các món ẩm thực đặc trưng của người Thái như thịt băm nướng lá chuối, cá nướng,
xôi nương, lạp…luôn được chuẩn bị chu đáo để mời khách.

Là người đầu tiên ở Thị xã Nghĩa Lộ dám làm du lịch cộng đồng tại bản, đến nay, hiệu quả từ mô hình của chị Hoàng Thị Phượng đã có sức lan tỏa và là nguồn cảm hứng khởi nghiệp làm du lịch cộng đồng thành công cho gần 20 hộ trên địa bàn các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi ở Thị xã Nghĩa Lộ.

Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, gắn với việc cải thiện đời sống dân sinh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ môi trường thiên nhiên của mình, tháng 3/2016 chị Hoàng Thị Phượng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Chị xứng đáng với niềm tin yêu, kính trọng của bà con ở bản trên, bản dưới dành cho./.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam