Người phụ nữ xây dựng cơ ngơi trên đôi chân bại liệt

Doanh nhân, Gương doanh nhân trẻ | 10:14:55 23/03/2017

TNV - “Làm điều gì cũng cần kiên trì, cố gắng thì mới thành công, tàn nhưng không phế!” Đó là suy nghĩ thường trực trong tâm người phụ nữ tên Lê Thị Mai. Lối suy nghĩ tích cực ấy đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để có cuộc sống vui vẻ, an nhiên hiện tại.

Ảnh 1 Lòng say mê công việc làm chị Mai như trẻ hơn cả chục tuổi

Ngày nào cũng vậy, ngồi trên chiếc xe lăn quen thuộc, người phụ nữ với thân hình gầy gò, đôi tay chậm rãi khâu lại từng mũi chỉ bị tuột trên sản phẩm đã may. Nhiều người ngạc nhiên khi, người phụ nữ ấy là chủ xưởng may 20 công nhân và một ngôi nhà hai tầng mới xây. Chị là Lê Thị Mai, sinh năm 1970 (Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định). Tuổi thơ đầy những bất hạnh Chịvốn là chị cả trong một gia đình công giáo nghèo khó, sau chị còn ba người em, ba trong bốn chị em bị bại liệt. Dù sinh ra và phát triển bình thường nhưng khoảng 7 - 8 tuổi, đôi chân của chị đột nhiên teo tóp dần. Lên 13, chị mất hẳn khả năng đi lại. Em gái thứ ba và em trai út đều bị tương tự như chị. Duy nhất, cô em gái thứ hai là may mắn như người bình thường. Chị Mai chưa một lần được đến trường hay nô đùa cùng bạn bè, chị trở nên tự ti, nhút nhát không dám tiếp xúc bất cứ ai. Nhiều người nghĩ chị thất học nhưng nhờ một người em dạy, chị biết chữ, biết tính toán. Gia đình đã cố gắng chạy chữa ở một số bệnh viện nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, việc chữa trị không có kết quả nên đành dừng lại. Không thể làm việc nhanh nhẹn như mọi người được nên một hôm,bố chị đi làm đồng về thấychưa có cơm ăn, ông mới nặng lời: “Chỉ biết ăn thôi, không biết làm gì đỡ đần bố mẹ!” Câu nói đã chạm tới lòng tự trọng của cô gái mới lớn cũng chính nó đã thay đổi suy nghĩ trong chị: “Mình phải tìm một công việc để nuôi bản thân, không thể ăn dựa bố mẹ mãi được, cũng không để ai coi thường”. Nỗ lực tìm kiếm hướng đi cho bản thân Suy nghĩ cặn kẽ, chị quyết định học may. Thế nhưng, những người xung quanh dè bỉu, bố mẹ chị thì nghi hoặc: “Mày như vậy thì làm được cái gì?” Chị không buồn mà năn nỉ bố mẹ hết lần này đến lần khác. Ông bà khuyên không được, thương con rồi cũng tặc lưỡi, gật đầu để chị được toại nguyện. Xin học nhiều nơi nhưng duy chỉ có một ông thầy ở xã lân cận nhận chị. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra, chị phải có tiến bộ sau một tuần học. Thân thể yếu ớt, xanh xao nên quá trình học của chị gặp nhiều khó khăn. Đôi tay gầy guộc, run run của chị cầm cây kéo cắt từng đường cơ bản trên vải. Ngày trước, máy may đạp chân rất phổ biến, quả thật là thách thức cho đôi chân tật nguyền của chị. Thế nhưng, lòng quyết tâm học cho được cái nghề đã khiến chị quên đi mệt mỏi. Nhiều bạn học không hiểu còn mỉa mai, xúc phạm: “Con què thì làm được cái gì cho đời?” Kể đến đây, giọng chị như nghẹn lại, chị đưa tay lau vội những giọt nước mắt lăn trên gò má. Những đau đớn, tủi nhục từ cái thời xa xôi ấy như bật ra, trôi theo những giọt nước mắt nóng ấm. Học bốn tháng rưỡi ngắn ngủi, tiệm may đo âu phục của chị khai trương lấy tên là Hoa Mai. Ban đầu, chẳng có mấy người tới may phần vì ngại tay nghề của một người khuyết tật, phần vì nhà chị hồi đó ở mãi cánh đồng xa.Thêm nữa, thương mẹ mỗi lần đi chợ xa, chị mạnh dạnxin bố mẹ mua đất ra mặt đường để tiện cho công việc và cuộc sống sinh hoạt. Tuy chưa đủ tiền nhưng chủ đất tốt bụng cho chị chịu lại. Chị thu hút khách bằng việc may trước cho họ mặc thử, khách tìm đến chị may nhiều hơn. Một năm sau, chị có người học trò đầu tiên, từ đó, trung bình mỗi năm có 7 - 8 người tới để học may. Số người theo học ngày càng nhiều mà công việc không đủ, chị Mai lại nghĩ tới chuyển hướng sang làm may công nghiệp, nhưng mặt bằng và trang thiết bị chị đều không có. Ngân hàng, người xung quanh đều không cho chị vay vì chị là người khuyết tật, họ “sợ mất”. Chị Mai khẽ thở hắt ra. May thay, một nhà dòng gần nhà cho chị vay 10 triệu đủ mua 5 máy may cũ và một ông cha xứ trong miền Nam tặng chị 15 máy may nữa nhưng chỉ 10 cái dùng được. Mặc cho việc đi lại khó khăn, chị tự mình tìm đến đối tác để kiếm nguồn hàng. Nhiều người thương hoàn cảnh của chị mà hợp tác nhưng nhiều người vẫn hoài nghi. Chị lại xin mẫu về làm thử để thuyết phục họ. Từ năm 2005 tới nay, xưởng may nhỏ của chị luôn có khoảng 20 máy may hoạt động tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Điểm đặc biệt ở xưởng may chị Mai là có khoảng 7 – 8 người khuyết tật làm việc. Sản phẩm người khuyết tật làm ra dễ bị hoài nghi về chất lượng nhưng họ luôn làm rất cần mẫn. Những người khuyết tật rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương tâm hồn. Nếu mình thẳng thắn chê, họ có thể ném luôn sản phẩm vào mặt mình. Chị Mai tâm sự: “Có lẽ cùng hoàn cảnh nên tôi dễ hiểu họ hơn. Làm việc với họ cần có đủ lòng kiên nhẫn và không được nổi nóng!”

Ảnh 2 Một góc xưởng may nhỏ của chị Mai, các công nhân luôn làm việc chăm chỉ và đầy hứng khởi Những ước muốn bình dị và đẹp đẽ Làm may công nghiệp đòi hỏi phải có đầu óc tính toán từ nguồn hàng, nhân công,… Các công nhân làm 8 giờ nhưng chị Mai phải làm tới 11 giờ một ngày, đôi khi không có thời gian dành cho bản thân. Tuy nhiên, chị cũng có những ước muốn bình dị, nhỏ bé: từ một chiếc đài cát-xét cũ dùng nghe nhạc cho tới chiếc xe máy 82 để nhờ ai đó chở đi chỗ nọ, chỗ kia. Chị Mai tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình, bố mẹ già cả, bệnh tật, các em tật nguyền đều dựa cả vào chị. Cho tới giờ, chị vẫn khao khát được mở rộng quy mô xưởng may vì bản thân và còn vì tạo ra công việc cho mọi người. Bên cạnh đó, chị đã nhiều lần đề nghị với chủ tịch xã thành lập một nhóm khuyết tật để họ có cơ hội làm việc, sinh hoạt, giao lưu cùng nhau nhằm nâng cao đời sống tinh thần lẫn hiểu biết. Tuy nhiên, mong muốn của chị chưa thực hiện được. Chị Mai dành hết số tiền tích lũy để xây nhà mới phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già. Nhà cũ sẽ dành cho nhóm những người khuyết tật sinh sống.Còn về chuyện riêng tư? Chị tủm tỉm cười : “Ừ thì cũng có người quan tâm tôi!” Nhưng khi còn đôi mươi, chị chưa một lần nghĩ sẽ đến với ai đó, đơn giản vì chị sợ mình không làm tròn bổn phận, một mình mình khổ là đủ rồi. Tâm tư của người phụ nữ ấy thật đáng suy ngẫm!

Lan Hương

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam