Xây dưng tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên hiện nay

Thời sự, Chính trị | 09:12:15 20/03/2017

TNV - Tiêu chí đánh giá là thước đo để nhận biết được mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên hiện nay là nội dung quan trọng để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, là cơ sở để thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ giai đoạn hiện nay.

Lâu nay, do tiêu chuẩn chưa cụ thể và chưa có tiêu chí đánh giá rõ ràng, nên nhìn chung việc nhận xét theo cảm tính để xác định “hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Do chưa có tiêu chí rõ ràng, nên không xác định được thế nào là “hoàn thành nhiệm vụ” hoặc “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” một cách tường minh. Đôi khi, người hoàn thành khá tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhưng do tính cách, khẩu khí nói năng, va chạm một vài việc nhỏ (nhất là với lãnh đạo) đã bị đánh giá thấp hơn những người “thường bậc trung” nhưng thường “ăn nói nhẹ nhàng”, không “động chạm đến ai”. Vì vậy, việc xây dựng bộ tiêu chí với tư cách là thước đo để đánh giá chất lượng đảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, tiêu chí đánh giá đảng viên phải gắn với bộ tiêu chuẩn chức danh, nghĩa là, thước đo cho mỗi chức danh, chức trách, mỗi vị trí công việc của mỗi đảng viên.

Về việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đề ra tiêu chuẩn cán bộ, nhưng mới là tiêu chuẩn chung, định tính. Kết luận số 37-KL/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa X “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020” đã đề ra nhiệm vụ: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ…”(Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ chín khóa X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.273-274).        Song, hiện nay việc thực hiện xây dựng tiêu chuẩn chức danh chưa được thực hiện đầy đủ. Quy định số 222-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa X “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy”, nhưng tiêu chuẩn, chức danh lao động trong mỗi cơ quan đơn vị sau 5 năm vẫn chưa được xây dựng. Quy định số 219-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa XI “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy” lại giao cho các tỉnh, thành ủy tự xây dựng tiêu chuẩn chức danh. Ngày 19-6-2007, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có Quyết định số 388-QĐ/KTTW ban hành quy định tiêu chuẩn, chức danh ngạch kiểm tra đảng, theo đó quy định rõ tiêu chuẩn chung các ngạch kiểm tra của Đảng, quy định rõ tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ của các ngạch kiểm tra viên, kiểm tra viên chính và kiểm tra viên cao cấp. Quy định này xác định tiêu chuẩn các chức danh tương đối cụ thể. Một số thành ủy, tỉnh ủy như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… đã xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức để thực hiện ở địa phương.

Nhìn chung, các tiêu chuẩn chức danh chủ yếu còn định tính, chưa được lượng hóa; nhiều nơi chưa xây dựng tiêu chí đánh giá, nơi xây dựng lại theo cách tính điểm chung chung, thiếu rõ ràng, không mang tính thước đo. Do đó, xây dựng, quản lý cán bộ, công chức gặp nhiều khó khăn; đánh giá cán bộ, công chức vẫn là khâu yếu kém nhất.

Để tạo ra bước chuyển biến căn bản trong “công tác xây dựng đội ngũ đảng viên”, cần tập trung xây dựng tiêu chí đánh giá đảng viên gắn với tiêu chuẩn chức danh theo tinh thần đổi mới.

Một là: Về tiêu chuẩn chức danh, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn “khung” của Trung ương, làm cơ sở cho các ban, ngành, đoàn thể và địa phương vận dụng xây dựng tiêu chuẩn chức danh của cơ quan, địa phương.

Hai là: Tiêu chuẩn chức danh cần thay đổi sự định tính, xây dựng cụ thể, lượng hóa tối đa những tiêu chuẩn có thể lượng hóa được. Chú trọng xây dựng tiêu chuẩn theo chức danh: Xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở: trưởng ban, phó trưởng ban (tương đương); bộ trưởng, thứ trưởng (tương đương); tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng (tương đương); cục, vụ, viện trưởng, phó cục, vụ, viện trưởng (tương đương); giám đốc sở, phó giám đốc sở (tương đương); trưởng phòng, phó trưởng phòng (tương đương); xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức: chuyên viên (tương đương); chuyên viên chính (tương đương); chuyên viên cao cấp (tương đương); chuyên gia…

Ba là: Cần xác định rõ bộ tiêu chuẩn gồm: về phẩm chất chính trị, đạo đức, trách nhiệm; về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; về kinh nghiệm, sự từng trải; về tác phong công tác, khả năng thu phục, sức lan tỏa; về ý chí phấn đấu, vươn lên; về sức khỏe, độ tuổi… Nội dung tiêu chuẩn theo chức danh cần cụ thể và lượng hóa tối đa để có thể “đo đếm” được. Ví dụ về tiêu chuẩn chính trị, cần cụ thể hóa nội dung “tinh thần yêu nước sâu sắc” thành các biểu hiện,hành vi có thể nhận biết được về ý thức, trách nhiệm chính trị, phẩm chất đạo đức; về năng lực cần phân định ra các nhóm: bằng cấp đào tạo; chứng chỉ bồi dưỡng và quan trọng là năng lực hoạt động thực tiễn thông qua kết quả làm việc… theo chức danh, chức trách. Theo đó, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn của người cán bộ lãnh đạo, quản lý khác với năng lực của người thừa hành không chỉ ở sự hiểu biết ở tầm lãnh đạo, quản lý mà còn là sự thu phục, hấp dẫn, tổ chức, tập hợp, phát huy công chức dưới quyền. Tiêu chuẩn cấp trưởng cao hơn cấp phó; tiêu chuẩn, chức trách của mỗi cương vị khác nhau. Về bằng cấp chuyên môn, yêu cầu chung, cơ bản là tốt nghiệp đại học (một số vị trí nhất định cần thạc sỹ, tiến sỹ). Cần có chứng chỉ bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí, chức trách đảm nhiệm.

Bốn là: Tiêu chí đánh giá đảng viên phải gắn với tiêu chuẩn chức danh cụ thể. Tiêu chí của đảng viên là cán bộ, công chức lãnh đạo, chỉ huy khác với tiêu chí đánh giá đảng viên là công chức thừa hành; đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng khác với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó; chuyên viên khác chuyên viên chính và chuyên viên chính khác chuyên viên cao cấp thông qua các kết quả, sản phẩm công việc.

Tiêu chí đánh giá năng lực đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải hướng vào các “sản phẩm” về tổ chức, quản lý, chỉ đạo... Thí dụ, đối với đảng viên là giám đốc sở, phải có kết quả sản phẩm gắn với chức trách lãnh đạo quản lý; là tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý ngành; xây dựng và chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch; tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực; kết quả đạt được trên những mặt chủ yếu... Đối với đảng viên là lãnh đạo cơ quan tham mưu, có kết quả sản phẩm gắn với chức trách tham mưu, nghiệp vụ là những đề xuất thành các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; chỉ đạo nghiên cứu, phát hiện, xem xét, giải quyết những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đơn vị, địa phương. Đánh giá lãnh đạo một ban tham mưu cấp ủy tỉnh, phải căn cứ vào số lượng, chất lượng các tham mưu, đề xuất thành chủ trương chỉ đạo của cấp ủy; số lượng, chất lượng các công việc chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết những vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; kết quả hoạt động của cơ quan... Đó là số lượng các đề án, chuyên đề, chương trình, kế hoạch; các chỉ số đánh giá về kết quả công việc... Đối với các đảng viên ở ngạch chuyên viên, sản phẩm là các đề án, chuyên đề nghiên cứu; các báo cáo kết quả giải quyết công việc chuyên môn... theo chức trách của mỗi ngạch để xác định mức độ “hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Năm là: Lấy tiêu chí đánh giá đảng viên gắn với tiêu chuẩn chức danh làm cơ sở để thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ.

Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, cần căn cứ vào các tiêu chí đánh giá cụ thể gắn với từng chức danh để thực hiện tự phê bình và phê bình, kiểm điểm lại những tiêu chí chưa đạt được, nêu gương những đảng viên hoàn thành xuất sắc tiêu chí gắn với chức danh của mình. Có như vậy, các đảng viên xác định được mục tiêu rõ ràng trong thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và các tiêu chí đánh giá gắn với chức danh của mình. Thực hiện tốt việc đó thì buổi sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình kiểm điểm lại những việc đã làm của các đảng viên mới đạt hiệu quả thực sự, hoàn toàn khách quan, công tâm. Qua đó, góp phần tạo ra môi trường làm việc lành mạnh của các đảng viên, hạn chế các biểu hiện tiêu cực, các biểu hiện trốn tránh nhiệm vụ, nói nhưng không làm…

Như vậy, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gắn với tiêu chuẩn chức danh để mỗi đảng viên làm căn cứ đối chiếu, tự “soi mình” và đánh giá người khác, qua đó tự xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình và các đồng chí, đồng nghiệp. Xây dựng được tiêu chí đánh giá rõ ràng, mạch lạc theo hướng cụ thể, lượng hóa là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, là cơ sở cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong giai đoạn hiện nay.

ThS. Nguyễn Thị Thơ

                                                                     Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam