Bắt buộc hiến máu chỉ là tình huống giả định

Thời sự, Xã hội | 10:42:21 10/01/2017

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) giải thích bắt buộc hiến máu là một tình huống mang tính giả định.

Liên quan đến việc Bộ Y tế đưa ra phương án quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng, đề xuất này được đưa vào Dự thảo Luật máu và tế bào gốc thì sẽ không đảm bảo về nhân quyền và có thể gây tình trạng thừa máu, lãng phí. Vậy, phương án vừa nêu là như thế nào?,

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Việc hiến máu tính nguyện đã được phát động và thực hiện tại nước ta từ nhiều năm và vài năm trở lại đây đã trở thành phong trào lớn, tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.

ong_nguyen_huy_quang_pmtz
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Chính vì thế, vấn đề hiến máu tình nguyện cần phải được đưa vào Luật máu và tế bào gốc để có một cơ chế pháp lý, từ đó động viên, khuyến khích, khen thưởng những người hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận xây dựng dự án luật cũng có ý kiến về việc nếu hiến máu tình nguyện mà không đủ máu sao không đặt vấn đề hiến máu bắt buộc? Từ đó vấn đề hiến máu bắt buộc được đưa ra để bàn, từ đó khẳng định hiến máu tình nguyện là giải pháp tối ưu nhất mà Bộ Y tế lựa chọn.

Chúng tôi thấy, nếu hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc thì xét về khía cạnh quyền con người, sẽ không ổn. Mặt khác khi tham khảo trên thế giới không có nước nào quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc, cho nên vẫn phải dựa trên cơ sở tự nguyện”.

Vì sao lại đưa ra phương án quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, ông Nguyễn Huy Quang giải thích: “Đấy là một tình huống mang tính giả định. Khi xây dựng một dự luật bao giờ cũng phải đánh giá tác động về chính sách nên phải chọn ra vài vấn đề nhạy cảm để cùng bàn luận cả về khía cạnh pháp luật, yếu tố đạo đức, truyền thống văn hóa… Vấn đề hiến máu bắt buộc là một ví dụ và khi đưa ra thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau…”.

Dẫn số liệu mới nhất của năm 2016, ông Nguyễn Huy Quang cho biết: toàn quốc vận động và tiếp nhận 1.393.760 đơn vị máu, đạt 109% chỉ tiêu kế hoạch và tăng 3,9% so với năm 2015. Về máu, hiện nay đã đáp ứng đủ cho nhu cầu điều trị người bệnh ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, chỉ còn 1 số tỉnh vùng sâu, vùng xa thiếu khoảng 20-30% lượng máu.

Theo Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, tại những tỉnh vùng sâu, vùng xa này, những người cần truyền máu, khi thiếu có thể được chuyển lên tuyến trên, thứ 2 là truyền các chế phẩm khác an toàn tương đương với máu; thứ 3 là thành lập các ngân hàng máu sống tại các huyện đảo xa xôi.

Theo Văn Hải/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam