Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Thời sự, Chính trị | 18:22:19 15/12/2016

TNV - Cấp trưởng có vị trí rất quan trọng giữ vai trò quyết định liên quan đến hoạt động và phát triển của cơ quan, đơn vị. Tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao của cấp trưởng, người đứng đầu có tác dụng thúc đẩy và tạo động lực cho những bước phát triển của cơ quan, đơn vị và ngược lại.

Cấp trưởng là người được Đảng, Nhà nước, đoàn thể, nhân dân lựa chọn cử ra chịu trách nhiệm lãnh đạo một cách toàn diện, hệ thống mọi hoạt động trong phạm vi mình quản lý. Cấp trưởng không chỉ giữ vai trò quan trọng trong đối nội mà còn giữ vai trò đối ngoại nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu, giao tiếp với các đối tác, các mối liên hệ trong cộng đồng và xã hội, tạo điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, tấm gương về phẩm chất, năng lực để toàn cơ quan, đơn vị noi theo. Cấp trưởng, người đứng đầu còn là đầu mối tổ chức triển khai mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo của cấp trên. Khi có hiện tượng tiêu cực hoặc xảy ra các vụ việc liên quan đến quản lý tài sản, tài chính, liên quan đến chính sách đối với cán bộ, nhân viên, người lao động thì cấp trưởng luôn phải “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm chính. Phát hiện, xử lý nhanh hay chậm, bỏ qua hay kịp thời khắc phục những mặt yếu kém, những nảy sinh mới, đều do cấp trưởng. Vì vậy, trách nhiệm cá nhân của cấp trưởng rất lớn, có tác dụng quyết định mọi thành công, thất bại trong quá trình hoạt động, phát triển của cơ quan, đơn vị.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp trưởng trong cơ quan, đơn vị. Kết luận số 37-KL/TW ngày 02-02-2009 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 nêu rõ quan điểm: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị”. Quan điểm này chỉ rõ trách nhiệm của cấp trưởng trong cơ quan, đơn vị.

Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07-6-2012 cùa Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Quy định này nêu rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải gương mẫu về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, tác phong, về tự phê bình và phê bình, về quan hệ với nhân dân, về trách nhiệm trong công tác, về ý thức tổ chức kỷ luật và về đoàn kết nội bộ.

Về đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tác phong công tác, Đảng ta chỉ rõ: “Toàn Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành kiên quyết thực hiện: nói đi đôi với làm, nói và làm đúng đường lối, chính sách, pháp luật”[1].

Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX đã khẳng định: “Tăng cường vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy và tổ chức đảng, đồng thời làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, của cơ quan tham mưu là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt coi trọng việc bố trí đúng người đứng đầu tổ chức có đức, có tài, có tính đảng cao, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, đấu tranh chống tham nhũng, nói đi đôi với làm”[2]. Đại hội X, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu: “Cụ thể hóa và thể chế nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu của tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ” [3].

Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị cũng chỉ rõ yêu cầu làm việc theo quy chế, đúng thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo, của người đứng đầu cơ quan lãnh đạo, trong đó có bí thư huyện ủy: “Cơ quan lãnh đạo, cơ quan tham mưu của Đảng ở tất cả các cấp đều phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc theo chương trình, kế hoạch, quy chế. Chương trình làm việc phải bám sát chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của từng cơ quan, giải quyết công việc đúng thẩm quyền, lựa chọn đúng những việc quan trọng và cấp bách nhất để tập trung triển khai thực hiện”... “Cấp ủy cấp dưới hạn chế ra nghị quyết để thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên mà tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện một cách thiết thực”[4].

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: ‘Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu”[5]. Người đứng đầu cấp ủy có vị trí rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao và phương pháp tiến hành công việc của người đứng đầu cấp ủy có tác dụng thúc đẩy và tạo lực cho những bước phát triển mạnh mẽ hoặc ngược lại của cơ quan, đơn vị. Là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy không chỉ giừ vai trò quan trọng mà phải có phương pháp, cách thức tiến hành công việc đem lại hiệu quả trong tất cả hoạt động của mình từ lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong công tác đối nội và đối ngoại...

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nội dung thứ ba là: “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”[6]. Trong bốn nhóm giải pháp nghị quyết nêu ra thì vấn đề “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu” là một nội dung rất quan trọng. Trong nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, Đảng ta xác định: “sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phải phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng” [7].

Đại hội lần thứ XI của Đảng yêu cầu: “Nghiên cứu xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; khắc phục tình trạng bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành... Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của trung ương, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao”, “Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp”. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức… Thực hiện bầu cử, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo theo hướng cấp trưởng giới thiệu cấp phó để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”[8], “Hoàn thiện các quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí”[9]; , “Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”[10].

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật có nội dung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Ví dụ: Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 quy định: “Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm”.

Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14-6-2007 của Chính phủ về Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định một số nội dung như: Nguyên tắc xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Trách nhiệm trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 của Chính phủ, Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong đó quy định ''Chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước là toàn bộ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền được Nhà nước giao cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu”, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Luật Phòng, chống tham nhũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, cụ thể là:

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận, xử lý kịp thời báo cáo, tố giác, tố cáo và thông tin khác về hành vi tham nhũng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tồ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng.

  • Gương mẫu, liêm khiết; định kỳ kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhùng, xử lý người có hành vi tham nhũng.
  • Chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới về việc đê xảy ra hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách. Trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được loại trừ trong trường hợp họ không thể biết được hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Khi xảy ra tham nhũng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu được quy định cụ thể như sau:

  • Người đứng đầu khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đê xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tồ chức, đơn vị do mình quàn lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Người đứng đầu cơ quan khi phải chịu trách nhiệm liên đới về việc đê xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan do mình quàn lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật.
  • Người đứng đầu cơ quan được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm pháp lý nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi tham nhũng.
  • Trong kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán, kết luận điều ưa vụ việc, vụ án tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tồ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ: yếu kém về năng lực quản lý; thiếu trách nhiệm trong quản lý; bao che cho người có hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị còn nhiều bất cập. Vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy và thực hiện đầy đủ. Quá trình thực hiện quyền của người đứng đầu, cấp trưởng gặp phải những khó khăn, hạn chế đòi hỏi phải có những quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất. Những yêu cầu trong giai đoạn mới đòi hỏi phải đề cao thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng nêu ra thực trạng: Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Có những người đứng đầu cấp ủy không đề cao và phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thực sự là đầu tàu gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác và tác phong sinh hoạt, không thể hiện rõ về năng lực trong lãnh đạo, chỉ huy, điều hành. Có những người đứng đầu khi đã yên vị thì xao nhãng nhiệm vụ, buông lỏng vai trò, không làm tròn chức trách, công việc “khoán trắng” cho cấp phó hoặc cấp dưới thuộc quyền, “khoán trắng” cho bộ máy chuyên môn, cán bộ chuyên trách, từ đó sinh ra quan liêu, không hiểu rõ thực trạng, thực tế ở cơ quan, đơn vị. Tình trạng đó thường dẫn tới hiện tượng  nắm công việc chung chung, không cụ thể, bị  cấp dưới “điều khiển ngược”, khi sinh ra vụ việc tiêu cực phải chịu trách nhiệm chính, lúc đó mới “bật ngửa ra” thì việc đã muộn. Nhiều trường hợp, người đứng đầu cấp ủy xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì không nghiêm việc thực hiện Điều lệ Đảng, chế độ sinh hoạt đảng, xem nhẹ đấu tranh phê bình và tự phê bình. Thậm chí né tránh vì hầu như những vấn đề cần đưa ra phê bình đều có sự dính dáng, liên quan đến bản thân.

Thực trạng công tác cán bộ hiện nay đòi hỏi phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là vấn đề  mấu chốt để phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong lãnh đạo, quản lý. Khi công tác lãnh đạo, quản lý lỏng lẻo, không kiểm tra chặt chẽ, giám sát thường xuyên, thực hiện không đúng chế độ, chính sách và sai các quy định của pháp luật, để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, thất thoát, sử dụng tài sản công kém hiệu quả, sử dụng sai các nguồn tài chính… thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất, không thể được “bình thân” ngoài vòng pháp luật, tránh được các hình thức kỷ luật đảng, nhà nước. Vị trí, vai trò của người đứng đầu càng cao thì phạm vi tác động càng lớn cả mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực.

ThS Nguyễn Văn Hùng

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chắp hành Trung ương khỏa IX, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, tr. 141 -142.

 [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2004, tr.142.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thử X, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, tr.137.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2007, tr.132.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tr.264.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khỏa XI, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2012, tr.26.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2012, tr.35.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.249-252.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.253-254.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.263.

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam