Mối quan hệ giữa bí thư huyện ủy và chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thời sự, Chính trị | 10:47:07 15/12/2016

TNV -  Trong tổ chức hệ thống chính trị cấp huyện ở nước ta hiện nay, bí thư huyện ủy thường kiêm Chủ tịch HĐND huyện, Chủ tịch UBND huyện là Phó bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện. Việc bố trí chức danh cán bộ đứng đầu hệ thống tổ chức Đảng và UBND của cấp huyện như trên là một tổng kết thực tiễn hoạt động của HĐND huyện qua hàng chục năm làm thử.

Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện ủy với chủ tịch UBND huyện là phó bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt các mối quan hệ: nguyên tắc tổ chức và cơ chế hoạt động, các mối quan hệ qua hai hệ thống tổ chức Đảng và Nhà nước, bản chất, nội dung của từng mối quan hệ, các hình thức thể hiện từng mối quan hệ…

Về nguyên tắc tổ chức của mối quan hệ được xác định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng năm 2001; Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1002, trong các văn kiện đó vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện, người chủ tịch UBND huyện là phó Bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện đã được quy định, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2915 thì người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện là người lãnh đạo, còn người chủ tịch UBND huyện là phó bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện là đối tượng chịu sự lãnh đạo. Về cơ chế quan hệ thi trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đảng ta đã xác định cơ chế chung điều hành toàn bộ hoạt động xã hội là: “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”. Do đó, theo cơ chế hoạt động này thì người bí thư huyện ủy lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động quản lý của người chủ tịch UBND huyện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội theo pháp luật để nhân dân thực  hiện quyền làm chủ của mình chủ yếu thông qua bộ máy nhà nước cấp huyện.

Đối với các mối quan hệ qua hai hệ thống tổ chức Đảng và Nhà nước thì giữa Bí thư huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện có bốn mối quan hệ:

Thứ nhất, mối quan hệ giữa bí thư huyện ủy với tư cách là người đại biểu cao nhất trong hệ thống tổ chức Đảng cấp huyện với chủ tịch UBND huyện với tư cách là người đứng đầu hệ thống tổ chức hành chính nhà nước cấp huyện. Đây thực chất là mối quan hệ Huyện ủy lãnh đạo UBND huyện, một mối quan hệ rất cơ bản trong hệ thống chính trị cấp huyện.

Thứ hai, mối quan hệ giữa bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện với chủ tịch UBND huyện, đây là mối quan hệ trong hệ thống tổ chức nhà nước cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã nêu trên.

Thứ ba, mối quan hệ giữa bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND là phó bí thư huyện, đây là mối quan hệ trong nội bộ cấp ủy huyện theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ tư, mối quan hệ giữa bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện với chủ tịch UBND huyện là phó Bí thư huyện, thành viên của HĐND huyện, đây là mối quan hệ “kép” theo hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước cấp huyện là Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đối với cấp huyện.

Về bản chất các mối quan hệ giữa người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện với người chủ tịch UBND huyện là phó bí thư huyện, thành viên của HĐND huyện, dù xét trong mối quan hệ nào thì bản chất các mối quan hệ trên vẫn là mối quan hệ giữa lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo. Nội dung và hình thức thể hiện mối quan hệ lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo trong từng mối quan hệ không giống nhau vì tùy thuộc vào vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi người trong từng hệ thống tổ chức mà xác lập các mối quan hệ. Nhưng bản chất các mối quan hệ lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo giữa người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện với người phó bí thư huyện ủy làm chủ tịch UBND huyện không chỉ đơn thuần tác động một chiều, thụ động do người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện chỉ đạo trực tiếp người phó bí thư huyện ủy làm chủ tịch UBND huyện, mà còn có mối quan hệ tác động qua lại giữa người phó bí thư huyện ủy với người bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện với chủ tịch HĐND huyện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách trong hoạt động của cấp ủy huyện, HĐND huyện.

Người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND và người phó bí thư huyện ủy làm chủ tịch UBND huyện cũng lãnh đạo, quản lý thực hiện một nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện là tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cùng thực hiện mục tiêu dân giàu, huyện mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ cấp ủy, người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện và người phó bí thư huyện ủy làm Chủ tịch UBND huyện phải thân hiểu lẫn nhau, thường xuyên quan hệ tác động qua lại trên tinh thần tích cực hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung những hạn chế cho nhau, luôn tôn trọng nhau trên tình đồng chí, dân chủ, đoàn kết, thống nhất toàn diện, ý thức trách nhiệm cao, thường xuyên tự phê bình và phê bình một các trung thực, thẳng thắn, thấu lý, đạt tình, luôn tuân thủ Điều lệ Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, luật tổ chức chính quyền địa phương đối với cấp huyện, quy chế làm việc của huyện ủy, nội quy, quy định của UBND huyện.

Nội dung và các hình thức thể hiện từng mối quan hệ qua hai hệ thống tổ chức Đảng và Nhà nước đối với người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện với người chủ tịch UBND huyện là phó bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện được thể hiện như sau:

Thứ nhất, về nội dung mối quan hệ giữa người bí thư huyện ủy với người  chủ tịch UBND huyện trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là mối quan hệ giữa người đứng đầu thành tố hạt nhân lãnh đạo chính trị với người đứng đầu thành tố quản lý thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống chính trị cấp huyện. Nội dung của mối quan hệ này thực chất chính là nội dung của mối quan hệ huyện ủy lãnh đạo UBND huyện. Nội dung mối quan hệ này rất toàn diện, phong phú, sâu sắc, ngày càng phát triển theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bao gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…Nội dung mối quan hệ trên được thể hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ xây dựng nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ huyện, đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, triển khai, kiểm tra thực hiện nghị quyết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong nhiệm kỳ đại hội thực hiện nội dung lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo, đòi hỏi hai người phải thật sự tôn trọng, thông cảm những khó khăn, hạn chế của nhau; đồng thời phải luôn tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc đã được quy định trong Điều lệ của Đảng và pháp luật của nhà nước. Khi gặp những khó khăn, vướng mắc cần tranh thủ ý kiến của lãnh đạo tỉnh để tìm ra những biện pháp giải quyết tốt nhất. Người bí thư huyện ủy và người chủ tịch UBND huyện ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội phải thống nhất cao về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, những định hướng, chủ trương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn huyện.

Phương thức lãnh đạo của người bí thư huyện ủy và phương pháp quản lý của người chủ tịch UBND huyện không giống nhau, nhưng cả hai đều thống nhất mục tiêu hoạt động là cùng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; cả hai đều là người giữ vai trò chủ chốt trong việc xây dựng nghị quyết, nhiệm vụ chính trị của huyện và lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nghị quyết, nhiệm vụ chính trị đó. Bí thư huyện ủy lãnh đạo theo cơ chế, nguyên tắc, còn chủ tịch UBND huyện quản lý, điều hành bằng pháp luật. Nội dung mối quan hệ giữa hai người được thể hiện trong các cuộc họp sinh hoạt cấp ủy huyện, theo thường kỳ, thường ngày hoặc đột xuất. Trong các cuộc họp sinh hoạt cấp ủy huyện, Ban Thường vụ, Thường trực huyện ủy với tư cách là người chủ trì các cuộc họp, bí thư huyện ủy cùng tập thể cấp ủy bàn bạc, thảo luận ra nghị quyết, chủ trương, chỉ thị. Trên cơ sở nghị quyết, chủ trương của huyện ủy, chủ tịch UBND huyện tiến hành cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch trên từng lĩnh vực. Sau đó điều hành, tổ chức thực hiện qua hệ thống quản lý của nhà nước cấp huyện. Nội dung mối quan hệ giữa người bí thư huyện ủy với người chủ tịch UBND huyện còn được thể hiện thường xuyên hàng ngày, trong giờ làm việc, qua các cuộc họp ngắn, trao đổi trực tiếp hay bằng điện thoại để bàn bạc thống nhất thực hiện một chủ trương, chinh sách, một vấn đề cụ thể nào đó.

Nội dung mối quan hệ này còn được thể hiện trong các cuộc họp đột xuất của huyện ủy, Ban Thường vụ, Thường trực huyện ủy, để có nghị quyết, chủ trương, chỉ thị, giải quyết một vấn đề quan trọng, khẩn cấp do tỉnh ủy chỉ đạo hay tình hình đặc biệt cần kíp phải giải quyết về an ninh, chính trị, kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh… Chủ tịch UBND huyện với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện có tính độc lập nhất định theo pháp luật trong việc thể hiện mối quan hệ chịu sự lãnh đạo của người bí thư huyện ủy. Do đó, người bí thư huyện ủy cần phải tôn trọng vị trí này của người chủ tịch UBND huyện. Người bí thư huyện ủy có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người chủ tịch UBND huyện bằng cách ra nghị quyết, chủ trương, chỉ thị đúng, chỉ đạo sâu sát việc tổ chức thực hiện, kiểm tra chặt chẽ quá trình thực hiện để người chủ tịch UBND huyện quản lý điều hành trong khuôn khổ pháp luật, còn người chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm phải tôn trọng cơ chế, nguyên tắc, cùng người bí thư huyện ủy lãnh đạo xã hội thực hiện nghị quyết, chủ trương, chỉ thị của huyện ủy theo pháp luật. Người bí thư huyện ủy không được can thiệp sâu vào các quyết định của chủ tịch UBND huyện.

Khi phát hiện thấy có vấn đề gì cần góp ý thì phải vừa căn cứ vào nghị quyết của huyện ủy, vừa phải căn cứ đối chiếu với pháp luật, các chủ trương của nhà nước cấp trên, không được nôn nóng mà bất chấp những quy định của pháp luật. Để cho người chủ tịch UBND huyện phát huy đúng vai trò quản lý theo pháp luật của mình thì đòi hỏi các nghị quyết của huyện ủy phải phù hợp với pháp luật hiện hành. Người chủ tịch UBND huyện phải tôn trọng sự lãnh đạo của huyện ủy, việc thể chế hóa của UBND huyện đều phải xuất phát từ nghị quyết, chủ trương, chỉ thị đồng thời căn cứ vào pháp luật và những quy định của cơ quan nhà nước cấp trên. Các quyết định của UBND huyện chịu sự chi phối rất lớn của UBND tỉnh và ngành cấp trên. Do đó, một khi mối quan hệ với tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, kể cả các ngành của cấp trên nảy sinh những vướng mắc thì quá trình thực hiện nghị quyết của huyện ủy cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và kết quả sẽ không cao. Thực tế hiện nay cấp huyện còn phụ thuộc rất lớn vào cấp tỉnh. Từ công tác tổ chức, cán bộ, đến vấn đề định mức chi tiêu trên địa bàn huyện, do đó giữa nghị quyết của huyện ủy và khả năng quản lý thực hiện của chủ tịch UBND huyện còn một khoảng cách, nhiều trường hợp đã có nghị quyết của huyện ủy chưa thực hiện được vì phải chờ tỉnh xem xét quyết định.

Thứ hai, về nội dung mối quan hệ giữa người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện với người chủ tịch UBND huyện là thành viên của HĐND huyện. Thực chất đây cũng là mối quan hệ giữa lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo trong hệ thống tỏ chức nhà nước cấp huyện. Nội dung mối quan hệ này được thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đối với cấp huyện.

Nội dung mối quan hệ trên được thể hiện trong các cuộc họp  định ký HĐND 6 tháng một lần, họp bất thường, thường xuyên hàng ngày giữa Thường trực HĐND với Chủ tịch UBND huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tại mục III, mục IV; chương III: mục I, mục II, theo các điều tương ứng đã nêu trên.

 Thứ ba, về nội dung mối quan hệ giữa người bí thư huyện ủy với người chủ tịch UBND huyện là phó bí thư huyện ủy. Thực chất đây là mối quan hệ lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo trong sinh hoạt nội bộ cấp ủy huyện. Nội dung mối quan hệ này được thực hiện theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, Quy chế làm việc của Huyện ủy. Ở đây, chỉ phân tích nội dung mối quan hệ này theo Quy chế làm việc của Huyện ủy. Theo quy chế này thì phó bí thư huyện ủy làm chủ tịch HĐND huyện là thành viên của Thường trực huyện ủy. Do đó, trong quan hệ làm việc thì mọi Nghị quyết, chủ trương của huyện ủy trước khi cụ thể hóa thành kế hoạch của nhà nước đã có sự bàn bạc thống nhất trong Ban Thường vụ. Tuy nhiên, để có sự thống nhất thật sự cả về nhận thức, trách nhiệm và tình cảm thì ngoài việc phải nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung  dân chủ trong nội bộ, còn phải luôn quan tâm xây dựng được khối đoàn kết thống nhất trong Ban Thường vụ Huyện ủy, mà trước hết là giữa bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND huyện là pháo bí thư huyện ủy. Sự đoàn kết thống nhất chặt chẽ này là cơ sở để đoàn kết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.

Nội dung mối quan hệ này được thể hiện trong các cuộc hội nghị huyện ủy thường kỳ 3 tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết; trong các cuộc họp của ban Thường vụ Huyện ủy để quán triệt, thống nhất lãnh đạo, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết cấp trên, bàn bạc, thảo luận quyết định các vấn đề về chủ trương, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện, giải quyết những vấn đề đột xuất nảy sinh trên địa bàn huyện. Nội dung mối quan hệ này còn được thể hiện qua các cuộc họp ngắc, trao đổi, để đi đến thống nhất một số vấn đề về lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết giữa hai người tại cơ quan hoặc ngoài giờ làm việc qua hệ thống thông tin.

Thứ tư, về nội dung mối quan hệ giữa người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện với người chủ tịch UBND huyện là phó bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện. Thực chất nội dung mối quan hệ này là nội dung quan hệ lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo “kép” trong hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, giữa hệ thống tổ chức Đảng và Nhà nước theo điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên tắc, quy chế làm việc của huyện ủy, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Cơ chế này đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng từ khâu ra nghị quyết cho đến khi nghị quyết được Nhà nước thể chế hóa, tổ chức thực hiện. Mối quan hệ này giúp cho người bí thư huyện ủy với tư cách là chủ tịch HĐND huyện nắm chắc quá trình thể chế hóa, xây dựng kế hoạch, tổ chức điều hành thực hiện nghị quyết, kế hoạch một cách toàn diện, sâu sát, cụ thể, mà đặc biệt là kế hoạch ngân sách, đây là vấn đề rất nhạy cảm dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong chỉ đạo, điều hành. Người phó bí thư huyện ủy làm chủ tịch UBND huyện với tư cách là đại biểu HĐND huyện vừa ở cương vị điều hành, vừa chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của HĐND huyện. Đây chính là cư chế phối hợp thực hiện mối quan hệ “kép”, nhằm kiểm tra hạn chế sự lộng quyền khi giao cho một người nhiều quyền lực và ngăn chặn các tiêu cực khác, đảm bảo cho sự điều hành của Nhà nước cấp huyện theo đúng sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân huyện.

Nội dung mối quan hệ này được thể hiện rất đa dạng theo từng mối quan hệ “kép” trong hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, giữa hệ thống tổ chức Đảng với Nhà nước cấp huyện. Trong hệ thống tổ chức Đảng cấp huyện, mối quan hệ này được thể hiện giữa người bí thư huyện ủy với người phó bí thư huyện ủy trong các cuộc hội nghị huyện ủy, họp Ban Thường cụ huyện ủy, Thường trực huyện ủy. Trong hệ thống tổ chức nhà nước cấp huyện, mối quan hệ này được thể hiện trong các cuộc họp thường kỳ HĐND huyện 6 tháng một lần hay họp bất thường, quan hệ thường xuyên hàng ngày giữa người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện với người chủ tịch UBND huyện trong giờ làm việc, ngoài giờ làm việc, qua hệ thống thông tin. Trong thực tế nội dung mối quan hệ này không phải bao giờ cũng được thể hiện rõ rang giữa hệ thống tổ chức đảng với hệ thống tổ chức nhà nước trong các cuộc hội nghị, hội ý, trao đổi cá nhân với nhau, mà nhiều khi mối quan hệ lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo này được thể hiện đan xen nhau, nên người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện và người chủ tịch UBND huyện là phó bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện, tùy nội dung của từng mối quan hệ được thể hiện, tùy từng vấn đề trong mỗi cuộc hội nghị, cuộc họp, cuộc trao đổi, mà xác định mối quan hệ đúng đắn trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ trên tinh thần đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm cao với nhân dân huyện.

Người bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện và người chủ tịch UBND huyện là phó bí thư huyện ủy, thành viên của HĐND huyện cần phải luôn giải quyết tốt mối quan hệ của mình với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban ngành của Đảng, Nhà nước cấp tỉnh, để tạo những thuận lợi cơ bản trong quá trình công tác, đồng thời phải đảm bảo thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cấp trên. Muốn thế, người bí thư huyện ủy và người chủ tịch UBND huyện phải luôn thống nhất quan điểm, chủ trương trong việc xây dựng nghị quyết, thể chế hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án công tác, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện trên địa bàn huyện. Bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND huyện phải tuân thủ nghiêm tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Huyện ủy, nội quy, quy định làm việc của UBND huyện, thực hiện đúng các quy trình, các bước ra nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án công tác, nhất là phải nhanh nhạy nắm bắt, xử lý thong tin, thống nhất giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh có khả năng ảnh hưởng rộng trên địa bàn huyện. Các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án công tác, nếu sai lầm sẽ gây ra nhiều tác hại cho huyện về mọi mặt, làm giảm sát long tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND huyện không nên để xảy ra tình trạng đổ lỗi cho nhau,không ai chịu trách nhiệm.

Trong thực tiễn hiện nay, mối quan hệ giữa bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND huyện cần phải tránh ba trường hợp: Một là, bí thư huyện ủy do hạn chế về trình độ, năng lực nên khi gặp những vấn đề quan trọng cần phải có chủ trương, ý kiến chỉ đạo để chủ tịch UBND huyện tổ chức thực hiện, nhưng lại lung túng, chần chừ,không quyết đoán, đưa đến chậm trễ công việc hoặc thất bại; hai là, trong cơ chế thị trường đòi hỏi chủ tịch UBND huyện phải năng động, quyết đoán, tranh thủ cơ hội, nên nhiều vấn đề đã tự quyết định, lấn quyền lãnh đạo của bí thư huyện ủy; ba là, bí thư huyện ủy bao biện làm thay công việc của chủ tịch UBND huyện hoặc khoán trắng việc lãnh đạo một số lĩnh vực của đời sống xã hội cho chủ tịch UBND huyện. Trong cả ba trường hợp trên đều làm han chế vai trò lãnh đạo của bí thư huyện ủy và vai trò quản lý của chủ tịch UBND huyện.

Ths. Bùi Thu Chang

Viện xây dựng Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam