Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là sự lựa chọn khách quan, sáng tạo, hợp quy luật

Thời sự, Chính trị | 16:47:17 22/02/2017

TNV - Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở  việt nam là sự lựa chọn khách quan, sáng tạo, hợp quy luật. Đó là kết quả của sự thống nhất giữa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với tư duy sáng tạo, độc lập của Đảng, Nhà nước ta, là quá trình kết hợp biện chứng giữa các quy luật của kinh tế thị trường và các quy luật của chủ nghĩa xã hội, là sự gắn kết giữa thành tựu của nhân loại với thực tiễn Việt Nam.

  1. Kinh tế thị trường là thành tựu của văn minh nhân loại, tồn tại và phát triển trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Kinh tế thị trường (thực chất là tên gọi khác của kinh tế hàng hóa) là nền kinh tế dựa vào thị trường để vận động và phát triển. Từ thế kỷ XIX Ph.Ăng-ghen đã dùng phạm trù "kinh tế tiền tệ" để đối lập với kinh tế tự nhiên. Người viết: "Chính từ đó mà nền kinh tế tiền tệ, đang phát triển, đã thâm nhập, giống như một chất a-xít ăn mòn, vào lối sống cổ truyền của các cộng đồng nông thôn, dựa trên cơ sở nền kinh tế tự nhiên" [1]. Nó là một hệ thống kinh tế tồn tại khách quan trên một trình độ phát triển tương ứng của lực lượng sản xuất và trở thành một bộ phận quan trọng của quan hệ sản xuất tương ứng. Nó không phải là một kiểu tổ chức kinh tế do con người tạo ra bằng ý chí chủ quan của mình, mà hình thành một cách khách quan trong các hoạt động kinh tế của xã hội loài người. Chính chủ nghĩa tư bản đã kịp thời nắm bắt và tận dụng triệt để kinh tế thị trường để phát triển rồi thích nghi và tồn tại.

  1. Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn khách quan, sáng tạo, hợp quy luật.

 Trước hết phải nói rằng, sự ra đời của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gắn liền với công cuộc đổi mới. Đây là quá trình tìm tòi sáng tạo, gian khổ, lâu dài nhằm tìm ra quy luật vận động, phát triển kinh tế thị trường. Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta luôn khẳng định: Sản xuất hàng hóa không đối lập với CNXH mà là thành tựu của nền văn minh nhân loại tồn tại khách quan cho công cuộc xây dựng CNXH và cả khi CNXH đã được xây dựng. Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự lựa chọn vừa phù hợp với xu hướng phát triển khách quan của thời đại, vừa là sự tiếp thu các giá trị truyền thống của đất nước và những yếu tố tích cực trong giai đoạn phát triển đã qua của chủ nghĩa xã hội kiểu cũ. Đây cũng là sự trùng hợp giữa quy luật khách quan với mong muốn chủ quan, giữa tính tất yếu thời đại với lôgic tiến hoá nội sinh của dân tộc.

  1. Nét đặc sắc của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa mang những đặc trưng chung của kinh tế thị trường, vừa mang tính đặc thù, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về mục tiêu phát triển:  Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đưa ra nhằm phát triển lực lượng sản xuất hiện đại với phương tiện là giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt: sở hữu, quản lý và phân phối, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Về các thành phần kinh tế: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đang bao gồm nhiều thành phần kinh tế khác nhau tồn tại một cách hoàn toàn khách quan, tác động qua lại biện chứng với nhau. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đối với các thành phần kinh tế khác được khuyến khích phát triển và làm giàu chính đáng trong giới hạn luật định cho phép.

 Về chế độ sở hữu: Khác với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đang thực hiện đa dạng hoá các hình thức sở hữu nhưng trên cơ sở chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu.

Về cơ chế vận hành: Khác với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Về chế độ phân phối thu nhập: Đó là chế độ phân phối kết hợp những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội và các yêu cầu của quy luật kinh tế thị trường. Bao gồm: Phân phối theo lao động, phân phối theo vốn, tài sản và các đóng góp, phân phối theo giá trị sức lao động, phân phối thông qua các quỹ phúc lợi tập thể và xã hội. Trong đó, phân phối theo lao động là đặc trưng cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về chính sách xã hội: Những chính sách xã hội của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện đầy đủ tính chất ưu việt của một chế độ xã hội vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, khuyến khích mọi người đem hết khả năng làm giàu cho bản thân và đất nước.

Về chiến lược phát triển: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta lấy cơ cấu kinh tế mở, hội nhập để tồn tại và phát triển.

Tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường nước ta còn thể hiện ở chỗ tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hoá, giáo dục, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân.

[1] C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t 21, tr 168

 Lê Văn Dũng

Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự Bộ quốc phòng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam