Chơi tranh gà ngày Tết

Giải trí, Văn hóa | 08:53:43 29/01/2017

Trong các thể tài về tranh dân gian, tranh về gà là phong phú nhất về nội dung với nhiều ý nghĩa trong ngày xuân.

Ông cha ta chơi tranh Tết chỉ kén tranh dân gian thuộc dòng tranh Hàng Trống hay Kim Hoàng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), Độc Lôi (Nghệ An, Hà Tĩnh), tranh làng Sình (Huế)… Trong các thể tài về tranh dân gian, tranh về gà là phong phú nhất về nội dung với nhiều ý nghĩa trong ngày xuân.

Tranh gà ẩn chứa nội dung chúc Tết

Hình tượng gà trống gắn liền với ý nghĩa văn hóa trong đời sống dân sinh. Theo truyền thuyết, gà trống ứng vào tháng Giêng. Đặc biệt ngày mồng Một lại ẩn chứa thời khắc cầm tinh gà. Chính vì thế, gà còn mang biểu tượng sâu sắc cho ngày Tết Nguyên đán. Hình tượng gà trong tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ phủ cũng thường được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh.

Trong giá đồng chầu “Cô Chín”, người chuyên phụ trách bói toán, nên thuật xem tướng bằng chân gà đã ra đời từ xa xưa. Vậy nên tranh gà có nhiều góc cạnh triết lý nhân sinh được bày tỏ qua những câu chuyện kể mang ý nghĩa giáo dục, văn hóa cộng đồng sâu sắc. Những nội dung tranh gà dân gian rất phong phú nhưng đều tựu trung với những chủ đề chính như: “Con gà trống gáy sáng”, “Đại cát” (Vui lớn), “Nghênh xuân”, “Gà mẹ gà con”, “Gà đàn”, hoặc mở rộng hơn khi hình ảnh gà gắn với thiên nhiên, con người như “Kê cúc” (gà trống bên cây cúc), “Gà trống hoa hồng”, “Gà thư hùng”, “Vinh hoa” (Bé trai ôm gà trống), “Chọi gà”…

ga_choi_qosh
Tranh “Gà trống”

Bức tranh “Đại cát”, với hình ảnh chú gà trống oai phong, hùng dũng biểu thị cho sự mạnh mẽ, thịnh vượng khai sáng. Đây là tác phẩm dân gian đậm chất “Tết” cao sang quyền quý. Trong tiếng Hán, chữ “Đại kê” (gà trống) gần âm với chữ “Đại cát”. Đây cũng là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho một công việc hay dự báo về tương lai của con người. Do đó, bức tranh ẩn chứa nội dung chúc Tết tốt lành cho người chơi tranh hay người được tặng tranh. Hình tượng gà trống uy nghi ẩn chứa những yếu tố siêu việt của người quân tử. Đó là tính văn (mào đỏ tựa cánh chuồn); tính võ (cựa gà, vũ khí sẵn sàng vào trận); tính dũng (hiên ngang không sợ địch thủ); tính nhân (kiếm ăn theo bày đàn và nhường nhịn cho gà con); tính tín (gáy chính xác giờ mặt trời mọc).

Hình tượng và màu sắc của chú gà trống sinh động, tràn đầy sức sống. Chiếc đuôi mở to tung bay trước gió; đôi cánh mở ra cùng hàng lông sắc tựa lưỡi kiếm; cùng với đầu ức mỡ màng trong màu vàng ấm giàu sức mạnh của đấng nam nhi kiên cường. Hình tượng gà còn được mở rộng với bức tranh “Gà đại cát nghênh xuân” với hai chú gà trống đối xứng nhau có đề chữ “Đại cát” (vui lớn) thể hiện sự mong ước của người nông dân, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa…

Hình tượng gà trong tranh dân gian còn được các thi sĩ lấy làm cảm xúc sáng tác với những câu thơ giản dị nhưng đầy cảm tác trong các nét vẽ như: “Cái mào lửa cháy/Cổ vươn tiếng gáy/O o bình minh/Chân vàng sừng sững/Đầu gà như phượng/Đuôi xòe đuôi trĩ/Mình tựa mình công…” (Hoài Anh); hoặc nhà thơ Cù Huy Cận còn mở rộng cảm xúc: “Gà gáy trong mưa tiếng vẫn trong/Giọng kim giọng thổ rộn vang đồng/Được mùa giống mới, gà no bữa/Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông”.

em_be_ga2_pehd
Tranh “Vinh hoa” (Bé trai ôm gà trống).

Các nhà thơ còn đưa chữ vào tranh gà như trong bức “Em bé ôm gà” có tựa đề chữ là “Vinh hoa”; Hay trên bức một chú gà trống đứng co một chân, với sự cách điệu từ cái mào, cánh, đuôi, lông mã được ghi hàng chữ “Dạ xướng ngũ canh hòa” (Đêm gáy năm canh đều đặn); hoặc trong bức tranh một gia đình gà, gồm: gà trống, mái và đàn con, các nhà nho đã đặt tên “Gà thư hùng” với lời giải nghĩa “Lắm con nhiều cháu/Giống cánh giống lông”.

Gà cùng một mẹ - triết lý của dân tộc yêu chuộng phúc đức, hòa bình

Người chơi tranh còn thích treo bức “Đàn gà mẹ con” với khổ hình chữ nhật nằm ngang. Gà mẹ và 10 chú gà con xúm xít ấm cúng. Mỗi chú gà con một vẻ khác nhau, tạo nên không khí bức tranh. Con thì đang rỉa lông, rỉa cánh, hoặc có con đang nằm trên lưng mẹ. Lại có con dỏng cổ lên theo hướng mồi mà mẹ gọi cho… Tông màu nóng (đỏ vàng) làm cho đàn gà thêm sáng bừng trong màu nắng. Đó là câu chuyện con đàn, cháu đống, gia đình ấm cúng thương yêu nhau.

Gà cùng một mẹ mang ý nghĩa triết lý của một dân tộc yêu chuộng phúc đức, hòa bình. Từ bức tranh này, nhà thơ Hoàng Cầm từng viết: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Nếu tranh gà Đông Hồ sáng bừng trên giấy điệp thì tranh gà của làng Kim Hoàng, ở Hoài Đức, Hà Nội rực rỡ trên giấy đỏ, hay màu hồng điều.

ga_mecon_1_mcrg
Tranh “Đàn gà mẹ con”.

Nét vẽ gà cách điệu, kết hợp với kỹ thuật vờn màu của dòng tranh Hàng Trống, gây hiệu ứng cho người xem có cảm giác như âm thanh vang lên từ đôi cánh gà vỗ chào đón mặt trời. Vang xa. Lảnh lót. Nhà thơ Huy Cận cũng đã từng viết âm thanh gà gáy trên biển với sắc trầm lăn trên sóng tạo nên khoảng vang xa vô tận: “Tiếng gà trên biển hạ cung trầm/Tiếng sóng hòa theo chẳng tạp âm/Tiếng sóng làm nền cho tiếng gáy/Trầm bao nhiêu lại bấy xa xăm”.

Chọi gà - Biểu tượng cho tinh thần thượng võ

Ngoài các bức tranh gà có ý nghĩa xã hội hay triết lý nhân sinh như đã nói, theo nghệ nhân Lê Đình Nghiên, bức tranh “Chọi gà” mang chất sinh hoạt cộng đồng kỳ thú trong các lễ hội hay ngày xuân về. Bức tranh “Chọi gà” chứa đựng những yếu tố kỹ thuật hội họa sinh động. Trò chơi chọi gà đã trở thành thú vui dân gian từ nhiều thế kỷ có sức thu hút đông đảo quần chúng.

ga_thu_hung_actp
Tranh “Tam Dương khai thái”

Hình ảnh con gà trong trò chơi đã được các nghệ nhân đưa lên tranh vẽ mừng cho ngày hội xuân hoặc các ngày lễ Tết dân tộc. Tiêu chuẩn của một chú gà chọi phải đầy đủ các yếu tố sức mạnh tiềm tàng, gọi là ngũ thường: “Mỏ to thẳng, miệng rộng; đầu mồng dâu; mắt chữ điền; cổ to, dài, thẳng; lưng rộng, cánh dài; đùi to, phần đùi dài hơn phần cán; chân thanh, ngón thắt, vảy mỏng-khô.

Các nghệ nhân xưa đã đưa được những tiêu chuẩn này lên bức họa hai con gà trống nhìn thẳng vào đối thủ, chuẩn bị vào cuộc đấu. Nhìn dáng dấp và khí thế khi vào cuộc hai chú gà có ý thách đấu nhưng vẫn để lại một cảm giác giải trí, hiền hòa không cay cú ăn thua. Cả hai lấy vẻ đẹp của một tinh thần thượng võ làm cốt cách của một trang quân tử khi giao đấu.

Bức tranh tạo nên vẻ đẹp đối xứng và một nhịp điệu bay bổng của cuộc tỉ thí trong lễ hội. Bức tranh “Chọi gà” gây ấn tượng với sắc màu trầm gợi sự giao hòa, tương thân tương ái hơn là cuộc đấu mang tính sống còn trong các trường gà lừa lọc.

Xuân về. Những bức tranh gà treo trên vách tường như một lời chúc sức khỏe, với nhiều niềm vui lớn (đại cát) và đem lại sự may mắn cho gia chủ.

Theo vov.vn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam