Khơi dậy làn sóng khởi nghiệp

Hướng nghiệp, Khởi nghiệp | 08:32:13 14/03/2017

Với dự thảo Đề án Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020 (Đề án), Bộ GD-ĐT hy vọng làn sóng khởi nghiệp sẽ được khơi dậy ngay từ trong môi trường học đường. Trọng tâm của Đề án là thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào quá trình hiện thực hóa các ý tưởng của sinh viên cùng với phát huy thế mạnh đào tạo của nhà trường, chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Nhà trường - doanh nghiệp chưa chủ động hợp tác Dù khái niệm “khởi nghiệp” vài năm gần đây mới quen thuộc trong giới sinh viên, nhưng thực tế từ năm 2003, những chương trình khởi nghiệp đầu tiên đã được đề cập tại các trường đại học. Nhiều sinh viên đã trưởng thành từ các cuộc thi khởi nghiệp, trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công doanh nghiệp của mình sau khi ra trường.
ts
Một buổi học của sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, dù đã được duy trì hơn 10 năm, nhưng các chương trình khởi nghiệp mới chỉ tập trung vào một số hoạt động như khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo và một số lĩnh vực trọng điểm. Các hoạt động này mới thu hút được rất nhỏ số sinh viên theo học các ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin tham gia (khoảng 0,016% sinh viên). Các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức chỉ thu hút các sinh viên đã có ý tưởng tham dự, các sinh viên còn lại sẽ nằm ngoài cuộc chơi, do vậy chưa thực sự tạo được động lực cho sinh viên, không hỗ trợ toàn diện về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp. So với các nước khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ doanh nghiệp liên kết với các trường đại học tại Việt Nam rất thấp. Số sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp và các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng thông qua đặt hàng đào tạo nhân lực tại trường đại học ở Việt Nam cũng thấp nhất khu vực Châu Á. Về phía Nhà nước, chưa có cơ chế chính sách thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp vào các hoạt động khởi nghiệp; chưa có cơ chế cụ thể, đồng bộ giúp nhà trường và doanh nghiệp chủ động hợp tác hiệu quả hơn. Nguồn vốn để đầu tư cho dự án khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam còn ít, đặc biệt đối với các dự án của sinh viên. Một loạt bất cập trên dẫn tới sự thiếu hiệu quả của hoạt động khởi nghiệp ở các trường đại học. Trong khi đó, một kết quả khảo sát với 750 sinh viên cho thấy, có 66,6% sinh viên hiện nay chưa biết đến các hoạt động khởi nghiệp; 62% sinh viên được hỏi cho rằng các hoạt động khởi nghiệp chỉ mang tính phong trào, chưa thực sự hiệu quả. Hỗ trợ chứ không bao cấp Trước thực tế nói trên, Bộ GD-ĐT mới đây đã đưa ra dự thảo Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp 2017-2020 với mục đích trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho sinh viên tại trường đại học, cao đẳng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi để sinh viên hình thành và biến các ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, góp phần tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Về tinh thần của Đề án, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Đây là đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, “hỗ trợ” chứ không phải Nhà nước bao cấp, từ nhiều nguồn: Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Mục đích của Đề án cũng không kỳ vọng sinh viên sẽ khởi nghiệp được ngay, mà tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận kiến thức, kỹ năng, có những ý tưởng. Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng không nên trông chờ ngân sách nhà nước. Đề án hướng tới tạo được cơ chế để nhà trường, đơn vị kết nối cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ để sinh viên ra trường được trang bị kiến thức, kỹ năng và ý chí khởi nghiệp. Đây cũng là tinh thần mà các bộ, ngành thống nhất khi tham gia góp ý cho Đề án. Ông Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn cho rằng, quỹ khởi nghiệp là một ý tưởng đột phá, tuy nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập và duy trì. Vì vậy, thay vì bao cấp, cần tính toán kỹ để sinh viên biết tự bảo vệ nguồn vốn của mình. Từ góc độ nhà trường, bà Nguyễn Bích Ngọc, đại diện Đoàn Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, Đề án cần tính tới việc xây dựng đội ngũ tư vấn kết hợp thành mạng lưới theo khu vực hoặc nhóm ngành để tạo hỗ trợ chéo giữa các trường. Đề án cũng cần xác định rõ các giai đoạn khởi nghiệp để có sự hỗ trợ tương ứng. Ở những vùng khó khăn như miền núi, nông thôn, các bạn trẻ thường có nhiều ý tưởng thiết thực, gắn với đời sống, tạo ra nguồn kinh tế cho gia đình. Vì vậy cũng cần cân nhắc sự phân bổ hỗ trợ hợp lý giữa các khu vực. Để đạt được hiệu quả, theo ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT, Đề án cũng cần tập trung vào công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, đặc biệt quan tâm hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Để khuyến khích và thu hút sinh viên trong giai đoạn đầu, dự án dự kiến sẽ hỗ trợ 100 ý tưởng “chim mồi”. Nhưng tinh thần trên hết là phải kết nối với doanh nghiệp và xã hội hóa để triển khai các ý tưởng. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đề cao tính tự chủ của các trường với chủ trương đưa nội dung Đề án vào chương trình đào tạo nhưng đưa vào đến đâu là do các trường quyết định.
Theo Báo Hànộimới

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam